Giám sát doanh nghiệp đang có vấn đề
Từ câu chuyện của Công ty Rừng Toàn Cầu, ông Phan Đức Hiếu - Phó Ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng công cụ giám sát sau đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đang có vấn đề, dù thực tế có cả bộ máy hùng hậu...
Ông Hiếu nói: Chúng ta có bộ máy quản lý nhà nước rất hùng hậu gồm nhiều cơ quan từ tài chính, thuế, công an, quản lý thị trường để quản lý doanh nghiệp... Câu hỏi đặt ra là tại sao Công ty Rừng Toàn Cầu (RTC) hoạt động mấy năm huy động vài chục tỉ của người dân một cách bất thường nhưng cơ quan quản lý chưa đưa ra một cảnh báo gì. Qua vụ việc của RTC, nhìn rộng ra có thể nhận định lỗ hổng ở đây là việc chậm đổi mới phương thức quản lý của cơ quan nhà nước.
Theo ông Phan Đức Hiếu, một doanh nghiệp có số vốn điều lệ lên tới 45.000 tỉ đồng mà sau vài năm thành lập nhưng hầu như không có hoạt động. Công ty này chỉ đóng thuế môn bài với số tiền vài triệu đồng/năm, các khoản về thuế khác không có. Đáng lẽ đây là căn cứ để các cơ quan quản lý xem xét xếp trường hợp này vào luồng đỏ giám sát chặt chẽ ngay từ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Nguyên tắc khi xây dựng Luật doanh nghiệp là doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác về những thông tin cung cấp cho cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan đăng ký kinh doanh. Thực tế, độ “khó” của các thủ tục đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam đang đứng thứ 109/189 quốc gia. So với các nước trong khu vực như Singapore đứng thứ 1 thì không thể nói chúng ta thông thoáng được.
Việc doanh nghiệp cố tình khai khống thì Luật doanh nghiệp không phải là luật duy nhất để xử lý vấn đề này. Luật doanh nghiệp chỉ điều chỉnh một phần là giai đoạn đầu tiên khi doanh nghiệp được hình thành. Còn khi doanh nghiệp hoạt động, nhiều quy định của các đạo luật khác nhau điều chỉnh. Như vậy, đòi hỏi phải có sự giám sát của nhiều cơ quan.
Riêng trường hợp của Công ty RTC, để sớm phát hiện sai phạm của doanh nghiệp này không khó nếu cơ quan thuế, đăng ký kinh doanh... phối hợp chặt chẽ với nhau. Việc này hoàn toàn có thể làm được chứ không có gì cao siêu. Luật có rồi, chỉ cần cán bộ quản lý có trách nhiệm hơn, có kỹ năng nghiệp vụ tốt hơn thì chắc chắn sẽ phát hiện ra hành vi sai phạm.
Để ngăn chặn rủi ro cho thị trường, theo ông Hiếu, nếu bắt tất cả những ai muốn lập doanh nghiệp phải chứng minh khả năng tài chính của mình là điều không tưởng và rất phi lý. Bởi chứng minh điều đó sẽ phát sinh chi phí cho người dân và nó hoàn toàn không có ý nghĩa với giai đoạn phía sau khi doanh nghiệp hoạt động. Đại đa số doanh nghiệp trên thị trường là làm ăn chân chính, còn chỉ có một số ít là cố tình vi phạm.
Nếu cơ quan quản lý ra quy định tất cả những ai thành lập doanh nghiệp phải đi chứng minh số vốn mình đăng ký thì vô tình làm khó cho người dân. Không có cách nào khác là cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro.
Như quản lý thị trường chẳng hạn, không nhất thiết ngày nào cũng phải cử cán bộ đến từng doanh nghiệp mà cần phải theo sát doanh nghiệp, nếu thấy có dấu hiệu bất thường thì mới thanh tra, kiểm tra. Điều quan trọng hơn là cơ quan quản lý phải nhìn thấy những doanh nghiệp nào có nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cao mà cùng phối hợp để giám sát chặt chẽ.
"Những doanh nghiệp chưa có bề dày lịch sử kinh doanh nhưng đùng một cái thành lập với số vốn kê khai rất lớn. Đặc biệt số vốn đó được góp bằng tiền mặt chứ không phải bằng tài sản. Thứ hai, trong một thời gian ngắn, một người, một gia đình thành lập nhiều doanh nghiệp và hoạt động trong nhiều lĩnh vực", ông Hiếu nêu rõ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới