Doanh nghiệp - Doanh nhân

Tạo mối quan hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI

Với mục tiêu đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, hỗ trợ thực chất, hiệu quả để kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI), thành phố Hải Phòng đang tập trung kết nối phát triển đa chiều các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vay vốn với lãi suất 1,2%/năm / Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp chưa có khả năng khôi phục hoạt động

Chú thích ảnh
Công ty TNHH Công nghiệp chính xác EVA, vốn đầu tư của Hồng Kông (Trung Quốc) tại khu công nghiệp, đô thị VSIP Hải Phòng, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho máy văn phòng. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Nền tảng công nghiệp lâu đời

Theo Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên, Hải Phòng là thành phố có vị trí địa kinh tế chiến lược, có nguồn nhân lực dồi dào, có nhiều điều kiện thuận lợi vượt trội từ việc hội tụ đủ 5 phương thức giao thông vận tải và là cánh cửa ra biển của các tuyến hành lang kinh tế.

Trong những năm qua, thành phố Hải Phòng với nền tảng công nghiệp lâu đời, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, đồng bộ, hiện đại, đã trở thành một trung tâm công nghiệp của cả nước. Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như của cả khu vực miền Bắc.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, Hải Phòng ngày càng khẳng định vị thế là trung tâm kết nối, hội tụ nguồn lực và lan tỏa phát triển. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Hải Phòng (GRDP) liên tục đạt mức cao, giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân 12,63%/năm, đứng thứ 2 cả nước, gấp 1,5 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước (6,78%/năm). Tỷ trọng GRDP của Hải Phòng trông năm 2022 chiếm 3,83% GDP cả nước và 14,43% GDP Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Trong số đó, với 1 khu kinh tế diện tích 22.540 ha thành lập từ năm 2008 và 14 khu công nghiệp đã thành lập với tổng diện tích 6.126 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 63,5%... Các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đến nay đang có sự hiện diện của hơn 400 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký 25,72 tỷ USD và hơn 200 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký 13,28 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước và thứ 2 miền Bắc. Tổng vốn FDI trong 9 tháng của năm 2023 cũng đạt trên 3 tỷ USD, hoàn thành vượt chỉ tiêu của cả năm 2023 (2,5 tỷ USD).

Các khu công nghiệp, khu kinh tế của Hải Phòng thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo với nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như tạo ra những tác động lan tỏa khác như: Tổ hợp các dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 9,2 tỷ USD; tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (khoảng 7,6 tỷ USD) và nhiều dự án trên dưới 1 tỷ USD của Regina Miracle International, Pegatron, Bridgestone…

Góc nhìn từ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập cách đây 20 năm tại thành phố Hải Phòng, Tập đoàn Sao Đỏ đã xác định Hải Phòng sẽ là nơi để dồn hết tâm sức, nguồn lực để kiến tạo và phát triển. Đó là lý do để 14 năm trước Tập đoàn Sao Đỏ đã tập trung rất nhiều nguồn lực đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ với quy mô 1.300 ha hoàn toàn lấn biển, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Đến thời điểm này, Tập đoàn Sao Đỏ đã hoàn thành cơ sở hạ tầng được gần 900 ha, thu hút được hơn 60 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, với tổng số vốn đầu tư hàng tỷ USD và đang dự kiến đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ phần san lấp mặt bằng và cơ sở hạ tầng còn lại của khu công nghiệp.

"14 năm thực hiện xây dựng và thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, Tập đoàn Sao Đỏ đã chứng kiến nhiều nỗ lực cải cách, những trăn trở để tìm cách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính của thành phố Hải Phòng. Qua nhiều sự kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước, qua khảo sát thực tế với các tệp khách hàng lớn từ nhiều quốc gia, Tập đoàn Sao Đỏ có cơ sở vững chắc để tin rằng những kết quả đó chưa phản ánh hết tiềm năng thực sự của Hải Phòng. Trong thời gian tới, với sự trọng thị doanh nghiệp đến từ các đồng chí lãnh đạo thành phố, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, chắc chắn sẽ còn nhiều doanh nghiệp lớn với những dự án đầu tư lớn, giá trị cao đến với Hải Phòng", ông Nguyễn Thành Phương nói.

Mối quan hệ cộng sinh

Chú thích ảnh
Sản xuất thép cuộn xuất khẩu tạiCông ty TNHH ThépJFE Shoji Hải Phòng, vốn đầu tư Nhật Bản, tạiKhu công nghiệp đô thị VSIP Hải Phòng. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Ông Lê Trung Kiên chia sẻ, nhìn từ thực tế, mặc dù kết quả thu hút đầu tư luôn ở top đầu cả nước như vậy, trong bối cảnh Chính phủ đã có những chính sách quan trọng để thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, thì sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước tại Hải Phòng còn khá rời rạc, chưa tạo thành mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ nhằm xây dựng nền sản xuất bền vững. Tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của các doanh nghiệp FDI còn thấp; còn nhiều hạn chế trong chuyển giao công nghệ; trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa tham gia được nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt trong bối cảnh các quốc gia, các doanh nghiệp đang tập trung tìm kiếm, triển khai các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 và sau những ảnh hưởng của chiến tranh thương mại toàn cầu. Các doanh nghiệp FDI hiện nay cũng đang tìm kiếm các đối tác trong nước để cung cấp trang, thiết bị, linh kiện, nguyên liệu, lao động cũng như các dịch vụ liên quan nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất, kinh doanh. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước cũng tìm kiếm những cơ hội để đưa các sản phẩm của mình vào các doanh nghiệp FDI, từng bước nâng cao giá trị trên thị trường quốc tế.

Mới đây, tại Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại thành phố Hải Phòng do Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức, đã có 7 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI được ký kết. Qua đây, các doanh nghiệp FDI sẽ có cơ hội để tìm hiểu về nền tảng phát triển công nghiệp của thành phố, năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp trong nước; đồng thời các doanh nghiệp trong nước cũng nắm bắt nhu cầu, yêu cầu để cung cấp cho các doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện lạnh Quang Thắng cho rằng, các doanh nghiệp trong nước muốn tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng này cần phải thay đổi tư duy quản trị, thích ứng nhanh, nâng cao năng lực của chính mình, đầu tư bài bản nguồn nhân lực đến tài chính, công nghệ hiện đại.

Theo ông Baek Chan, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Electronics Việt Nam Hải Phòng, Tập đoàn LG xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng tại khu vực Đông Nam Á để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ chính trị ổn định, điều kiện kinh tế thuận lợi, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Thành phố Hải Phòng được LG Electronics lựa chọn đầu tư vì đây là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế với các điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại.

LG Electronics là một công ty đổi mới công nghệ hàng đầu thế giới. Sản phẩm chiến lược, thế mạnh của LG Electronics là chuyên sản xuất công nghệ điện tử dân dụng, truyền thông di động và thiết bị gia dụng. Để hoàn thành một sản phẩm hoàn chỉnh, doanh nghiệp cần đến rất nhiều nhà cung cấp, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ trong nước còn khá khiêm tốn.... LG Electronics cũng như các doanh nghiệp FDI khác tại Hải Phòng rất cần lựa chọn các doanh nghiệp nội địa tham gia vào chuỗi cung ứng đáp ứng đủ yêu cầu quy chuẩn chất lượng, giá thành, tính minh bạch, khách quan, chuyên nghiệp...

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu khẳng định, Hải Phòng tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế thành phố với 3 trụ cột chủ yếu là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại; trở thành động lực mới, nguồn lực mới phát triển thành phố nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Hồng nói chung.

Cùng đó, thành phố đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng nghề cao; từng bước xây dựng hệ sinh thái tuần hoàn giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp của địa phương. Đề xuất các cơ chế chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư được hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm