Hạ lãi suất thời điểm này hoàn toàn thích hợp
Tại sao Ngân hàng Nhà nước lại công bố hạ lãi suất vào thời điểm này, liệu có thích hợp không, thưa Thống đốc?
Thực ra thông điệp hạ lãi suất được chúng tôi đưa ra từ cuối quý IV năm 2011 và Ngân hàng Nhà nước có thể hạ lãi suất sớm hơn vào ngày 20/2 vừa rồi. Tuy nhiên, quan điểm của NHNN lúc đó là muốn để thị trường tự bộc lộ chiều hướng giảm. Từ đó đến nay, ngoài những ngân hàng lớn, cả những ngân hàng nhỏ có tài chính lành mạnh đều đồng loạt hạ lãi suất cho vay.
Từ trước đến nay, các nhà báo có đi cũng thấy ngoài biển các ngân hàng đều đồng loạt ghi các con số 14%/năm và 2%/năm (tức cho lãi suất VND và lãi suất USD). Nên có thể nói, đến lúc này, hội tụ đủ điều kiện “cần” và “đủ” như: thanh khoản tốt lên, áp lực tăng lạm phát giảm, cần vốn điều hoà cho nền kinh tế.
Giảm lãi suất trong bối cảnh xăng dầu tăng giá, có thể làm tăng sức ép lạm phát, và sẽ lại có chiều hướng làm lãi suất tăng trong thời gian tới hay không?
Lãi suất lần này giảm trong bối cảnh có tăng giá một số mặt hàng đặc biệt là năng lượng. Nhưng chúng tôi cũng khẳng định một điều là dù một số mặt hàng tăng giá nhưng nếu mức tăng giá năng lượng khoảng 10% thì cũng không phải quá lớn đến ảnh hưởng đến tăng lạm phát mạnh.
Tính rộng ra, lạm phát bao gồm ba cấu phần lớn là: lạm phát lõi (lạm phát cơ bản - PV), giá cả bên ngoài tác động; và tác động từ điều hành.
Về lạm phát lõi thì chính sách tiền tệ và tài khoá hoàn toàn có thể điều tiết cho nó ở mức thấp nhất. Theo tính toán, lạm phát lõi thường chiếm khoảng ½. Ví như năm 2011 CPI là 18,85% thì LP cơ bản là 9,95%. Còn các yếu tố kia, ngoại trừ giá năng lượng chịu tác động từ dầu thô, còn trong nước, nông dân đang được mùa, nguồn cung lương thực thực phẩm ổn định. Chúng ta không chủ quan nhưng nói để thấy được hướng như vậy để có cách xử lý.
Chính phủ đã đặt mục tiêu kiềm chế CPI ở mức 10%, chúng tôi sẵn sàng tuyên bố nếu CPI ở mức tăng 10%/năm trong năm nay thì lãi suất huy động cũng sẽ về mức 10%/năm. Chúng tôi cũng sẽ phấn đấu mỗi quý giảm 1%. Nếu được như vậy, hoàn toàn có thể kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay về ngưỡng 14,5 - 16%/năm.
Xin Thống đốc cho biết tình hình huy động tiền gửi từ dân cư và các tổ chức trong hai tháng đầu năm. Với việc hạ lãi suất huy động, NHNN có e ngại nguồn tiền gửi sẽ sụt giảm?
Huy động vốn thì thông thường bao giờ trước tết cũng giảm mạnh. Đó là thông lệ. Năm nay, chúng ta cũng không tránh khỏi, tháng 1/2012 huy động giảm đi trông thấy. Nhưng từ tháng hai trở lại đây, huy động vốn trên thị trường đã tăng mạnh.
Vốn huy động của cả nền kinh tế từ tháng hai tăng 1% so với cuối năm. Mức tăng này dự báo sẽ ổn định trong tháng ba này và cả những tháng tiếp theo.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục mua ròng ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. So sánh tiền gửi USD lãi suất 2% cộng cả trong trường hợp tỷ giá tăng 2-3% như NHNN dự tính ngay cả lãi suất VND ở mức 10% thì vẫn dư 5% so với gửi ngoại tệ. Với tốc độ ngoại tệ đang mua vào cho thấy VND lúc nào cũng hấp dẫn và huy động vốn cho nền kinh tế đang tăng.
Mấy ngày nay có hiện tượng người dân đi đáo hạn sổ tiết kiệm, Ngân hàng Nhà nước có e ngại nguồn tiền đáo hạn này sẽ trở thành vốn giá cao và làm khó cho các ngân hàng thương mại khi hạ lãi suất cho vay thời gian tới ?
Từ tháng 8/2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn chủ động đi trước thị trường, ví như thông tin hạ lãi suất, đảm bảo ổn định tỷ giá. Lần này, chúng tôi tuyên bố trước rồi làm sau cũng là để nhìn nhận rõ một điều, người dân đã tin vào những thông điệp gì NHNN đưa ra, chẳng hạn như lần này họ biết và tin rằng lãi suất sẽ hạ. Ngoài ra cho thấy nhiều người sẽ coi tiền gửi ngân hàng là kênh lâu dài.
Một vấn đề có thể xem là bản chất của mọi vấn đề chính là giá trị của VND. Từ năm 2011 đến nay, vị thế VND đã nâng lên một bước. Chúng tôi cho rằng người dân sẽ tin tưởng không chỉ trong quá khứ mà cả tương lai.
Xin cảm ơn Thống đốc.
* Sáng 12/3, Ngân hàng Nhà nước công bố: lãi suất áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới một tháng giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn một tháng trở lên từ 14%/năm xuống 13%/năm. Riêng quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn một tháng trở lên giảm từ 14,5%/năm xuống 13,5%/năm.
Đối với các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất qua đêm thanh toán liên ngân hàng, và lãi suất tài chiết khấu cũng giảm tương ứng 1%/năm. Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm, lãi suất cho vay qua đêm hạ từ 16%/năm xuống 15%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm. * Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định hạ lãi suất, chiều tối 12/3, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đã trở thành NHTM đầu tiên công bố điều chỉnh lãi suất huy động tiền đồng. Theo đó, từ 13/3. lãi suất kỳ hạn từ 1-12 tháng là 13 % năm; các kỳ hạn trên 12 tháng lãi suất được áp dụng ở mức 12,8% và 12%/năm. Bình luận về quyết định hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Tổng Giám đốc OceanBank cho biết: Theo tôi, mức lãi suất huy động 13% là phù hợp điều kiện kinh tế vĩ mô, tốc độ lạm phát hiện nay và quyết tâm chính trị của nhà nước. Vấn đề lúc này chính là ở chỗ các ngân hàng cần chuẩn bị sẵn sàng để bước vào một cuộc "chạy đua" lành mạnh về chất lượng và dịch vụ hiện đại. Tạo được sự tiện lợi cho khách hàng với chất lượng dịch vụ tốt sẽ là chìa khoá để giữ và thu hút khách hàng. |
Theo TPO
End of content
Không có tin nào tiếp theo