Doanh nghiệp - Doanh nhân

Huyền thoại "Hãn Huyết bảo mã" và giấc mơ của tỷ phú Trung Quốc

Vị tỷ phú Trung Quốc bỏ ra hàng trăm triệu USD để mua loài ngựa huyền thoại nổi tiếng từ thời cổ đại với "mồ hôi máu", tốc độ và được coi như là ngựa trời.

312 triệu USD là số tiền mà Chen Zifeng, tỷ phú Trung Quốc sở hữu một tập đoàn thương mại ở Urumqi, đã bỏ ra để thu mua và nhân giống ngựa Akhal-teke, giống ngựa quý của Turkmenistan mà nghìn năm qua nổi danh với tên gọi "Hãn Huyết mã" hay "Đại Uyển mã" trong lịch sử Trung Quốc.

Chen đang chăm sóc một con Hãn Huyết mã tại trang trại ở Tân Cương. Ảnh: SCMP. 

Vị tỷ phú và đàn Hãn Huyết mã

Bắt đầu xây dựng bộ sưu tập ngựa quý từ năm 2009, tới nay, vị tỷ phú 55 tuổi người Trung Quốc đã có trong tay hơn 300 cá thể Hãn Huyết mã. Tình yêu của ông với loài ngựa nảy mầm khi ông lớn lên tại Tân Cương, nơi ngựa là một phần trong cuộc sống trên những thảo nguyên bạt ngàn.

Để có được những con ngựa thuần chủng nhất, Chen phải tìm tới những nhà cung cấp từ quê hương của Hãn Huyết mã - Turkmenistan. Sau khâu kiểm tra và kiểm dịch khắt khe tại biên giới Turkmenistan - Trung Quốc, những con ngựa khỏe mạnh được đưa về trang trại ngựa tại Urumqi, Tân Cương, nơi Chen tập hợp một đàn gồm hàng trăm con ngựa.

Nỗ lực đưa những con ngựa quý về Trung Quốc rất đắt đỏ, mất nhiều thời gian và không ít rắc rối. Đôi khi, những con ngựa đã chết trước khi được đưa về trang trại của Chen ở Tân Cương. Mục tiêu của vị tỷ phú người Trung Quốc là mở rộng đàn lên 1.000 con trong vòng 8 năm.
Dẫu bỏ ra hàng trăm triệu USD đầu tư cho đàn ngựa quý, Chen cho biết ông chưa thu được bất cứ lợi nhuận nào về tài chính từ đàn ngựa và khẳng định không có ý định bán chúng.

Akhal-teke hay Hãn Huyết mã, tức con ngựa mồ hôi đỏ như máu, có nguồn gốc từ thung lũng Ferghana, Turkmenistan.

 

Tốc độ và sức mạnh của Hãn Huyết mã từ lâu đã nổi danh trong những ghi chép lịch sử của Trung Quốc. Thậm chí, Hán Vũ Đế (năm 141 - 87 TCN), vị vua thứ 7 dưới triều đại nhà Hán, đã hai lần gây ra chiến tranh nhằm đoạt được giống ngựa quý này để xây dựng đội quân thiết kỵ vô địch thiên hạ.

Theo ghi chép của Tư Mã Thiên, sau lần đầu tiên xuất binh thất bại, Hán Vũ Đế cử khoảng 300.000 quân tấn công vương quốc Đại Uyển ở Tây Vực vào năm 104 TCN. Sau khi chiến thắng khải hoàn, quân nhà Hán đã mang về Trung Nguyên hàng chục con ngựa thượng đẳng cùng hơn 3.000 con ngựa trung đẳng.

Giấc mơ Trung Quốc qua những con ngựa quý

Tại Trung Quốc, quốc gia có hàng nghìn năm lịch sử chiến tranh trên yên ngựa, những con tuấn mã là biểu tượng của quyền lực và địa vị xã hội, dù chính phủ từ lâu đã cấm đua ngựa trên toàn Trung Quốc.

"Nếu rồng là biểu tượng của đất nước Trung Quốc thì ngựa là biểu trưng cho tinh thần của người Trung Quốc", Chen nói.

 

Người đàn ông 55 tuổi cho biết muốn mang những con Hãn Huyết mã tốt nhất về Trung Quốc để làm tái sinh giấc mơ của Hán Vũ Đế, giấc mơ về đất nước "thiện chiến hơn".

"Trẻ con người Hán cần cứng rắn và đàn ông hơn. Trong khi trẻ con nước ngoài học võ và kỹ năng sống, trẻ con Hán chỉ học nghệ thuật, piano và nhảy múa", Chen nói.

Chen (trái) cùng con ngựa của mình trong một chương trình truyền hình năm 2016. Ảnh: SCMP. 

Vị tỷ phú nhắc lại câu chuyện lịch sử khi khẳng định chính Hãn Huyết mã là chiếc cầu kết nối những quốc gia trên Con đường Tơ lụa đầu tiên, khởi nguồn của Sáng kiến Vành đai - Con đường mà nay chính quyền của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang theo đuổi.

"Sẽ không có Con đường Tơ lụa, tuyến thương mại cổ đại nối Trung Quốc với Địa Trung Hải, nếu không có Trương Khiên, sứ thần đầu tiên được Hán Vũ Đế cử tới Trung Á", Chen nói.

Cả Hán Vũ Đế và Trương Khiên đã trở về với cát bụi từ hàng nghìn năm trước, nhưng Con đường Tơ lụa thì vẫn tồn tại đến ngày nay, và vị tỷ phú có tình yêu đặc biệt với loài ngựa tin rằng loài tuấn mã sẽ lại tiếp tục đóng vai trò kết nối như nó đã từng hơn 2.000 năm trước.

 

Turkmenistan, quê hương của loài Hãn Huyết mã, là quốc gia nằm trên tuyến "Vành đai, Con đường" đầy tham vọng mà Trung Quốc đang theo đuổi. Năm 2014, Tổng thống Turkmenistan Gurbanguly Berdymukhamedov đã mang một con Hãn Huyết mã vượt hàng nghìn km để tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh.

Ông Tập không phải nhà lãnh đạo đầu tiên, cũng nhiều khả năng không phải người cuối cùng, nhận được món quà là loài ngựa quý từ Turkmenistan. Cả Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, 2 nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Trung Quốc, đều từng được Turkmenistan gửi tặng những con Hãn Huyết mã.

"Món quà mà ông tổng thống gửi tới Trung Quốc không phải là những con ngựa, chúng chính là giấc mơ của Hán Vũ Đế", Chen nói.

Nên đọc
Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo