FTAs sẽ làm kẻ khóc, người cười
Nhiều tiếng thở than
Chỉ vài tiếng đồng hồ trước khi Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đáp máy bay sang Mỹ vào tối thứ Hai vừa rồi để tham dự vòng đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), một văn bản của các doanh nghiệp liên quan đến ngành ô tô đã được gửi lên Thủ tướng đề nghị hàng loạt các ưu đãi. Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và một số doanh nghiệp sản xuất ô tô - những người gửi văn bản - xin được miễn thuế đất, ưu đãi đầu tư, cấp tín dụng 0% cho vay mua xe trong nước, và giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 45% cho tất cả các xe dưới 2.0L.
Động thái trên không phải là duy nhất của ngành ô tô - ngành được bảo hộ cao nhất trong vòng hơn hai thập kỷ qua mà không thể trưởng thành. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đầu tuần này, Nhóm công tác công nghiệp ô tô, xe máy tiếp tục kêu ca với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị hội nhập toàn diện với ASEAN vào năm 2018, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam “có tiếp tục tồn tại và phát triển hay không” phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách thuế và phí của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt phải kể đến thuế tiêu thụ đặc biệt. Vẫn có nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô như Toyota, Trường Hải đề nghị phải giữ nguyên mức bảo hộ tối đa 50% đến năm 2017, trong khi Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phê duyệt lộ trình giảm thuế 50%-50%-40%- 30%-0% trong giai đoạn 2015-2018.
Càng được nuông chiều, bảo hộ, ngành ô tô càng kém cạnh tranh. Thật khó biện minh khi trong một thời gian dài bảo hộ với mức thuế cao ngất ngưởng, mà giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn ít nhất 20% so với giá thành một chiếc xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Câu chuyện của ngành ô tô cũng không phải duy nhất. Hiện đang xuất hiện ngày càng nhiều các lời than vãn từ các ngành thép, xi măng, nhựa... về tiến trình hội nhập. Cho dù đã làm quen với tiến trình hội nhập kể từ sau Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ năm 2000, rồi WTO năm 2007, thì những lời kêu ca đó ngày càng nhiều thêm và to hơn gần đây.
Tiếng cười cũng có
Song, có vẻ những lời than phiền đó không che giấu được những thành công về kinh tế do hội nhập.
Theo Bộ Tài chính, trong tám Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cho giai đoạn 2015-2018, mức độ tự do hóa trung bình lên tới 90% hàng hóa, trừ hiệp định Asean là 100%. Mức độ tự do hóa cuối cùng trong các FTA dự kiến đạt khoảng 90-97% số dòng thuế, với thuế suất cuối cùng về 0% vào thời điểm 2020.
Việc mở rộng FTA với nhiều đối tác không những giúp thị trường tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống về nguyên liệu mà còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung cho biết, thị trường nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên tới 240 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2013 (năm 2011 con số này là 160). Số thị trường nhập khẩu hơn 1 tỉ đô la Mỹ hàng hóa của Việt Nam tăng từ 25 thị trường vào năm 2012 lên 27 năm 2013. “Hội nhập nói chung đã và đang đưa tới những áp lực cải cách từ bên trong của Việt Nam”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh thừa nhận gần đây.
Trong bối cảnh nền kinh tế đã hội nhập tương đối sâu rộng sau tám hiệp định đã ký, Việt Nam đang đàm phán gia nhập sáu hiệp định khác, trong đó đáng quan tâm nhất là TPP và FTA với EU. Trước các nhà đầu tư nước ngoài tại VBF 2014 đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, Việt Nam sẽ ký kết FTA với EU vào đầu năm 2015. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực đàm phán với 11 nước khác về TPP với quyết tâm kết thúc trong năm 2015. Thủ tướng nói, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ dành các điều kiện phù hợp với trình độ phát triển thấp của Việt Nam để Việt Nam có thể tham gia TPP. Ông nói: “Tôi nói điều này để đưa ra thông điệp: Việt Nam tích cực hội nhập sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững hơn và hoàn thiện cải cách, thể chế kinh tế thị trường của Việt Nam”.
Vĩ thanh
Tất nhiên là các nhà đầu tư nước ngoài cổ vũ nhiệt tình cho tiến trình thực hiện các FTA này, mà khi tham gia, Việt Nam sẽ phải cắt giảm ngay tới 90% các dòng thuế.
Ông Tomaso Andreatta, Phó chủ tịch EuroCham, đề cập khả năng ký FTA Việt Nam - EU vào mùa xuân năm sau, nói: “EuroCham rất ủng hộ quá trình này và đóng góp nhiều nhất có thể để hiệp định được ký kết. Chúng tôi tin rằng việc thỏa thuận nhằm hỗ trợ Việt Nam một cách tốt nhất là rất quan trọng: hiệp định này, cũng như TPP, có thể được sử dụng để thúc đẩy việc thực hiện các cải cách, hoàn thành việc tái cấu trúc nền kinh tế và tăng mức độ tự tin của các nhà đầu tư quốc tế có tại Việt Nam”.
Ông Antony Nezic, Chủ tịch Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam, bổ sung: “Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Hiệp định TPP... vì lợi ích kinh tế và xã hội của Việt Nam. Những cải cách về thể chế, các đàm phán và thỏa hiệp cần thiết sẽ có lợi cho thương mại và vì vậy tốt cho lợi ích quốc gia cũng như duy trì sự ổn định và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Thương mại là một trong số ít các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và sự tăng trưởng của Việt Nam cũng hoàn toàn phụ thuộc vào điều này. Vì vậy, Hiệp định TPP sẽ mang lại lợi ích kép cho Việt Nam - tăng trưởng từ phát triển thương mại và tăng trưởng từ cải cách thể chế. Tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước là yếu tố then chốt để tiếp cận được tiềm năng tăng trưởng này...”.
Trong khi đó, đồng Chủ tịch VBF, bà Virginia Foote, nói: “Hy vọng năm 2015 Việt Nam sẽ ký được FTA với EU và kết thúc đàm phán TPP. Nếu không kết thúc được vào năm 2015 thì chúng tôi vẫn hy vọng vào năm 2016”. Theo bà Foote, Việt Nam cần cải tổ nhiều hơn để tận dụng các cơ hội mà các FTA đem lại. Sự cạnh tranh trong khối Asean, đặc biệt là Asean 6, sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Ngay cả sự đổi mới, cải cách và cạnh tranh giữa các nền kinh tế trong Asean đã tăng tốc hơn nhiều so với trước đây. “Vẫn còn những nền tảng quan trọng của nền kinh tế mà Việt Nam chưa có được, vì vậy cần nỗ lực để nâng cấp các chuẩn mực hiện đại trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, kế toán, kiểm toán, quản trị công ty... Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam tụt hậu so với thế giới”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững