Khắc phục những “rào cản” để tạo đà phát triển
Năm 2012, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với những khó khăn tích tụ từ nhiều năm trước, cùng với đó là những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới như: Nợ công châu Âu; nền kinh tế Mỹ chậm phục hồi, châu Á chịu nhiều thiên tai và rủi ro tiềm ẩn; giá vàng, năng lượng, lương thực bất ổn… Đây là những yếu tố đẩy nền kinh tế nước ta đối diện với những bất ổn vĩ mô, nhiều doanh nghiệp giải thể, nợ xấu ngân hàng, hàng tồn kho lớn, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp thấp…
Khiếm khuyết cơ bản của mô hình tăng trưởng kinh tế là quy mô nguồn lực đầu vào tăng nhưng hiệu quả đầu tư kém. Để khắc phục những “rào cản”, tạo đà phát triển, cần phải thực hiện ngay một số giải pháp đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và phải kiên trì tái cấu trúc nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hiện chúng ta có ba “rào cản” chính đó là: thể chế chậm đổi mới; cơ sở hạ tầng còn yếu kém; nguồn nhân lực đông mà không mạnh.
Tạo dựng thể chế mạnh
Hơn ¼ thế kỷ tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song những vấn đề còn tồn tại cũng rất đáng kể. Điển hình là những thiếu hụt, bất cập về cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật và văn bản dưới luật vừa thiếu, vừa chồng chéo, chưa sát với tình hình thực tiễn và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế nên khả năng thực thi pháp luật chưa cao.
Do nhận thức xã hội còn hạn chế, thiết chế xã hội chưa hoàn thiện dẫn đến việc “công khai, minh bạch” ít được vận dụng trong xã hội hoặc chỉ là hình thức nên đã tạo thêm cơ hội để vấn nạn tham nhũng phát sinh, phát triển. Hiệu lực quy phạm pháp luật thấp đã tạo nên những “lỗ hổng” cho các dạng thao túng kinh tế, chính trị hoành hành.
Điển hình là sự thiếu rõ ràng, chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, giám sát thu thuế, hay một số hoạt động cấp phép xuất nhập khẩu, quy hoạch đất đai, thu các khoản phí và lệ phí. Đánh giá một cách khách quan thì bộ máy công quyền ở ta còn kém hiệu lực, một vài nơi lạm dụng chức quyền và tư lợi, hình thành “nhóm lợi ích”.
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chị thị số 32/CT-TTg quy định về việc loại bỏ những rào cản để hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ được giao, một mặt tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp liên quan đến lĩnh vực đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư, mặt khác, phải chủ động rà soát loại bỏ những quy định không còn phù hợp hoặc đang cản trở đến việc thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của đất nước.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng
Hiện tại, hệ thống hạ tầng ở nước ta chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt hạ tầng giao thông đang bất cập và gây ra những bất lợi cho sự phát triển. Việc quy hoạch cảng biển, sân bay, khu công nghiệp dàn trải, không tính đến đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, vốn, nhân lực, khoa học công nghệ, dẫn đến việc khai thác, phân bổ các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên lãng phí, kém hiệu quả. Mạng lưới hạ tầng bố trí hiện chưa phù hợp làm tăng chi phí xã hội, ách tắc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Khảo sát của Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, 87,8% doanh nghiệp nước ngoài và 83% doanh nghiệp trong nước trên tổng số 291 doanh nghiệp đánh giá chất lượng cơ sở hạ tầng ở ta còn kém và rất kém. Kết quả này cũng tương đồng với Báo cáo Năng lực cạnh tranh Quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Theo đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam bị xếp hạng thấp nhất trong bộ chỉ số cạnh tranh. Khảo sát của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, hơn 600 doanh nghiệp Nhật cho rằng, cơ sở hạ tầng yếu kém của Việt Nam đang là trở ngại cho đầu tư.
Đại diện của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ thì cho rằng: Việt Nam nhận được nhiều nguồn vốn vay lớn để phát triển hạ tầng giao thông từ World Bank, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nguồn vốn ODA Nhật Bản… Tuy nhiên, việc sử dụng các nguồn vốn này còn hạn chế, thiếu hiệu quả và tệ nạn tham nhũng hoành hành. Đây cũng là thách thức lớn của Việt Nam và là mối quan ngại hàng đầu của 70% doanh nghiệp Mỹ.
Ông Phạm Thanh Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Giao thông vận tải cho biết: Việt Nam cần khoảng 110 tỷ USD cho hạ tầng giao thông. Trong đó kế hoạch đầu tư của Bộ Giao thông vận tải cho các dự án giai đoạn 2011 – 2015 cần tới khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương với 40 tỷ USD.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta hiện rất yếu dù số lượng việc làm được tạo ra hằng năm qua công bố là khá lớn. Việc làm chủ yếu chỉ ở khu vực giản đơn, thu nhập thấp và khu vực nông nghiệp nên giá trị gia tăng không nhiều, phần lớn “lấy công làm lãi”. Cơ cấu lao động theo ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu chuyên gia có trình độ cao, đội ngũ quản lý, nhà kinh doanh giỏi và công nhân lành nghề. Nếu chúng ta cứ coi lao động giá rẻ là một lợi thế thì quả là một sai lầm, bởi yếu tố quyết định đến doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp chính là năng suất lao động.
Mặc dù Việt Nam được thế giới đánh giá là có lợi thế đông dân số, đang trong thời kỳ “dân số vàng”, lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào, nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB), trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94.
Cơ cấu phân bổ lao động theo ngành nghề ở nước ta hiện cũng mất cân đối. Các ngành kỹ thuật – công nghệ, nông – lâm – ngư nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó một số ngành xã hội, luật, kinh tế, ngoại ngữ… lại chiếm tỷ lệ cao. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực vừa thừa, vừa thiếu nhân lực.
Để phát triển nguồn nhân lực, trước mắt và lâu dài chúng ta cần tính đến yếu tố chất lượng sinh đẻ và bồi dưỡng sức dân. Vấn đề này liên quan đến nhiều yếu tố như chính sách xã hội, chính sách y tế, chính sách tiền lương, chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng… Không thể nói đến nhân lực chất lượng cao khi chất lượng giáo dục đại học còn thấp.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 đã chỉ rõ cần tập trung tạo đột phá “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục, gắn kết chặt chẽ việc phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”.
Một số giải pháp trong năm 2013
Theo dự báo, năm 2013 nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm hơn kì vọng, lãi suất cho vay phổ biến vẫn ở mức cao trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng chưa hết căng thẳng và nợ xấu vẫn chưa hạ nhiệt. Sự giảm mạnh sức mua làm giảm nhu cầu nội địa, hàng hóa sản xuất ra khó tiêu thụ, lượng tồn kho tăng cao, vòng quay vốn chậm, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phát triển “bong bóng” rồi bất ngờ đóng băng của bất động sản cũng được xem là một yếu tố làm tắc nghẽn huyết mạch của nền kinh tế, chưa thể khắc phục một sớm, một chiều.
Chúng ta nên sớm có những giải pháp tổng thể để phục hồi sản xuất bằng: tiết giảm chi phí sản xuất và hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp hạ giá bán, đẩy nhanh quá trình tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu hàng tồn kho, hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, tiến tới mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường; tạo sức cầu mới bằng cách phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng theo hướng tập trung cơ cấu phân bổ vốn tín dụng vào các ngành sản xuất có khả năng cạnh tranh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cải thiện sức mua ở thị trường nội địa; tăng cường hỗ trợ tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho những người có thu nhập thấp, người nghèo… Ngoài ra, cần có kế hoạch tăng lương theo đúng lộ trình và khuyến khích cho vay tiêu dùng để ngăn chặn đà sụt giảm sức mua của thị trường, góp phần giảm bớt lượng hàng tồn kho.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, xây dựng kế hoạch theo hướng đưa nhiều loại hàng hóa về nông thôn, xúc tiến thương mại biên giới. Ngoài ra, khẩn trương rà soát để cắt giảm tối đa các loại thuế, phí, lệ phí, hạ thấp các mức thuế xuất không phù hợp, tăng quy một số đối tượng được hưởng chế độ miễn, giảm thuế.
Trong thế giới đầy biến động hiện nay, mỗi quốc gia đều có cách thức tái cấu trúc nền kinh tế khác nhau. Chúng ta cần nghiên cứu, đánh giá kĩ để có biện pháp phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước. Khi đã khách quan nhận diện được những “rào cản” thì yếu tố niềm tin và quyết tâm của cả cộng đồng sẽ góp phần cải thiện tình hình kinh tế nước nhà trong năm 2013 và tạo đà phát triển trong những năm tiếp theo.
TS Cao Sỹ Kiêm
End of content
Không có tin nào tiếp theo