Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhật ký cách ly của du học sinh Tây Ban Nha: 10 ngày cách ly mang lại nhiều giá trị cuộc sống mà tôi đã bỏ lỡ

DNVN - Mặc dù đại dịch xảy ra là một điều không ai mong muốn, nhưng tôi xin cảm ơn khoảnh thời gian này đã mang lại cho tôi nhiều giá trị của cuộc sống mà tôi đã bỏ lỡ, làm tôi nhận ra được những thứ thường ngày mình không thể thấy. Đó là lời tâm sự của Đinh Phan Cát Tường nữ du học sinh xinh đẹp trở về từ Tây Ban Nha.

Xếp hạng tỷ phú Việt, biến động giữa nỗi lo lan rộng toàn cầu / Top 5 tỷ phú giàu nhất thế giới

Đinh Phan Cát Tường, du học sinh trở về từ Tây Ban Nha.

Đinh Phan Cát Tường, du học sinh trở về từ Tây Ban Nha, đang ở trong khu cách ly Quân đoàn 4 tại Bình Dương.

10 ngày trải nghiệm mang lại cho em nhiều giá trị cuộc sống

Sau 10 ngày sống theo chế độ cách ly để phòng chống dịch Covid-19 trong Trường Quân sự thuộc Quân đoàn 4 đóng tại tỉnh Bình Dương từ 19/3 đến 28/3, Đinh Phan Cát Tường, cô gái Sài Gòn thế hệ 2000 vừa tròn 20 tuổi đã viết những lời chia sẻ như vậy.

Sang Tây Ban Nha du học từ năm 2018, Cát Tường cùng với chị gái (đang học ngành Dược ở Đức) lên kế hoạch cùng về thăm nhà vào đầu tháng 4. Nhưng đầu tháng 3 khi ở Đức và Tây Ban Nha dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát, Chính phủ Tây Ban Nha cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế đi ra ngoài, thì Cát Tường và chị gái đã quyết định về Việt Nam sớm hơn dự định.

Hai chị em, một người ở Đức, một người ở Tây Ban Nha lên máy bay vào ngày 18/3 và hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào sáng sớm ngày 19/3. Sau khi hoàn tất thủ tục ở sân bay, hai chị em được đưa về cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Bình Dương. Đến nay vừa tròn 10 ngày, hai cô gái xinh đẹp sinh ra lớn lên ở Sài Gòn được trải nghiệm cuộc sống của học kỳ quân đội trong khu cách ly.

Cát Tường khoe clip nhảy dây rèn luyện sức khỏe trong khu cách ly Quân đoàn 4.

Cát Tường khoe clip nhảy dây rèn luyện sức khỏe trong khu cách ly Quân đoàn 4.

Chia sẻ về những ngày trong khu cách ly, Cát Tường nói: "Cách ly có lẽ là một trong những trải nghiệm để đời của những ai từng được hiểu cảm giác này. Có cách ly, chúng ta mới biết chỉ cần một cuộc sống đơn sơ, giản dị, bình thường cũng đủ làm ta thấy thoải mái với cuộc đời. Sáng dậy sớm, tối ngủ sớm, ăn đầy đủ 3 bữa một ngày.. những thói quen tưởng chừng giản đơn như thế này nhưng phải chăng đã chìm trong một thế giới bận rộn như bây giờ? Chúng ta bận chạy deadline, công việc, một lối sống quay cuồng chạy theo thời gian. Ăn cho vội, ngủ chỉ đủ để hoàn thành kịp những công việc được giao. Có khoảnh khắc nào chúng ta được sống chậm lại, lắng nghe bản thân mình nhiều hơn, được ở bên gia đình nhiều hơn như khoảnh khắc này?".

Cát Tường những ngày đi du học.

Cát Tường những ngày đi du học.

Đại dịch là một điều không thể tránh khỏi nhưng chỉ có trong những lúc khó khăn thế này ta mới biết lòng người thật sự là thế nào. Chỉ có khoảnh khắc này mới làm lộ ra được bản chất thật của nhiều người. Để thấy sự ích kỷ, sự kỳ thị của con người được nêu lên hàng đầu. Nhưng cũng không thể nói rằng nhờ đại dịch mà chúng ta được dịp gần gũi nhau hơn, hiểu nhau và thông cảm cũng như giúp đỡ lẫn nhau được nhiều hơn. Thường ngày chúng ta có thể là những người lạ qua đường nhưng giờ đây, chúng ta đều cùng chung tay chống dịch và nghe cùng một mệnh lệnh để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

“Mặc dù đại dịch xảy ra là một điều không ai mong muốn, nhưng tôi xin cảm ơn khoảnh khắc này đã mang lại cho tôi nhiều giá trị của cuộc sống mà tôi đã bỏ lỡ, làm tôi nhận ra được những thứ thường ngày mình không thể thấy” Cát Tường nói.

Những món ăn ngon trong khu cách ly của Quân đoàn 4 tại Bình Dương được Cát Tường chia sẻ.

Những món ăn ngon trong khu cách ly của Quân đoàn 4 tại Bình Dương được Cát Tường chia sẻ.

Hành trình rời khỏi Tây Ban Nha: Lần đầu tiên thấy tấm hộ chiếu xanh có quyền lực như thế nào?

Kể lại hành trình về Việt Nam từ ổ dịch lớn thứ hai Châu Âu, Cát Tường cho biết, khi Thủ tướng Tây Ban Nha khuyến cáo người dân lên ở nhà nhiều nhất có thể. Cát Tường đã quyết định không đến lớp và nghỉ ở nhà, cô thông báo với mẹ ở Việt Nam việc cô đã ở nhà do lo sợ dịch bệnh. Người Tây Ban Nha khi đó cũng chưa có ý thức phòng dịch như ở Việt Nam, không có ai đeo khẩu trang khi ra đường.

Vốn tính cẩn thận, cô gọi điện đến một số phòng khám ở gần nơi mình ở để tìm hiểu về dịch vụ xét nghiệm và khám chữa bệnh Covid-19 ở đây ra sao, thì được biết riêng chi phí xét nghiệm lên tới 800 EURO, nếu mắc bệnh thì chi phí điều trị còn nhiều hơn nữa. Sau khi tự cách ly ở nhà 14 ngày tại Tây Ban Nha, dịch bệnh ở đây không giảm mà còn lan mạnh hơn, Tây Ban Nha trở thành ổ dịch lớn thứ 2 châu Âu, chỉ sau Ý. Chính phủ Tây Ban Nha có biện pháp mạnh hơn, phong tỏa hết các thành phố, trường học cũng đóng cửa, nên Cát Tường quyết định sớm về Việt Nam. Cho dù em biết khi trở về thì chưa biết lúc nào quay trở lại Tây Ban Nha được. Chỉ khi nào dịch bệnh được dập tắt trên toàn cầu, châu Âu mở cửa trở lại mới có thể sang học tiếp.

Kể về hành trình đi từ Salamanca - nơi em học về Việt Nam, Cát Tường cho biết: Lúc còn ở Tây Ban Nha, em cũng khá lo nên đã trang bị khá đầy đủ các đồ cần thiết như cồn, khẩu trang, găng tay. Ở bên đó em đã đi hầu hết các nhà thuốc và họ đã hết khẩu trang từ lâu, nhưng em được một chị người Việt cho. Hôm chuẩn bị về, vì em ở Salamanca, khá xa với thủ đô Madrid, nhiều chuyến bay đã bị các hãng hủy, nên em quyết định đi Madrid trước 2 ngày cho yên tâm. Bình thường đi xe bus chỉ mất 3h, nhưng vào ngày 17/3 thì gặp vấn đề khó khăn. Do khi đó Chính phủ Tây Ban Nha đã cho phong tỏa hết các thành phố và cảnh sát đi tuần các đường để kiểm tra. Người đi bộ nếu như không có lý do chính đáng như mua lương thực hoặc đi nhà thuốc, bệnh viện... thì sẽ bị phạt nặng. Em đã biết có một người đàn ông bị dẫn về đồn vì dắt chó đi dạo loanh quanh.

Vì bị phong tỏa nên hạn chế luôn các phương tiện công cộng đi lại, suýt nữa thì em đã không có vé để đi Madrid. Lúc mua vé online người ta đã không cho mua vé nữa nên em chạy nhanh ra trạm nên mới có vé cuối cùng. Ông bán vé bus bảo là không phải ngày nào cũng có chuyến và nếu có thì chỉ có 1 chuyến. Lên xe bus điều cần làm là gì? Em đã lấy chai xịt cồn, xịt quanh chỗ mình ngồi để đảm bảo an toàn, vì không biết được liệu người ngồi ghế này trước đó có bị Covid-19 hay không.

Đến Madrid, em bắt taxi về khách sạn gần sân bay để hôm sau mình có thể ra sân bay dễ dàng hơn, vì gọi xe di chuyển ở Tây Ban Nha lúc đó cũng khá khó khăn. Điều khác biệt nhất có thể thấy là tất cả các tài xế taxi đều đeo găng tay. Để bảo vệ mình, em luôn lấy giấy ăn để kéo cửa taxi ra và vào, lên taxi em cũng xịt xung quanh ghế ngồi. Đến khách sạn khi nhận phòng, điều đầu tiên em làm là xịt khử khuẩn chỗ bàn đựng đồ, giường và bồn rửa tay. Nhưng trước khi xịt, điều cần làm là chạy ngay vào bồn rửa tay trước.

Ở sân bay Madrid, em thật sự chưa bao giờ thấy sân bay nào vắng như hôm 18/3. Sân bay Madrid rất rộng và em có đi lướt qua T1,T2,T3 vì nó là chung một khu, đếm ra chỉ có 4,5 cái máy bay. Còn sang khu T4 cũng thế, bước vào mãi đến khu hãng bay của em mới có vài người. Các chỗ bán đồ cũng đóng hết, chỗ ngồi chờ cũng vắng teo hoặc đóng cửa.

Điều em thấy ấn tượng nhất là khi em đứng đợi để được check in và chị nhân viên đứng gần đó đang hỏi xem ai là người Hàn Quốc thì giơ tay lên, và mấy bạn Hàn Quốc được đề nghị điền vào giấy chứng nhận sức khỏe và được sân bay kiểm tra rất kỹ thì mới được check in. Khi đến phiên em, họ hỏi người nước nào, em bảo Việt Nam, họ lập tức check in và chỉ trong 2 phút em đã có được vé trong tay.

“Chưa bao giờ em thấy hộ chiếu Việt Nam lại quyền lực đến thế này, mấy bạn là người nước khác còn phải đợi mấy phút nữa”, Cát Tường hào hứng nói.

Chuyến bay từ Madrid đến Doha (Qatar) rất ít khách, vài hàng ghế mới có một người. Mọi người ngồi cách xa nhau không nói chuyện, và hầu hết đều mặc áo kín, đeo găng tay, mũ trùm đầu và em thì không rời khẩu trang trừ lúc ăn. Chặng từ Doha về Sài Gòn thì đông khách hơn, sân bay ở Doha cũng đông người hơn, nên em khá lo lắng bị lây nhiễm khi bay, nhưng may là em đã chuẩn bị đủ đồ chống dịch từ trước.

Hàng trang trở về nước từ Tây Ban Nha vùng dịch lớn thứ 2 châu Âu của Cát Tường.

Hành trang trở về nước từ Tây Ban Nha - vùng dịch lớn thứ 2 châu Âu của Cát Tường. Cô bao bọc kín mít do lo sợ nhiễm bệnh trên đường di chuyển.

Cô mang găng tay và xịt khuẩn trước khi ngồi trên xe bus và taxi.

Cô mang găng tay và xịt khuẩn trước khi ngồi trên xe bus và taxi.

Đồ ăn ngon quá, chắc 14 ngày cách ly xong thì lăn về chứ không đi nổi

Cát Tường kể tiếp, nhận được giấy cách ly, em đã cùng mọi người đi về khu cách ly ở Bình Dương, thuộc trường quân sự, rất rộng và có hai khu nam - nữ riêng. Ngày đầu mới đáp máy bay xuống Sài Gòn do chưa quen với chênh lệch nhiệt độ giữa châu Âu và Sài Gòn, nhiệt độ của em lên 37,5 độ , chỉ thiếu 0,5 độ nữa là được các anh bộ đội rước đi ở riêng rồi. Hôm sau thì cơ thể đã quen dần nên nhiệt độ đã trở lại bình thường.

Mỗi ngày chúng em được đo nhiệt độ, khám 2 lần để đảm bảo sức khỏe. Ngày nào cũng có người đi phun thuốc khử khuẩn ở các phòng. Em và chị gái về Việt Nam cùng ngày, nhưng do bay từ hai nước khác nhau, khác chuyến bay nên dù ở cùng một trường quân sự nhưng mỗi chị em cách ly một khu riêng và không sang gặp nhau được.

Lúc xuống sân bay, có 2 bạn nhập cảnh cùng em được người nhà đặt chỗ trước cho về khách sạn cách ly. Không phải nhà em không đủ tiền chuyển sang ở khách sạn, nhưng em nghĩ đi cách ly như thế này là việc hiếm có trong đời. Và trước khi về Việt Nam em đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ đi cách ly 14 ngày, nên em nhanh chóng đăng ký vào khu cách ly tập trung mà không cảm thấy có chút băn khoăn nào.

Ở đây có quy định chỉ được cho người thân vào mang đồ vào còn người trong này không được mang đồ ra (vì sợ virus sẽ phát tán ra ngoài). Nhưng em thấy cũng không cần thiết phải tiếp tế đồ thêm. Vì ngày nào cũng cũng được ăn 3 bữa, rất ngon, các món ăn được đổi món liên tục, chắc 14 ngày cách ly xong thì lăn về chứ không đi nổi.

Sau vài ngày, mọi người ở đây dường như đã thân với nhau rồi, hầu hết là du học sinh về từ các nước, vừa có bạn mới lại đồ ăn ngon, em thấy cách ly chả khổ gì cả. Tội nhất là mấy anh bộ đội tâm sự có con mới sinh mà không được về, phải làm việc và hoàn toàn cách ly với gia đình. Nhưng các anh ấy lúc nào cũng vui vẻ và chăm sóc người cách ly rất chu đáo.

Cuộc sống ở đây cũng khác nhiều so với đời thường của em, đó là những điều trong đời em chưa bao giờ được trải nghiệm. Sáng sớm 5h30 là loa phát nhạc rồi, mọi người cùng tập thể dục, rồi ăn sáng. Có thể nhiều người cho rằng sống ở khu cách ly không thoải mái, nhưng em thấy cuộc sống trong đây là một trải nghiệm tuyệt vời. Cho đến giờ phút này, quyết định của em rời Tây Ban Nha về Việt Nam là hoàn toàn đúng, em không hối hận với quyết định này.

Hàng ngày, mọi người bảo nhau cùng lau nhà, lau hành lang, đọc sách, chạy bộ hoặc tập thể thao. Trên Facebook cá nhân, Cát Tường và chị gái của mình thường xuyên khoe hình ảnh hoạt động trong khu cách ly như nhảy dây, lau nhà, tập yoga.

Buổi trưa vắng người, các cô gái tranh thủ lên đồ, ra ngoài chụp hình check in trong khu cách ly.

Buổi trưa vắng người, các cô gái tranh thủ lên đồ, ra ngoài chụp hình check in trong khu cách ly.

Đinh Phan Tường Vy khoe hình tập thể thao trong khu cách ly mỗi sáng.

Đinh Phan Tường Vy khoe hình tập thể thao trong khu cách ly mỗi sáng.

Chị gái Cát Tường, là Đinh Phan Tường Vy và các bạn cùng phòng còn làm một clip "Fashion Cách ly" khá vui nhộn đăng lên TikTok để cảm ơn các anh bộ đội ở đây đã chăm sóc rất tận tình.

“Còn 4 ngày nữa, hai chị em chia tay Trường Quân sự để về nhà ở Nhà Bè, TP, HCM. Chắc chắn bọn em sẽ rất nhớ nơi này và biết ơn nhà nước, quân đội đã quan tâm tới những người xa xứ trở về nhà trong “thời chiến” như chúng em", Tường Vy và Cát Tường tâm sự.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm