Phân tích

Đồng Rúp Nga sụt giá tạo áp lực cuộc đua phá giá tiền tệ thêm "nóng"

(DNVN) - Theo Công ty chứng khoán VPBS, sự mất giá đồng Rúp Nga sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác giảm giá đồng nội tệ hơn nữa. Nếu Việt Nam không thể tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ, cán cân thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Công ty chứng khoán VPBS vừa công bố báo cáo cập nhật vĩ mô, phân tích tác động giảm giá đồng Rúp đối với nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của công ty chứng khoán này, sự mất giá đồng Rúp Nga sẽ có tác động không nhỏ đến đồng tiền của các nước châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đồng tiền của các đối tác thương mại Á- Âu giảm giá

 Theo nhận định của Công ty chứng khoán VPBS, nước Nga hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực Trung Á. Kim ngạch mậu dịch của Nga với các đối tác trong Công đồng Kinh tế Á-Âu (EAEC) đạt 55,3 tỷ USD trong năm 2014, chiếm 7,1% tổng kim ngạch thương mại 804,7 tỉ USD của Nga.

Nguồn: VPBS.
Nguồn: VPBS.

Ngày 20/8, Kazakhstan, nền kinh tế lớn nhất tại Trung Á và nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 sau Nga thời hậu Xô Viết, bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá hối đoái nổi, nối tiếp nước Nga (bắt đầu từ cuối 2014) và Trung Quốc (bắt đầu từ 11/8/2015). Với sự thay đổi cơ chế tỷ giá, đồng Tenge sụt giảm 26,2% ngay trong ngày.

Các quốc gia láng giềng của Nga, cũng những đối tác thương mại chính của Nga trong Cộng đồng kinh tế Á-Âu và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đều có đồng nội tệ hoặc bị phá giá, hoặc giảm giá. So với đầu năm, mức độ sụt giảm như sau: Armenia AMD (-1,08%), Belarus BYR (-40,97%), Kazakhstan KZT (-28,75%), Kyrgyzstan KGS (-5,53%), Tajikistan TJS (-18,68%), Uzbekistan UZS (-6,97%) và Trung Quốc (-2,92%).

Đồng Nhân dân tệ bị phá giá

Theo đánh giá của VPBS, việc phá giá NDT gần đây của Trung Quốc và việc chuyển sang cơ chế tỷ giá theo thị trường sẽ có tác động lớn đến nước Nga về sau.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Kim ngạch thương mại Nga- Trung Quốc đã tăng 6,8% so với cùng kì năm trước lên tới 95,28 tỷ USD trongnăm 2014, chiếm 11,8% kim ngạch xuất nhập khẩu của Nga. So với năm trước, nhập khẩu hàng hóa Nga vào Trung Quốc đã tăng 4,9% tới mức 41,6 tỷ USD, và Trung Quốc xuất khẩu sang Nga tăng 8,2% tới mức 5,68 tỷ USD. Nga xếp thứ 9 trong các đối tác của Trung Quốc.

 

"Trung Quốc là một thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trong đó tất cả các thành viên khác (bao gồm Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan) cũng là thành viên của EAEC. Trong năm 2014, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và bốn thành viên Trung Á SCO giảm 37,4% so với cùng kì năm trước ở mức USD25,2 tỷ đồng, chủ yếu là do sự sụt giảm giá dầu mà Kazakhstan và Kyrgyzstan xuất khẩu sang Trung Quốc. Nói chung, hàng xuất khẩu của Trung Á chủ yếu là nhiên liệu và nguyên liệu thô, và nhập khẩu chủ yếu là hàng tiêu dùng", Công ty này cho biết.

Việt Nam gặp khó nếu không tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ

Công ty chứng khoán VPBS cho biết, nước Nga chiếm 0,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,38% kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu năm 2015.

Công ty này cũng cho biết, tính đến ngày 21/8, VND đã giảm giá 5,17% so với USD kể từ đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này ít hơn nhiều so với mức giảm giá nội tệ của các đối tác thương mại khác trong EAEC.

Nguồn: VPBS.
Nguồn: VPBS.

Theo dự đoán của VPBS, việc đồng Rúp sụt giá và sự suy thoái kinh tế tại Nga, hay bất kỳ quốc gia nào trong EAEC sẽ có một số tác động đến nền kinh tế Việt Nam qua 3 con đường. 

Thứ nhất, sự suy giảm trong thu nhập của người dân sẽ làm giảm nhu cầu của họ đối với hàng hóa Việt Nam. 

Thứ hai, sự mất giá với mức độ lớn hơn của các đồng tiền tại các nước này sẽ làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn, khiến nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam suy giảm. Quan trọng hơn, sự mất giá của các loại tiền tệ sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và các quốc gia châu Á khác giảm giá đồng nội tệ hơn nữa. Kết quả là cán cân thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu Việt Nam không thể tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ. 

Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Nga có thể gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, việc chuyển tiền ròngvề Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực.

Cũng theo đánh giá của VPBS, khi đồng Rúp của Nga suy giảm, có một số ngành có thể bị tác động trong thương mại song phương. Song trên thực tế, chúng tôi cho rằng các tác động không đáng kể.

Cụ thể, đối với ngành phân bón: Nga là nước cung cấp phân bón lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 14% tổng giá trị phân bón nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2015, chỉ sau Trung Quốc với tỷ trọng 45%. 

Nga là nước sản xuất kali lớn thứ hai trên thế giới. Hiện tại, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ sản phẩm phânkali và hầu hết nhập từ Nga. Do Việt Nam hiện không có nhà sản xuất kali nào trong nước, nên việc mất giá đồng Rúp sẽ tác động tích cực đến người tiêu dùng Việt Nam và không tạo ra bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa các công ty phân bón tại Việt Nam.

Ngành thép: Thép Nga được nhập khẩu vào Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Việt Nam cũng không phải là thị trường xuất khẩu mục tiêu cho ngành thép của Nga. Từ khi đồng Rúp giảm giá từ tháng 7/2014 cho đến nay, theo quan sát và thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam, thì không có hiện tượng nhập khẩu ồ ạt thép Nga vào thị trường Việt Nam.

Hầu hết thép Nga nhập khẩu vào Việt Nam thuộc những loại mà Việt Nam sản xuất ít hoặc hạn chế sản xuất, và không phải là mặt hàng thép xây dựng (sản phẩm chính của HPG) hoặc tôn mạ (sản phẩm chính của HSG). VPBS cho rằng sự mất giá của đồng Rúp cùng với Hiệp định Liên minh Á Âu không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.

Ngành thủy sản: Sự mất giá của đồng Rúp cũng không ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các doanh nghiệp ngành thủy sản Việt Nam do xuất khẩu sang Nga chiếm tỷ trọng khá nhỏ. Bốn quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Nga là Trung Quốc, Chi-lê, Ấn Độ và Greenland. Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nga đã sụt giảm đáng kể từ khi các mặt hàng thủy sản Việt Nam bị cấm nhập khẩu vào năm 2013; từ đó Nga không còn nằm trong danh sách 8 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Theo VASEP, Nga chỉ chiếm 1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo