Thị trường

Giá vàng trong nước không cần quan tâm giá thế giới?

Chốt phiên giao dịch ngày 12/11, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji niêm yết vàng miếng SJC ở mức 36.45 – 36.51 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra. Với mức giá vàng thế giới quy đổi 32,38- 32,50 triệu đồng/lượng mua vào, bán ra, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới là 4,07 triệu đồng/lượng.

Mục tiêu rút ngắn chênh lệch phá sản?

Từng trao đổi về việc đấu thầu vàng có làm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp lại được không, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định: Mục tiêu trước mắt và mục tiêu trực tiếp của chúng ta là bình ổn thị trường vàng nói chung, trong đó có bình ổn giá vàng trong nước để tránh hiện tượng đầu cơ trục lợi từ việc giá vàng lên xuống thất thường.

 
“Nếu làm tốt việc bình ổn giá vàng, cộng với tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, thì một điều có thể tin tưởng chắc chắn rằng về trung hạn và dài hạn giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn”, Thống đốc Bình nói.
 
Diễn biến giá vàng trong nước từ tháng 12/2012 đến ngày 12/11/2013
 
Tuy nhiên, sau 69 lần đấu thầu vàng từ ngày 28/3 đến nay với khối lượng trúng đạt 1.711.100 lượng (tương đương 65,9 tấn) trên tổng số 1.822.000 lượng chào thầu, thừa nhận có thời điểm chênh lệch vàng co hẹp chỉ còn khoảng 2 triệu đồng/lượng nhưng có thời điểm giá vàng chênh nới rộng đến 4,7 - 4,9 triệu đồng/lượng và ngay lập tức NHNN phải tổ chức đấu thầu vàng.
 
Cụ thể là lần đấu thầu vàng thứ 65, chỉ sau phiên đấu thầu trước đó 3 ngày nhưng mức chênh lệch vẫn không được cải thiện.
 
Trong khi đó, giá vàng thế giới đầu tuần này nối tiếp đà giảm của phiên cuối tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 tháng bởi các dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc tăng tưởng ổn định bên cạnh nỗi lo Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ rút gói kích thích kinh tế.
 
Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy thị trường lao động tăng trưởng vượt dự đoán, củng cố cho khả năng Fed sẽ sớm thu hồi gói QE, có thể ngay đầu tháng 12 tới.
 
Mới đây, Trung Quốc cũng công bố báo cáo cho thấy lạm phát, sản lượng công nghiệp và đầu tư đều tăng, phản ánh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang khá ổn định, làm tăng mối lo Bắc Kinh sẽ thắt chặt chặt tiền tệ, điều vốn không có lợi cho vàng.
 
Chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đang ở mức 4,07 triệu đồng/lượng.
 
Giới chuyên gia nhận định, thị trường vàng trong nước những ngày gần đây đã thoát ly hẳn so với giá vàng thế giới. Nhiều thời điểm giá vàng thế giới liên tục giảm nhưng giá vàng trong nước không bắt nhịp kịp. 
 
Biên độ mua bán được các đơn vị kinh doanh vàng thu hẹp mức 60 nghìn đồng/lượng nhưng độ chênh với giá quốc tế lại mở rộng khiến giao dịch thêm chậm chạp. Các công ty vàng cho biết giao dịch vàng trên thị trường gần đây khá trầm lắng do nhu cầu của người mua có hạn.
 
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, ổn định thị trường vàng trong nước có nghĩa là giá vàng trong nước phải luôn bám sát với giá vàng thế giới, mức chênh lệch chỉ từ 500.000-600.000 đồng/lượng là hợp lý. 
 
Ông Đỗ Minh Phú, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, cho rằng khoảng 100 USD/lượng (tương đương 2 triệu đồng/lượng); Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Nhật Quang thì cho rằng khoảng 1-1,5 triệu đồng/lượng; ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, cho rằng khoảng 500.000-700.000 đồng/lượng...
 
NHNN được lợi từ đấu thầu vàng
 
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, trên thế giới chưa có NH trung ương nào độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, sau đó đấu giá để cung cấp nguồn cung vàng cho thị trường. 
 
“Hay nói một cách khác là chưa có NH trung ương nào kinh doanh vàng. Trong khi tại Việt Nam, NHNN lại kiêm tất cả các vai trò này, trở thành đơn vị kinh doanh vàng. Mà kinh doanh thì không thể đứng ra bình ổn thị trường được vì có sự mâu thuẫn trong lợi ích. Trên thực tế, không có một đơn vị kinh doanh nào chịu lỗ khi tham gia thị trường. Trong hàng chục phiên đấu thầu đó, được lợi lớn nhất là các NH chứ không phải là người dân”, ông Long nói.
 
Phát biểu với báo chí vào đầu tháng 9/2013, sau tuần đầu tiên NHNN không tổ chức đấu thầu vàng miếng, TS. kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khi đấu thầu vàng đã hoàn thành sứ mệnh bóc hẳn vàng ra khỏi cơ cấu vốn của các ngân hàng thương mại, phục hồi dự trữ ngoại tệ, tạo được bình ổn thị trường, thì NHNN không nên kéo dài các phiên đấu thầu.
 
“Bởi, cần để thị trường vàng trong nước và quốc tế lưu thông, để vừa tạo ra một thị trường đúng nghĩa, vừa giảm bớt rủi ro, gánh nặng cho NHNN khi giá vàng thế giới tăng đột biến”, TS Nghĩa nói.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo