Thị trường

Hà Nội đề xuất vay 443 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi đầu tư cho nông thôn

(DNVN) - UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp tục cho vay 443 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 11 dự án chuyển tiếp đang vay vốn dở dang sớm hoàn thành dự án, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư cho nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.

UBND TP. Hà Nội vừa có công văn số 305/UBND-KT báo cáo tình hình thực hiện, nhu vầu vay vốn đầu tư Chương trình kiên cố hóa kênh mương và đường giao thông nông thôn.

Theo báo cáo, tổng mức vốn vay tín dụng ưu đãi để thực hiện Chương trình kiên cố hóa kênh mương, đầu tư các dự án đường giao thông nông thôn, trạm bơm điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn của thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015 là 500 tỷ đồng. 

Ảnh minh họa.

Cùng với ngân sách thành phố và các nguồn vốn khác, UBND TP. Hà Nội đã phân bổ số vốn vay trên cho 35 dự án, trong đó kiên cố hóa kênh mương, trạm bơm điện phục vụ sản xuất 13 dự án, số vốn là 210,066 tỷ đồng; giao thông nông thôn và hạ tầng làng nghề nông thôn 22 dự án, số vốn là 289,934 tỷ đồng. 

Theo báo cáo của các Chủ đầu tư, đến nay có 22/35 dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, năm 2016 còn 13 dự án chuyển tiếp, chưa bố trí đủ kế hoạch vốn cần bổ sung để hoàn thành dự án theo tiến độ.

Theo quy định của Chính phủ về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội thì tổng dư nợ các nguồn vốn huy động cho đầu tư các dự án, công trình thuộc nhiệm vụ đầu tư từ ngân sách thành phố không vượt quá 150% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố theo dự toán HĐND thành phố quyết định hàng năm. Tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 của thành phố Hà Nội là 30.964 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2016 hạn mức vốn vay tối đa của Hà Nội là 45.000 tỷ đồng.

Do nguồn lực ngân sách thành phố còn hạn hẹp, Hà Nội còn 18/30 đơn vị cấp huyện có cơ sở hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 Hà Nội tiếp tục thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia của trung ương như: Nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. 

Do đó, giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP. Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ tiếp tục cho vay 443 tỷ đồng (trong đó năm 2016 là 245 tỷ đồng) để tiếp tục thực hiện 11 dự án chuyển tiếp đang vay vốn dở dang sớm hoàn thành dự án, bàn giao đưa vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả vốn đầu tư.

 

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo