Hành trình nông sản sạch về Thủ đô “đổi” áo mới cho trẻ em vùng cao
Đau đáu nỗi niềm với những đưa trẻ vùng cao
Sáng lập vừa tròn 3 năm, CLB Hà Nội 14 Chữ đã triển khai nhiều hoạt động thiện nguyện đến với học sinh vùng cao, các bản làng xa xôi như Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Quảng Ninh, Quảng Nam.
Với dự án thiện nguyện đầu tiên mang tên “Áo ấm vùng cao”, CLB Hà Nội 14 Chữ đã mang lại hơn 100.000 chiếc áo ấm may mới dành tặng cho các học sinh vùng cao trong 3 năm qua.
Sang đến năm nay, CLB 14 Chữ đang triển khai chương trình từ thiện trao tặng 1.600 chiếc áo ấm và dụng cụ, học tập cho các em học sinh vùng cao Yên Bái. Tuy nhiên, do nguồn lực vốn còn hạn hẹp nhưng điều đó không ngăn được những tấm lòng thiện nguyện, mong muốn được yêu thương, được sẻ chia với những khó khăn, gian khổ với trẻ em vùng cao.
Và một ý tưởng lóe ra, nó thôi thúc các thành viên trong CLB thực hiện bằng việc kết hợp với nhóm giáo viên Yên Bái “thực hiện kế hoạch đưa nông sản sạch từ vùng cao xuống bán tại Thủ đô Hà Nội để lấy nguồn kinh phí thực hiện chương trình từ thiện này.”
Trong một chuyến tiền trạm vừa qua CLB Hà Nội 14 Chữ thấy được sự khó khăn và thiếu thốn về vật chất và tinh thần của các học sinh vùng cao xã An Lương (Văn Chấn, Yên Bái).
Những hình ảnh để lại khi đến khảo sát đã để lại những điều mà CLB không thể quên. Hằng ngày, các em học sinh phải vượt nguy hiểm để men theo sợi dây không mấy chắc chắn để qua sông tới trường. Những đứa trẻ đối mặt nguy cơ bị dòng nước xiết cuốn trôi nếu chẳng may dây đứt hay trượt chân ngã xuống thì sẽ chẳng biết hậu quả sẽ ra sao. Thậm chí, đến mùa mưa, học sinh vắng học nhiều, nhà trường cũng không dám vận động các em đến trường vì tính mạng phải được đặt lên hàng đầu.
Chính vì những điều trăn trở đó đã thôi thúc CLB Hà Nội 14 Chữ tiếp tục lên kế hoạch thực hiện chương trình từ thiện này.
Theo kế hoạch của CLB, trong khoảng thời gian từ ngày 18/11 đến 20/11/2016 CLB sẽ tổ chức chương trình trao tặng Áo Ấm Vùng Cao và dụng cụ học tập dành cho toàn bộ 1.600 học sinh vùng cao xã An Lương và xã Phúc Sơn (Văn Chấn, Yên Bái) để giúp các em vượt qua phần nào khó khăn và có thêm chiếc áo ấm chống chọi với cái lạnh giá của mùa đông khắc nghiệt vùng cao đang đến dần. Tổng kinh phí quà tặng khoảng 300 triệu đồng.
Và để có được ngân sách tổ chức chương trình và chuẩn bị quà tặng cho các em, CLB đã thông tin về sự khó khăn, thiếu thốn của các em qua kết quả của chuyến tiền trạm đến các thành viên CLB, từ đó mọi người cùng nhau đóng góp và vận động đồng nghiệp, người thân cùng chung tay. Mặt khác, CLB cũng chủ động tạo ra nguồn tài chính để mua sắm vật dụng cho các em thông qua các chương trình gây quỹ từ thiện.
Hiện nay, CLB cũng đang phối hợp cùng các thầy cô giáo vùng cao Nhóm Hoa Ban Trắng là nhóm các giáo viên tình nguyện tâm huyết, trăn trở với sự khó khăn của các học trò ở Yên Bái cùng tổ chức hoạt động bán nông sản sạch vùng cao để gây quỹ về chương trình rồi từ đó sẽ mua cho các em chiếc áo ấm trong mùa đông buốt giá.
Sống là phải biết cho đi…
Để hiểu rõ hơn về chương trình từ thiện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Khả Anh - Chủ nhiệm CLB Hà Nội 14 chữ.
Chia sẻ về động lực khiến CLB Hà Nội 14 Chữ thực hiện dự án thiện Nguyện “áo ấm vùng cao", anh Khả Anh cho biết: “Trong các hành trình thiện nguyện giúp đỡ cuộc sống cho các trẻ em chúng tôi nhận thấy đa số các em học sinh vùng sâu vùng xa đều thiếu thốn, từ cái ăn đến cái mặc. Khi nhìn thấy các bạn thiện nguyện viên trẻ trực tiếp sẻ chia từng hơi ấm và chân thành động viên tới các em, chúng tôi mong các em sẽ xem như đây là một nguồn động lực để thấy ấm lòng hơn, mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui”.
PV: Thông qua chương trình "áo ấm vùng cao", CLB Hà Nội 14 Chữ muốn chia sẻ thông điệp gì đến xã hội?
Thông qua các hoạt động từ thiện thực tế này, chúng tôi mong muốn giới trẻ hãy biết sống nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội. Hãy dành sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần dấn thân để cùng nhau tạo nên những giá trị thực tiễn tới những mảnh đời khó khăn, bất hạnh. Bởi khi già rồi, mọi thứ cũng chỉ là ước mơ, có một câu mà chúng tôi luôn tâm niệm là “sống là phải biết cho đi”.
PV: Anh chia sẻ rõ về kế hoạch của CLB khi cùng nhóm giáo viên Hoa Ban Trắng thực hiện bán nông sản sạch tại Thủ đô và tại sao CLB lại có ý tưởng này?
Có thể nói, ý tưởng đưa nông sản sạch vùng cao về Thủ đô được hình thành như một nhân duyên. Khi chúng tôi cùng với các thầy cô trong nhóm thiện nguyện Hoa Ban Trắng là nhóm các giáo viên tình nguyện tâm huyết, trăn trở với sự khó khăn của các học trò ở Yên Bái trực tiếp đi khảo sát các điểm trường cần hỗ trợ.
Nguồn gốc từ các loại nông sản sạch như rau rừng, rau nương, bánh chưng đen, chè khô hay các loại củ quả sạch được chính các thầy cô và phụ huynh học sinh tự trồng. Ngoài việc người sử dụng an tâm về chất lượng sản phẩm sạch, sạch từ vật chất cho đến tinh thần thì thông qua hoạt động “mua của người ở vùng cao - bán cho người ở Hà Nội” này cũng là hình thức mang lại nguồn quỹ khi toàn bộ số tiền lợi nhuận sẽ được sử dụng cho việc may mới những chiếc áo ấm vùng cao mới, đồ dùng dụng cụ học tập mới cho chính các em trong chương trình từ thiện mà CLB sẽ tổ chức.
Về hình thức lựa chọn nguồn hàng thì các thầy cô trong nhóm Hoa Ban Trắng chủ động liên hệ về các trường và địa phương trên toàn tỉnh Yên Bái để tìm những mặt hàng đặc sản vùng cao trồng với quy mô nhỏ lẻ và thu mua với giá cao. Các loại nông sản này được gửi xe khách về Hà Nội và từ đây, các thành viên CLB Hà Nội 14 Chữ sẽ phân loại đặc sản theo từng đơn hàng mà mọi người liên hệ về CLB mua để ủng hộ từ đó các thành viên trong CLB sẽ trực tiếp đưa đến từng gia đình.
PV: Liệu chương trình đưa nông sản vùng cao xuống Thủ đô có được triển khai lâu dài về sau không? Dự kiến nguồn thu về chương trình này sẽ là bao nhiêu và trong khi thực hiện chương trình CLB có gặp khó khăn gì không? thưa anh?
Trước mắt chúng tôi sẽ triển khai hoạt động bán nông sản sạch vùng cao trong khoảng thời gian 1 tháng để chuẩn bị cho chương trình trao tặng 1.600 chiếc Áo ấm vùng cao và phần quà dụng cụ, học tập cho các em học sinh vùng cao Yên Bái trong thời gian tới.
Sau thời gian triển khai thí điểm, chúng tôi sẽ tổng kết và đánh giá hiệu quả và tính bền vững của hoạt động. Nếu có tính khả thi lâu dài thì chúng tôi muốn tiếp tục để gián tiếp hỗ trợ cuộc sống của các em học sinh vùng cao trước khi chính thức quy hoạch theo dự án để trực tiếp đồng hành cùng các thầy cô giáo vùng cao làm ra những vườn nông sản sạch mang tính lâu dài và tạo ra thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc vùng cao.
Sau gần 1 tuần triển khai, thông qua kênh “Diễn đàn CLB Hà Nội 14 Chữ” ở facebook với hơn 2.000 thành viên và từ các mối quan hệ gia đình, đồng nghiệp của các thành viên trong CLB hoạt động bán Nông sản sạch vùng cao gây quỹ này đã đưa về gần 80 triệu đồng doanh thu từ các mặt hàng nông sản sạch và trích ra được khoảng 15 triệu đồng tiền lợi nhuận để xung vào quỹ từ thiện sắp tới cho các học sinh vùng cao.
PV: Nhiều ý kiến đặt ra cho rằng việc CLB tổ chức bán hàng nông sản là nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận, ý kiến của anh về việc này như thế nào?
Tôi đồng ý với quan điểm đó, kinh doanh thì phải có lợi nhuận, nhưng lợi nhuận đó dành sử dụng vào mục đích nào? Chúng tôi sử dụng chuyên môn, năng lực và mối quan hệ của mình để mang lại lợi nhuận cho xã hội, cho việc giúp đỡ trực tiếp đời sống những đứa trẻ vùng cao mà chúng tôi trăn trở và đồng cảm.
Kinh doanh đối với tôi và CLB là mang lại lợi nhuận cho xã hội, không tư lợi, trong kinh doanh mà vừa làm lợi cho mình vừa làm lợi cho người thì đó mới là phương thức kinh doanh bền vững, hiệu quả.
PV: Sau chương trình này, CLB có dự án nào trong tương lai để tiếp tục những hoạt động từ thiện của mình?
Như đã chia sẻ, CLB Hà Nội 14 Chữ đặt ra mục tiêu trong 3 năm hoạt động tiếp theo sẽ từng bước nghiên cứu và hình thành ý tưởng để có thể giúp đỡ sâu hơn đời sống của thầy cô và gia đình các học sinh bằng những “bản nông sản sạch” đo lường giá trị cụ thể là việc làm và kinh tế mà chúng tôi cùng các nhà hảo tâm đầu tư, đã có những tổ chức, doanh nghiệp đề xuất việc hỗ trợ cho hoạt động này nhưng chúng tôi nhận thấy cần thêm thời gian để lĩnh hội và có nhưng giải pháp tối ưu hơn để hòa nhập với tính bản địa của đồng bào vùng cao.
Xin chân thành cảm ơn anh!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam
Không khí lạnh khiến miền Bắc rét sâu hơn, Trung Bộ và Nam Bộ lạnh diện rộng
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến đáng quay trở lại của du khách