Thị trường

Gỡ khó cho doanh nghiệp thông tin - truyền thông

Nhiều thắc mắc đã được thẳng thắn nêu lên tại buổi Gặp mặt các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của TP do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức sáng 3/4, trong đó, một số kiến nghị liên quan tới công tác đền bù hỗ trợ di dời cho các công trình công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), cấp phép trạm BTS, ưu đãi thuế… đã được lãnh đạo TP và Sở nhanh chóng cam kết giải quyết.

Doanh nghiệp kêu khó

Đại diện Công ty Viễn thông Hà Nội phản ánh, mặc dù TP đã có Quyết định 108/2009/QĐ - UBND và Quyết định 02/2013/QĐ - UBND về hỗ trợ đền bù khi GPMB cho các dự án, tuy nhiên, việc đền bù chưa được thực hiện thống nhất trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt đối với các công trình CNTT. Các DN đề nghị UBND TP và UBND các cấp chỉ đạo ban quản lý và chủ đầu tư dự án phải đền bù hỗ trợ di dời các công trình CNTT khi dự án bắt đầu được triển khai. Hiện, DN đang phải di dời Tổng đài Cống Mọc phục vụ dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. VNPT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND quận Đống Đa hỗ trợ chi phí di dời. "Tổng đài Cống Mọc phục vụ trên 7.000 khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại và internet, để sớm di dời tổng đài này đảm bảo tiến độ dự án và không làm ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, đề nghị TP sớm có hướng dẫn đền bù hỗ trợ DN" - đại diện VNPT Hà Nội nêu vấn đề.Vẫn liên quan tới hạ tầng viễn thông, một số DN kiến nghị, đối với các dự án công trình cải tạo hè, đường, thoát nước, sau khi duy tu, sửa chữa, các đơn vị thi công cần hoàn trả vị trí, hạ tầng kỹ thuật viễn thông đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông. Ngoài ra, thủ tục xin cấp phép xây dựng công trình thông tin hiện nay phải qua quá nhiều cơ quan (Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Sở GTVT), mỗi cơ quan lại yêu cầu một bộ hồ sơ, vì vậy, TP nên xem xét cấp phép một đầu mối để đơn giản thủ tục hành chính.
 
Tại Hà Nội hiện có trên 5.000 trạm BTS đang hoạt động, trong đó hơn 1.000 trạm dùng chung cơ sở hạ tầng (cột ăng-ten, nhà trạm). Ảnh: Tuấn Minh
 
Việc cấp phép các trạm BTS lâu nay vẫn là vướng mắc lớn đối với các DN viễn thông vì khó tìm được sự đồng thuận từ địa phương. Đại diện Viettel Hà Nội cho biết, với tốc độ phát triển của thuê bao di động như hiện nay thì nhu cầu tăng các trạm BTS là cần thiết, nên chăng bỏ yêu cầu phải có xác nhận của chính quyền địa phương để tạo điều kiện cho DN. Về vấn đề phát triển thuê bao, Thông tư 04/2012 của Bộ TT&TT có quy định điểm đăng ký thông tin ở nội thành phải có diện tích tối thiểu là 20m2, quy định này rất khó thực hiện vì trong nội thành khó thuê được diện tích đó. Các DN đề nghị giảm diện tích xuống 7 - 10m2 để phù hợp hơn với thực tế. Ngoài ra, quy định các điểm đăng ký thông tin phải có máy photo và scan để lưu thông tin cũng không cần thiết vì hiện nay có nhiều công cụ để lưu giữ thông tin như chụp ảnh. 
 
Về lĩnh vực xuất bản, ông Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc NXB Hà Nội than thở: "Doanh thu của ngành xuất bản không bằng doanh thu quảng cáo của Đài truyền hình cấp tỉnh. Nhiều NXB đã phải đóng cửa trong năm qua. Chỉ có một số ít NXB thực hiện nhiệm vụ chính trị còn hoạt động được". Khó khăn là thế nên NXB Hà Nội kiến nghị TP hỗ trợ thêm về vốn, tiền thuế đất…  
 
Thành phố sẵn sàng hỗ trợ 
 
Trước các kiến nghị của DN, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp nhận ngay ý kiến của đại diện VNPT Hà Nội về việc đền bù hỗ trợ di dời Tổng đài Cống Mọc. "Khi có vướng mắc DN cần thông báo ngay cho Sở để chúng tôi kiến nghị lên TP giải quyết sớm cho DN" - bà Tú nhấn mạnh. Về vướng mắc trong xây dựng trạm BTS, bà Tú khẳng định các DN muốn lập trạm BTS cần phải có xác nhận của chính quyền địa phương để đảm bảo không lắp "nhầm" vào các công trình xây dựng trái phép, chưa kể việc lắp trạm BTS cần có sự đồng thuận từ người dân thông qua xác nhận của chính quyền xã, phường. 
 
Chia sẻ khó khăn của DN viễn thông khi phát triển các trạm BTS, song Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cũng lưu ý DN cần nghiêm túc thực hiện quy định. "Văn bản quy định thế nào thì cứ thực hiện đúng, dù phát triển nhanh nhưng vẫn phải giữ đúng nguyên tắc" - Thứ trưởng Trần Đức Lai cho biết.Cũng tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, sẽ luôn ghi nhận các ý kiến từ DN, sẵn sàng hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của DN nói chung và DN CNTT, viễn thông, xuất bản, in ấn nói riêng. Những kiến nghị của DN sẽ được xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo đảm bảo quyền lợi cho DN và sự phát triển chung của TP.
Kinh Tế & Đô Thị
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo