Sếp công ty du lịch "bạc tóc" lo tiền những ngày giáp Tết
Phát triển du lịch cộng đồng: Cần có định hướng để giữ nguyên gốc của văn hóa bản địa / Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình: Quyết tâm tạo ra làn gió "Đại Phong" mới cho du lịch
Những ngày cuối cùng của năm Canh Tý sắp qua đi, biết bao thứ tiền phải chi ra, bủa vây lấy doanh nghiệp, nào là công nợ tồn, tiền lương thưởng nhân viên, tiền nợ ngân hàng đến tháng phải trả lãi. Đủ các món công nợ dồn đến cùng một lúc, không biết xoay xở thế nào trong giai đoạn dịch bệnh đang căng thẳng, nhất là đối với những doanh nghiệp du lịch càng lâm vào thế túng bấn khi tình hình dịch bệnh leo thang, khách hàng liên tục báo hủy tuor.
Mấy ngày giáp Tết, chị Minh Nguyệt, Giám đốc một khách sạn nằm ở phố cổ Hà Nội đứng ngồi không yên, chị đang cố gắng đôn đốc công nợ gửi về, mặt khác năn nỉ xin ngân hàng giải ngân ít tiền để có thể chi trả lương, thưởng cho công nhân và các đối tác khách hàng. Với nguồn dư nợ gần cả chục tỉ đồng tại ngân hàng đã vay thêm để trả lương, thưởng, cộng thêm nợ cuối năm, mỗi tháng chị phải trả lãi ngân hàng gần 200 triệu đồng. Đến Tết, nguồn tiền cần thiết để chi trả cho các khoản cộng dồn lên đến cả vài trăm triệu. Để làm bài toán “an toàn”, trong công nợ, công ty chị vay thêm và lấy từ nguồn vay thêm đó để giải quyết tiền lãi ngân hàng hàng tháng trong thời kỳ du lịch đóng băng.
Với một doanh nghiệp lữ hành như anh Quốc Tuấn ở Sài Gòn, doanh nghiệp anh vay của ngân hàng trên 4 tỷ đồng. Trước đây, mỗi tháng lượng khách hàng nhiều, đơn vị anh doanh thu luôn tốt đủ để trang trải cho anh em công nhân, cùng các nguồn khác và còn dư thêm chút ít. Dịch bệnh đến, nguồn tiền dự trữ cạn kiệt, cộng thêm việc phải đặt vé máy bay và khách sạn theo seri booking, khách hàng lại mới hủy tour hàng loạt do dịch ập đến, khiến công ty “điêu đứng” vì khách hủy tour và hủy đoàn toàn bộ. Nguồn tiền trong công ty cạn kiệt sau một năm chống chọi cùng dịch bệnh, bài toán đưa ra là phải xin ngân hàng vay thêm để duy trì sự tồn tại.
Với nhiều ngân hàng, gói vay thêm trong giai đoạn hiện nay đối với một doanh nghiệp lữ hành là rất khó, vì ngân hàng phải “chọn mặt gửi vàng”. Muốn cho vay, thì phải thẩm định, nhưng đối với doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn này mặc dù có tài sản đấy, nhưng ngân hàng vẫn không mấy “mặn mà” cho lắm, vì độ thanh khoản yếu. Vì vậy, để giải quyết tiền nhanh nhất cho nhân viên và đối tác khách hàng, anh Tuấn đành phải tìm đến hệ thống vay tín chấp, và rút tiền từ thẻ tín dụng. Nhưng với hệ thống vay tín chấp thì con số cho vay không được cao và lãi suất cao; hay như thẻ tín dụng cũng vậy nếu đến tháng mà trả sai ngày thì số tiền phạt "cắt cổ".
Anh Tuấn tâm sự: “Câu chuyện tiền bạc cuối năm của mỗi doanh nghiệp luôn là đề tài nóng, nhưng năm nay thực sự khó khăn. Họ nợ mình, mình thì nợ người khác, thôi thì, đành gác nợ lại, để sang năm khi kinh tế hồi phục tính tiếp, chứ đòi nợ họ cũng không có để trả. Khó chung cùng xã hội chứ biết tính thế nào được, nhịn nhau để tồn tại”.
Các doanh nghiệp du lịch rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn do dịch bệnh.
Cùng cảnh ngộ khó khăn với anh Tuấn, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mảng khách sạn ở Quảng Bình, cũng “đau đầu” khi nói đến vấn đề tiền cuối năm. Để giải quyết lương công nhân, doanh nghiệp này cũng phải khăn gói đi vay nợ thêm ngân hàng, nhưng ngân hàng chỉ cho vay thêm trong chừng mực cho phép. Nguồn tiền không đủ, anh phải nhờ đến tín dụng “đen”.
Mà nguồn tín dụng này cũng rất khó tiếp cận, vì phải nhờ mối quan hệ thân quen. Anh chia sẻ: “Mọi năm dù khó đến đâu, nhưng khi nào công ty cũng tiền vào vì có khách du lịch, năm nay coi như “treo niêu”. Dịch bệnh thì khách du lịch không có. Thế nhưng, để chi phí và vận hành tiết kiệm nhất một khách sạn tầm 3 sao đến 4 sao thì doanh nghiệp phải bỏ ra trung bình một tháng 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng, đó là chưa kể các chi phí phát sinh và lãi suất ngân hàng".
Với nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch như nhà hàng, khách sạn, lữ hành… đều hết sức khó khăn. Đối với doanh nghiệp lữ hành, với những lần lên kế hoạch kích cầu và tung vốn cho đặt vé máy bay và khách sạn, dịch vụ khiến doanh nghiệp cạn kiệt nguồn tiền. Với nhà hàng đoàn tour và khách sạn thì trong một năm khách không có, khiến nguồn tiền nuôi nhân viên, tiền duy trì cơ sở vật chất cộng thêm vốn lãi vay ngân hàng khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh bế tắc.
Chị Nga, một chủ nhà hàng đoàn tour ở Miền Trung cho hay, trong những ngày giáp Tết này "ruột gan” chị “nóng như lửa đốt”. Câu hỏi tiền đâu để trả cho nhân viên và công nợ khiến chị mệt mỏi. Chị phải tìm kiếm nguồn tiền từ người thân, cùng các mối quan hệ thân quen để chị giải quyết một phần gánh nặng trước mắt, nhưng để duy trì doanh nghiệp trong bối cảnh và thời gian tiếp theo là bài toán “khó” của công ty chị. Chị chia sẻ: “Câu chuyện doanh nghiệp là luôn tự chủ, nhưng trong thời gian sắp tới, khi dịch bệnh không còn, Chính phủ cần có bài toán giúp đỡ doanh nghiệp du lịch, chứ chúng tôi thực sự rất khó khăn rồi".
Khi rơi vào tình cảnh khó khăn, cách khả quan nhất là xin ngân hàng vay thêm để trả lương cho nhân viên và giải quyết công nợ. Nhưng vay ngân hàng không phải dễ, nếu ngân hàng “đã đóng cửa then cài”, thì doanh nghiệp phải tìm đến tổ chức tín dụng nhỏ và tín dụng đen. Thực tế, không phải là dễ tiếp cận nguồn tín dụng này, vì tất cả đều phải dựa trên mối quan hệ thân quen và uy tín, thì họ mới cho doanh nghiệp vay. Nhiều người chia sẻ: "Doanh nghiệp nếu tìm được nguồn này, dựa trên quan hệ thân quen cũng là sự “may mắn” để giải quyết câu chuyện trước mắt".
Theo bà Đinh Thanh Loan Phó Chủ tịch Du lịch Cộng đồng Việt Nam: "Hiện nay cả nước đều chung tay góp sức cho dập dịch, nhưng khi mọi thứ đã ổn định thì Chính phủ cần xem xét để để có những quyết sách giúp du lịch hồi phục. Khó khăn của mỗi doanh nghiệp du lịch hiện nay có thể nói “đến tận cùng”. Tôi được biết, công ty lớn thì khó theo kiểu công ty lớn, công ty bé thì khó theo kiểu công ty bé. Trong năm vừa qua, có công ty lớn lỗ trên vài trăm tỷ, công ty vừa vừa thì lỗ vài chục tỷ, công ty bé thì lỗ vài tỷ. Các doanh nghiệp du lịch khó khăn trăm bề, chạy vạy tiền bạc để duy trì công ty. Phải nói họ “bạc tóc” trong năm nay. Chúng tôi cộng đồng làm du lịch, tin tưởng vào Chính phủ bên cạnh các quyết sách chống dịch hiệu quả, thì cần quan tâm giúp sức để ngành du lịch tồn tại và phát triển".
End of content
Không có tin nào tiếp theo