Đời sống

Nghị lực phi thường của cô giáo vùng cao bị mất hai chân

DNVN - Là cô giáo vùng cao đã vất vả, mất đi đôi chân khiến cuộc sống khó khăn hơn rất nhiều nhưng cô Tâm đã mạnh mẽ đứng dậy và bước tiếp.

MC Thanh Thanh Huyền khiến nhiều người 'mắt tròn mắt dẹt' với loạt ảnh chụp cùng tuyết / Chi Pu, Trang Pháp, Hoàng Oanh chính thức "về chung một nhà"

Xinh đẹp, yêu đời, có một gia đình hạnh phúc với công việc ổn định, thế nhưng tai nạn đã cướp đi đôi chân của cô Đàm Thị Thanh Tâm, giáo viên dạy nhạc tại Trường TH và THCS Dương Phong (H.Bạch Thông, Bắc Kạn).

Xuất hiện trên sân khấu Trạm yêu thương với đôi nạng gỗ, cô Đàm Thị Thanh Tâm (38 tuổi), tự tin giới thiệu về bản thân và không quên nở nụ cười tươi tắn chào mọi người. Nhìn vào sự lạc quan của cô, ít ai biết rằng người phụ nữ này từng trải qua những biến cố - những ngày cùng cực nhất của cuộc đời.


Thử thách dạy âm nhạc cho MC của chương trình đã phần nào bật mí về công việc và tính cách của cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm. Qua ca khúc “Đi học” khán giả không chỉ chứng kiến giọng hát ấm áp của cô giáo bản mà còn cảm nhận được tình yêu với nghề dạy học. Thế nhưng, những tháng ngày bình yên và đầy niềm vui của cô giáo 8X không còn vẹn nguyên khi tai nạn bất ngờ ập đến. Phóng sự của Trạm yêu thương đã mở ra câu chuyện của cô giáo bản với một nghị lực phi thường.

Vào một ngày cuối tháng 3 năm 2021, trên đường tan làm và đưa con trai nhỏ 5 tuổi từ trường về, hai mẹ con cô giáo Đàm Thị Thanh Tâm gặp tai nạn với xe đầu kéo. Trong lúc hoảng loạn, cô chỉ nghĩ được một điều là bảo vệ con. "Lúc đó, cơn đau khiến tôi choáng váng, tôi cảm giác được hai chân mình dập nát, máu chảy lênh láng trên mặt đường. Có lẽ cả đời tôi chưa bao giờ thấy nhiều máu đến thế! Bằng tất cả sức lực mà tôi có, tôi cố gắng giữ cho mình được tỉnh để biết rằng con mình vẫn an toàn và nhờ sự trợ giúp của người đi đường", cô Tâm xúc động nhớ lại.


Sau tai nạn, cô Tâm được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn lên Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Được cấp cứu kịp thời, cô giáo Tâm giữ được mạng sống, nhưng đôi chân vĩnh viễn không còn. Giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, chính các con là động lực, là sức mạnh để người phụ nữ ấy không buôi xuôi số phận. Trong đầu của cô Tâm khi đó chỉ có một ý nghĩ duy nhất là phải sống để hai con không mồ côi mẹ.

Từ một người bình thường, giờ đây phải làm quen với cuộc sống không chân là chuỗi tháng ngày tăm tối nhất trong cuộc đời cô Tâm. Không thể đứng, không thể đi lại khiến cuộc sống chìm trong bất an và lo lắng. Thời gian đầu, cô không thể tin mình đã trở thành một người khuyết tật.


Nhờ sự quan tâm chăm sóc và yêu thương của chồng con, cô giáo Tâm bắt đầu thích nghi và nỗ lực hồi phục. Vì muốn sớm hòa nhập trở lại, nhiều lần cô không tuân thủ chỉ định của bác sĩ mà tự tập đi ngày đêm trên đôi chân giả được hỗ trợ khiến vết thương rớm máu. Thế nhưng cô giáo bản chưa bao giờ ngừng cố gắng để có thể đi lại được bình thường: “Không hiểu sao lúc đó mình có một sức mạnh lớn tới mức quên luôn cả những đau đớn”.

Như có phép màu xảy ra, 4 tháng sau vụ tai nạn, cô giáo Thanh Tâm quay lại trường và tiếp tục công tác. Chưa quen đi chân giả, những ngày đầu, cô nhờ chồng đưa đón, rồi sau đó tự đi bằng xe máy 3 bánh. Chứng kiến sự trở lại của cô Tâm, nhiều đồng nghiệp gọi đó "là một kỳ tích, một nghị lực phi thường".


Tai nạn đã cướp đi đôi chân nhưng lại giúp cô giáo bản nhận ra rằng mình mạnh mẽ đến như thế nào: "Giờ đây, tôi cảm thấy mình bình thường như bao người khác chứ không phải một người khuyết tật. Tôi làm công việc nhà, đưa đón con đi học, tôi đi dạy, thậm chí còn hỗ trợ nhiều người khó khăn kinh doanh online…”. Qua những chia sẻ của đồng nghiệp và các học sinh nơi cô Tâm công tác, khán giả sẽ phần nào hiểu được những cố gắng và nghị lực của cô đã truyền cảm hứng đến mọi người như thế nào.

Khi được hỏi về ước mơ trong tương lai, cô Tâm mong muốn sức khoẻ của mình sẽ tốt lên để có thể tiếp tục công việc dạy học và truyền động lực cho nhiều người khuyết tật, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Món quà của Trạm yêu thương sẽ phần nào chắp cánh cho những dự định đầy ý nghĩa ấy.

Trong phần cuối của chương trình, ca khúc “Cô giáo bản em” được cô Tâm thể hiện sẽ mang đến sự lạc quan và tình yêu với công việc giảng dạy vất vả và gian khó của những người giáo viên cắm bản.
Mạch Nhiên
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm