Hút ngày hai gói thuốc lá = mất chân
Tàn đời theo khói thuốc
“Năm ngoái sau khi nhập viện, các ngón chân phải của chồng tôi đã bị hoại tử, tím đen. Cố gắng điều trị nhưng các bác sĩ lắc đầu vì nhập viện quá muộn. Cuối cùng anh ấy bị cưa chân”- chị Thu, vợ bệnh nhân Phan Tấn T., 46 tuổi, nói.
Khi nhìn thấy chân trái của anh T. tím đen, teo quắt vì máu không đến được các chi, PGS.TS Cao Văn Thịnh - Trưởng khoa ngoại lồng ngực mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115 chẩn đoán, chân bị hoại tử do tắc nghẽn mạch máu.
Cố gắng cứu lấy cái chân teo tóp cho bệnh nhân nhưng mọi nỗ lực đều bất thành. Anh T. chấp nhận cưa chân trái của mình trong nỗi tuyệt vọng của vợ và con cái.
Anh T. cho biết, từ 30 năm nay, mỗi ngày anh hút ít nhất hai gói thuốc và nghiện thuốc từ đó đến nay.
Sau khi rời bệnh viện, bác sĩ Thịnh yêu cầu anh T. tuyệt đối không nghĩ đến thuốc lá. Bởi nó chính là thủ phạm làm xơ vữa động mạch, gây tắc mạch máu nuôi chi nhưng anh T. vẫn bỏ ngoài tai.
Vợ anh, chị Thu khuyên can mãi cũng không được, đành nhìn cái chân còn lại của chồng yếu dần, tím đen. Lần thứ hai anh vào viện. Cũng như lần trước, vào viện lúc này là quá muộn, toàn bộ phần chân phải đã hoại tử. “Giờ đây cái chân phải còn lại cũng bị cưa đi nữa, em không biết xoay xở ra sao”- chị Thu kể.
Vào TP.Hồ Chí Minh được 10 năm nay, anh T. mưu sinh bằng nghề chạy xe ôm. Khi mất chân trái, anh còn dùng nạng gỗ để đi lại. Nhưng giờ đây khi cái chân phải bị tháo bỏ, anh phải sống dựa vào người thân, mưu sinh trên chiếc xe lăn để bán vé số.
Cách đây 10 năm, các bác sĩ ở Bệnh viện 175 (TP.Hồ Chí Minh) đã cắt đi hai ngón tay trái cho bệnh nhân Mã Huỳnh Đ., 45 tuổi, ở Lâm Đồng vì tắc mạch máu nuôi chi do nghiện hút thuốc lá. Tuy nhiên, sau khi rời bệnh viện về nhà, anh Đ. vẫn đều đặn hút thuốc.
“Biết hậu quả nhưng tôi không thể bỏ thuốc được. Hiện mỗi ngày tôi hút hai gói, có ngày thèm hút 3 gói”- anh Đ. thú nhận.
Mới đây khi Đ. nhập viện điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực mạch máu Bệnh viện Nhân dân 115 để chờ các bác sĩ phẫu thuật nối lại các mạch máu ở tay, bác sĩ Thịnh còn phát hiện hai bàn chân Đ. cũng có hiện tượng các mạch máu đang “tắt” dần.
Theo bác sĩ Thịnh, nếu không phẫu thuật kịp thời sẽ hoại tử và phải đoạn chi. Trước khi vào Bệnh viện Nhân dân 115, anh Nguyễn Văn Th., 40 tuổi, ở Lâm Đồng được một bệnh viện khác chỉ định cắt chân trái tới đầu gối do hoại tử vì hút thuốc lá.
Tuy nhiên, tại khoa Lồng ngực mạch máu, Bác sĩ Cao Văn Thịnh và các đồng sự đã cố gắng níu kéo lại đôi chân cho anh bằng phẫu thuật bắc cầu dẫn máu tới nuôi các chi.
Anh Th. mừng như vớ được vàng vì dù sao còn giữ được đôi chân nhưng với bệnh nhân H.V.H., 47 tuổi, ở Long An thì từ nay sẽ phải đi nạng vì một chân vừa mới bị cắt. Anh H. nghiện hút thuốc lá từ năm 18 tuổi và từ đó đến nay mỗi ngày anh đều đặn hút 2 gói.
Một năm 7% bệnh nhân buerger bị đoạn chi
Mỗi năm có hàng nghìn bệnh nhân vào viện vì bệnh lý tắc động mạch ngoại biên do nghiện hút thuốc lá buộc các bác sĩ phải cắt bỏ đi một phần tay chân. Tuy nhiên, căn bệnh được gọi là buerger này vẫn đang gia tăng bất chấp cảnh báo tránh xa thuốc lá.
Chủ quan nên đoạn chi Theo PGS.TS Cao Văn Thịnh, tắc động mạch ngoại biên thường gặp ở mọi đối tượng nam, nữ, già, trẻ. Ngoài 85% trường hợp tắc động mạch xơ vữa, còn lại do huyết khối hay thuyên tắc mạch ở những người có bệnh lý tim, biến chứng của bệnh đái tháo đường và ở người hút nhiều thuốc lá. |
PGS.TS Cao Văn Thịnh nói, ông cũng ứa nước mắt mỗi lần nhìn bệnh nhân đoạn chi, nhưng khi bệnh nhân nhập viện chân và tay đã hoại tử thì không thể cứu vãn nổi.
“Chúng tôi yêu cầu tất cả bệnh nhân phải đoạn tuyệt với thuốc lá nếu không muốn chân tay tiếp tục hoại tử nhưng chỉ một số ít ý thức được”- bác sĩ Thịnh nói.
Hậu quả là rất nhiều bệnh nhân quay trở lại để điều trị, có người tiếp tục bị cắt bỏ một phần thân thể.
Theo báo cáo của Hội tĩnh mạch học TP.Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay tại các bệnh viện lớn ở TP.Hồ Chí Minh đã tiếp nhận gần 100 ca mắc hội chứng buerger và tất cả trong số đó đều bị cắt chi.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP.Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm có khoảng 7% số bệnh nhân phải đoạn chi như vậy liên quan đến chứng nghiện hút thuốc lá.
Tuy nhiên, vẫn còn trên 95% bệnh nhân tái hút thuốc lá mặc dù trước đó đã bị đoạn một phần tay hoặc chân. “Với những người này, nguy cơ bị cắt cụt chân và tay vẫn tiếp tục nếu họ không đoạn tuyệt với thuốc lá”- bác sĩ Nam cảnh báo.
Theo Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, không có cách phòng ngừa bệnh buerger nào ngoài “nói không với thuốc lá”. “Nếu bạn không nghiện, xin hãy tránh xa với thuốc lá” - bác sĩ Khanh khuyên.
Theo ông, không thể trị dứt điểm căn bệnh này nhưng một khi đã bị hoại tử ở các ngón tay, chân, bệnh nhân cần chăm sóc kỹ các ngón tay, chân, bằng cách kiểm tra phần da ở tay, chân mỗi ngày để phát hiện những vết cắt và trầy xước.
Đồng thời rửa kỹ các vết trầy xước, băng sạch để tránh nhiễm trùng và theo dõi sát vết thương xem chúng có lành lại không. Nếu vết thương xấu đi, cần phải khám bệnh ngay.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển