Đời sống

Phong tục lễ chùa đầu năm – Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt

DNVN - Tết đến xuân về là điểm khởi đầu cho một năm mới với nhiều mong ước, khát vọng mới tốt đẹp. Và vào dịp đầu xuân năm mới, người Việt Nam thường có phong tục đi lễ chùa và xin chữ đầu năm. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

Đà Nẵng: Chợ hoa Tết Tân Sửu 2021 “lời ăn lỗ chịu”, không xin hỗ trợ của ngân sách / Đà Nẵng: Chuẩn bị kích hoạt các biện pháp ứng phó phòng, chống COVID-19 ở mức độ cao nhất

Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may.

Đã thành thói quen, năm nào cũng vậy, bà Đào Thị Mơ trú tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cứ đêm giao thừa lại chuẩn bị đồ lễ cùng 2 người con dâu mang lên chùa thắp hương để cầu mong sức khỏe và bình an cho mọi người trong gia đình. Thói quen này được bà giữ từ hồi mới về làm dâu và được mẹ chồng của mình hướng dẫn, chỉ dạy. Đến nay, bà tiếp tục duy trì thói quen cùng với 2 người con dâu của mình.

Phong tục lễ chùa đầu năm – Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Phong tục lễ chùa đầu năm – Nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt.

Bà Mơ cho biết, đi lễ chùa đêm giao thừa là truyền thống của bà con nơi đây. Cứ đến Tết, nhà nào cũng chuẩn bị đầy đủ gà lễ, xôi, giò, hương hoa tiền vàng để mang lên chùa dâng lễ cầu bình an. Vì số lượng đông nên nhà chùa làm theo khóa lễ. Cứ khoảng 30 nhà sẽ thành một khóa và được các cụ từ và những người chức sức thắp hương đọc sớ chung cho tất cả.

Để tránh đông đúc, bà và 2 người con của mình đi lễ chùa vào 3h sáng. Lúc này các khóa lễ đã thưa dần. Ra tới nơi có thể dâng lễ được ngay. Sau khi đi lễ xong về đến nhà trời cũng gần sáng. Mấy mẹ còn lại vào bếp chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên ngày mồng 1.

“Đi lễ chùa đêm giao thừa đã trở thành thông lệ của gia đình tôi vào năm mới. Việc này không chỉ gắn kết được tình cảm giữa mẹ con, mà chúng tôi còn mong cầu những thịnh vượng, may mắn và dồi dào sức khỏe sẽ đến với cả gia đình và con cháu trong năm mới. Cầu cho quốc thái dân an, mưa gió thuận hòa để bà con nông dân có một năm nhiều thuận lợi”, bà Mơ cho biết.

Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Đêm giao thừa, mọi người đổ ra đường đi lễ chùa, không ai quên mang theo lễ mọn lòng thành để lĩnh chút lộc cầu may. Càng ngày, lộc càng phong phú hơn trước. Lộc có thể là một phong bao nhỏ chứa câu chúc may của nhà chùa, có thể là một nén hương của nhà chùa hay một cây mía... được bán ven cổng chùa.

“Mọi người quan niệm, đi chùa phải mang lộc về tận nhà, mang những điều may mắn khi bước qua cửa. Vào giờ giao thừa mọi người đi lễ chùa để cầu mong xuân năm mới được hạnh phúc, an lành và hái lộc đầu năm, nhằm ước mong 365 ngày tấn tài, tấn lộc...”, sư thầy Thích Đàm Phúc (chùa Ngòi, Bắc Ninh) cho biết.

Thiên An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm