Thị trường

Hướng đi cho thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam đang bị “tắc” ở đâu?

Nông nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn thu hoạch nhiều loại nông sản quan trọng với từng địa phương trên cả nước. Nhưng câu chuyện tiêu thụ ở đâu và bằng cách nào vẫn là vấn đề chưa có lời giải đáp rõ ràng từ người sản xuất đến các cơ quan quản lý thị trường của nước ta.

 

Trước đó có thể kể đến việc cây mắc ca, trong khi Bộ Nông nghiệp vẫn còn đang làm dự án quy hoạch thì nông dân đã ồ ạt tự trồng trên diện rộng mà chưa biết thị trường đầu ra có đủ sức cho khối lượng sản phẩm lớn như vậy hay không?  Ở trên thì cứ viết trên giấy còn ở dưới cứ chạy theo lợi nhuận trước mắt.

 

Hay gần đây là câu chuyện dưa hấu tốn khá nhiều giấy mực của truyền thông và sự chú ý của người dân trên cả nước. Liệu tới đây vải thiều ( Bắc Giang) và thanh long ( Bình thuận) có gặp phải những khủng hoảng khi tiêu thụ tương tự. Khi điệp khúc “ được mùa thì rớt giá” đã ám ảnh nhiều năm qua.

 

Nỗi lo

 

Mặc dù trước đó, các đề án về phát triển thương hiệu nông sản tại mỗi địa phương đều rất trơn tru, từ quy mô, diện tích trồng, mời chuyên gia, mua công nghệ đến tìm thị trường đầu ra ra sao hay kế hoạch dài hơi như thế nào… Nhưng khi bắt tay vào thực tế thì vẫn còn quá lúng túng hoặc triển khai không đúng so với dự định ban đầu.

 

Như vậy, sự liên kết được chú trọng sản xuất nông nghiệp giữa 4 nhà ( nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp) đến nay đã thực hiện được khá lâu. Nhà nước tạo điều kiện cho người dân phát triển nông nghiệp. Các chuyên gia nông nghiệp và công nghệ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Người dân vô cùng mong muốn làm giàu từ chính mảnh đất của mình. Cái còn khúc mắc hiện nay phần lớn đến từ doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ.

 

Trong một buổi tọa đàm trước đó về vấn đề “Tiêu thụ nông sản: Liên kết từ sản xuất đến thị trường”, ông Trần Tuấn Anh – thứ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp đối với vấn đề này. Ông cho biết, các nhà quản lý sẽ thường xuyên cập nhật diễn biến thị trường để cung cấp thông tin cho người dân, đưa ra những giải pháp cân bằng lượng cung – cầu.

 

Cũng theo thứ trưởng, một điều quan trọng cần chú trọng thực hiện ngay là phát triển hệ thống cửa hàng, địa điểm phân phối ở thị trường trong nước giúp nông sản được lưu thông tốt hơn. Thiết lập chặt chẽ chuỗi cả quá trình từ khâu sản xuất – chế biến – thị trường tiêu thu.

 

Về lâu dài sẽ xác định lại những sản phẩm chủ lực trên mỗi địa phương, phân tích cụ thể từng vấn đề, sau đó định hướng cho người dân thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra nhằm đưa nông nghiệp Việt Nam phát triển chắc chắn và chuyên nghiệp nhất.

 

 

Bảo Nguyên.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo