Thị trường

Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2023

(DNVN) - Dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động vào khoảng năm 2023, cung cấp thêm cho nguồn điện ít nhất là 10.000 Mgw với sự giúp đỡ của Liên bang Nga.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) dẫn thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Việt Nam là một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với việc phát triển mạnh mẽ các ngành nghề sản xuất trong nước và gia công cho nước ngoài. 

Năng lượng chi phí cho công cuộc này là vô cùng lớn, nếu Việt Nam không sản xuất điện theo hướng sử dụng năng lượng sạch mà chỉ dùng năng lượng truyền thống (thủy điện, nhiệt điện) thì mối nguy không chỉ từ việc cạn kiệt nguồn năng lượng tự nhiên mà còn ở sự ô nhiễm thải ra môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và sinh thái. Việc phát triển điện hạt nhân không những tăng nguồn cung mà còn tạo nguồn điện mới theo hướng chủ động hơn, giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên.

Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. (Nguồn: internet).
Việt Nam đang từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng đảm bảo thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. (Nguồn: internet).

Đặc biệt, Việt Nam có nền địa chất đất ổn định, các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần ít xảy ra, chỉ xảy ra lụt lội theo mùa có thể kiểm soát, địa chất cũng phù hợp để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Hơn nữa, Việt Nam có thể học được kinh nghiệm từ các nước đi trước, nhận chuyển giao công nghệ hiện đại, xây dựng các kế hoạch đối phó và xử lý kịp thời các vấn đề xảy ra.

Công nghệ năng lượng hạt nhân tiên tiến và đa dạng tạo điều kiện phát triển tương lai bền vững cả ở nước công nghiệp và nước đang phát triển. Lò phản ứng hạt nhân còn được dùng để khử mặn nước biển nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch ngày càng tăng trên thế giới. Những thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới đang được kỳ vọng để sản xuất hydro với lượng lớn cung cấp nhiên liệu cho ô tô năng lượng sạch. 

"Đặc biệt, chất thải phóng xạ không phải là điểm yếu mà là đặc thù của năng lượng hạt nhân. So với lượng thải khổng lồ của năng lượng hóa thạch vào khí quyển, lượng chất thải hạt nhân nhỏ, được quản lý tốt và có thể cất giữ mà không gây nguy hại cho con người và môi trường", Cục Quản lý giá nhận định.

Dựa trên những cơ sở đó, Cục Quản lý giá cho biết, việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam là chiến lược dài hạn của quốc gia bên cạnh việc tận dụng các nguồn tài nguyên trong nước và nhập khẩu năng lượng ở mức độ thích hợp. Dự kiến Việt Nam sẽ có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên hoạt động vào khoảng năm 2023, cung cấp thêm cho nguồn điện ít nhất là 10000Mgw với sự giúp đỡ của Liên bang Nga và nhà máy thứ hai hoạt động ngay sau đó với sự giúp đỡ của Nhật Bản.

Cục Quản lý giá cũng thông tin, với sự hỗ trợ của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện các vấn đề cơ sở hạ tầng điện hạt nhân nhằm đảm bảo cho dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận được thực hiện với độ an toàn và hiệu quả cao nhất. Trong đó, Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thành cột mốc số 2 sẵn sàng cho việc mời thầu và tiếp tục triển khai các bước xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại tỉnh Ninh Thuận. 

 

Theo Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện Việt Nam đang tích cực triển khai dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận do Nga là đối tác dự án Ninh Thuận 1 và Nhật Bản là đối tác dự án Ninh Thuận 2. Tuy nhiên, khó khăn Việt Nam còn gặp phải trong quá trình thực hiện là chưa có kinh nghiệm trong quản lý, triển khai dự án điện hạt nhân; cơ sở hạ tầng cần thiết cho phát triển điện hạt nhân của Việt Nam còn đang ở mức độ thấp; hệ thống pháp luật quốc gia chưa hoàn chỉnh, thiếu nhân lực (cả về số lượng và chất lượng) trong mọi lĩnh vực liên quan đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Vì vậy, theo định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa ra phương án thiết kế với công nghệ hiện đại và độ an toàn cao hơn; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu phải bảo đảm an toàn ở mức cao nhất khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân; nâng cấp và thành lập các cơ sở đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thực hiện dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; nhân lực cho thực hiện các hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) và hỗ trợ kỹ thuật; nhân lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân; nhân lực cho các cơ sở đào tạo. 

Đồng thời, phối hợp thường xuyên và chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức liên quan nhằm có thông tin kịp thời giúp người dân hiểu biết về việc phát triển điện hạt nhân để công chúng ủng hộ đối với tất cả các khâu của dự án điện hạt nhân, từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, triển khai và đưa vào vận hành các dự án điện hạt nhân.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần làm đa dạng hóa nguồn sơ cấp, tăng cường tính an ninh trong cung cấp năng lượng, đảm bảo các nguồn tài nguyên trong nước được sử dụng một cách hợp lý; tăng cường tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp và kinh tế.

Bên cạnh đó, điện hạt nhân tạo điều kiện giảm phát thải khí ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu; đảm bảo cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng cho đất nước trong tương lai; đảm bảo tính kinh tế khi cạnh tranh với các nhiên liệu nhập khẩu.

 

Vào tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tại hai thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải và thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận), so với mặt bằng cũ đã được duyệt năm 2010, mặt bằng mới được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu vào đất liền khoảng 400m. Tổng diện tích chiếm đất của dự án (trên đất liền) là hơn 443ha; trong đó diện tích nhà máy chính trong hàng rào gần 190ha, diện tích vùng cách ly 500m từ hàng rào nhà máy xấp xỉ 197ha, khu lán trại tạm 11ha, bãi phục vụ thi công hươn 45,6ha. 

Tổng diện tích sử dụng trên biển là trên 440ha; trong đó diện tích khu vực nhà máy hơn 87ha, diện tích khu vực cách ly biển 318ha, bãi phục vụ thi công gần 4,4ha, cửa nhận nước số 1 chiếm gần 11ha, cửa nhận nước số 2 diện tích 10,8ha, cửa xả số 1 là gần 5ha, cửa xả nước số 2 là hơn 4ha.

Bên cạnh đó, còn có một số điều chỉnh khác như quy mô công suất và công nghệ được quy hoạch với quy mô bốn tổ máy với công suất mỗi tổ máy từ 1.000 đến 1.200 MW được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt hai tổ máy; cao trình san nền dự kiến là +12m (hệ cao độ quốc gia), cao trình cuối cùng sẽ được chuẩn xác trong Dự án đầu tư được phê duyệt. Các nội dung khác theo Quyết định số 3849/QĐ-BCT ngày 20/7/2010 của Bộ Công Thương.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận), so với mặt bằng cũ đã được phê duyệt năm 2010, mặt bằng mới được mở rộng về phía Tây Nam và lùi sâu vào phía đất liền khoảng 285-395m.

 

Tổng diện tích chiếm đất của dự án (trên đất liền) là gần 381ha; trong đó diện tích nhà máy chính trong hàng rào gần 171ha, diện tích vùng cách ly 500m từ hàng rào nhà máy gần 166ha, khu lán trại tạm xấp xỉ 11ha, bãi phục vụ thi công hơn 33ha. Tổng diện tích sử dụng trên biển là hơn 377ha; trong đó diện tích khu vực nhà máy trên 57ha, diện tích khu vực cách ly trên biển hơn 285ha, bãi phục vụ thi công hơn 28ha, cửa xả nước số 1 là trên 3ha, cửa xả nước số 2 là gần 3,3ha.

Bên cạnh đó còn có một số điều chỉnh khác như quy mô công suất Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được quy hoạch với quy mô bốn tổ máy với công suất mỗi tổ máy từ 1.000-1.200 MW, được chia làm hai giai đoạn, mỗi giai đoạn lắp đặt hai tổ máy; cao trình san nền dự kiến là +15m (hệ cao độ quốc gia), cao trình cuối cùng sẽ được chuẩn xác trong dự án đầu tư được phê duyệt. Các nội dung khác theo Quyết định số 3850/QĐ-BCT ngày 20/7/2010 của Bộ Công Thương.

HÒA HẬU
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo