Kinh doanh online mùa khuyến mãi cuối năm: Cách nào để tăng doanh số?
DNVN - Tại tọa đàm "Bật mí công cụ tăng doanh số hiệu quả mùa khuyến mãi cuối năm", các chuyên gia đã đưa ra nhiều gợi ý và đề xuất nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng với luồng vận hành trên môi trường số trong bối cảnh đại dịch.
Tháo gỡ những vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu / DHL: Thương mại hàng hóa và du lịch toàn cầu đang phục hồi mạnh
Tọa đàm "Bật mí công cụ tăng doanh số hiệu quả mùa khuyến mãi cuối năm" do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và ACCESSTRADE Vietnam tổ chức ngày 2/12 theo hình thức trực tuyến.
Ông Đỗ Hữu Hưng - CEO ACCESSTRADE Vietnam cho biết, hiện nay các doanh nghiệp (DN) có gần như tất cả các điều kiện để tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT) online từ các hoạt động của kênh bán hàng cũng như các sàn TMĐT, các đối tác hay các nền tảng đơn giản hơn nữa như mạng xã hội, website thông qua các nền tảng.
Tuy nhiên, điều tiếp theo DN cần chuẩn bị là phải có hạ tầng về vận hành, công cụ về vận hành như logistics hay công cụ trong chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Theo CEO ACCESSTRADE Vietnam, DN không thể thiếu nhân sự vận hành có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh online. Đây là một trong những vấn đề đang thiếu hụt hiện nay trên thị trường Việt Nam.
Ông Đỗ Hữu Hưng và các diễn giả tại sự kiện.
Cũng theo ông Hưng, thời điểm này, kinh doanh online không phải là câu chuyện để các DN đặt câu hỏi có nên hay không, mà quan trọng là làm sao để kinh doanh online hiệu quả hơn, giúp DN vượt qua khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang tiếp diễn.
Ông Hưng cho biết, xét trong bối cảnh đại dịch và TMĐT cũng như thị trường đã hoàn toàn đổi khác, các DN hiện nay đã coi online như một loại vaccine phải sử dụng nó.
"Nhân lực DN nào đã được tiêm 2 mũi vaccine tức là làm online tốt thì tôi nghĩ khả năng vượt qua khó khăn của dịch bệnh tốt hơn nhiều những DN chưa được tiêm vaccine - tức là chưa sẵn sàng cho online", ông Hưng nói.
Do vậy, ông Hưng khuyến nghị DN phải tham gia hoạt động TMĐT một cách sâu rộng. Trước đây, DN chỉ có 1 website hoặc chỉ có 1 fanpage Facebook nhưng hiện nay DN cần bán hàng trên đa kênh, đặc biệt là với những nền tảng như các sàn TMĐT hoặc các công cụ như cộng tác viên.
"Rõ ràng hình thức TMĐT đã mở rộng rất nhiều. Do đó, DN cần tham gia đa dạng các kênh. Người dùng ở đâu DN phải ở đó", ông Hưng gợi ý.
Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh đến yếu tố chiều sâu để giữ chân khách hàng. Việc giữ được người dùng cũng như gia tăng giá trị cho người dùng cũng như làm cho khách hàng hài lòng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Câu chuyện bây giờ không đơn giản là khách hàng đến nữa mà phải làm sao giữ họ lại trong hệ sinh thái của mình.
Muốn làm được điều này, ông Hưng gợi ý DN phải có hệ thống khá đồng bộ. Thông thường đối với các DN Việt Nam, trong hoạt động đầu tư cho TMĐT, các DN thường chỉ làm được một số khâu trong cả hành trình của TMĐT. Ví dụ kéo khách hàng đến website, nhưng sau đó từ website đi ra như thế nào thì DN lại thiếu. Hoặc thiếu hoạt động chăm sóc khách hàng dẫn đến việc khách hàng vào rồi họ lại quay ra và không quay trở lại.
"Tất cả các chuyên gia marketing cho TMĐT đều nhất trí quan điểm rằng: phải giữ từng khách hàng đã đến với mình, phải giữ thật chặt để họ yên tâm gắn bó với DN lâu dài", ông Hưng nhấn mạnh.
Điểm thứ ba DN cần làm và không thể bỏ qua là nâng cao năng lực về công nghệ cho nhân sự từng ngày để thích ứng với luồng vận hành online.
"Làm đủ và tốt 3 điểm, gồm bán hàng đa kênh, giữ chân khách hàng và nâng cao năng lực nhân sự về công nghệ, chắc chắn DN sẽ có thành trì về TMĐT bền vững. Theo đó, DN hoàn toàn có thể yên tâm đẩy doanh số và vượt qua khó khăn của đại dịch", ông Hưng nhận định.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Lê Đức Anh - Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương) cho biết, điều đầu tiên các DN phải biết cách tham gia TMĐT, phải có kinh nghiệm từ đội nhóm của mình để làm sao dần dần tích tích lũy được các kỹ năng tham gia vào TMĐT.
"Còn từ phía đơn vị chúng tôi - đơn vị triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng online, chúng tôi mong muốn đơn vị tổ chức phải tạo ra được cách thức tham gia dễ dàng cho DN để cuối cùng DN có thể bán được hàng trên môi trường số", ông Lê Đức Anh đề xuất.
Lấy ví dụ về Chương trình Goonline, ông Lê Đức Anh cho hay, dưới sự chỉ đạo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Trung tâm xây dựng chương trình với mục tiêu DN tham gia chương trình phải hợp tác được với các đối tác. Theo đó, trung tâm đã đặt ra 3 tiêu chí: DN tham gia phải bán được hàng trong vòng 7 ngày, tiết kiệm chi phí cho DN tham gia, hỗ trợ DN tiếp cận tài chính để mở rộng quy mô bán hàng.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo