Tin tức - Sự kiện

Khổ sai ở “thánh địa” vàng Phước Sơn

Lại có phu vàng chạy trốn nạn bóc lột, ngược đãi của các chủ mỏ. Lần này không đơn lẻ mà lên đến 78 lao động, đều của Cty TNHH Phước Minh - đơn vị đang khai thác vàng gốc tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Vụ việc chấn động dư luận bởi hé lộ nhiều khuất tất trong quản lý, sử dụng lao động. Tuy nhiên, dường như vụ việc đang được giải quyết “êm thấm” - cách nói của chính quyền sở tại. Và như vậy, tiếng kêu cứu của những phu vàng khổ sai chưa “thoát” khỏi Phước Sơn để đến với giới

Đoàn người tứ xứ vẫn đổ về Phước Sơn với giấc mơ đổi đời.

 Địa ngục

“Có hai phu vàng vừa trốn khỏi bãi Muối, xã Phước Thành, các anh gặp không?”. Một người dân thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Thành) thầm thì khi biết chúng tôi là nhà báo. 
 
Tôi hỏi, có phải là hai em vừa được Trung tâm Bảo trợ xã hội của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam tiếp nhận? 
 
Người kia nhìn quanh, hạ giọng: “Nói nhỏ thôi, thông tin ở thị trấn này nhanh lắm, họ biết được thì rách việc cho tôi. Hai phu vàng tôi nói vừa mới trốn được 3 ngày, chưa có cơ quan chính quyền nào tiếp cận, đang được người dân cưu mang, chờ có tiền tiếp tục trốn về quê...”.
 
Chúng tôi theo chân người chỉ đường đề nghị giấu tên này, ngoằn ngoèo qua vài con phố ngắn của thị trấn, rồi đột ngột rẽ vào một căn nhà, giống hành động “cắt đuôi” theo dõi trong phim trinh thám. Cậu bé tên Bùi Văn Vụ mặt còn tái xanh vì sợ.
 
Vụ cho biết, em người Mường, quê huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, vừa trốn khỏi bãi vàng khe Muối hôm 3.4. 
 
Chuyện của Vụ vụn nát qua những mẩu trả lời cụt lủn, xen lẫn sợ sệt lẫn cả nghi ngại: “Em mới vào bãi Muối được hơn 1 tuần thì bỏ trốn. Vì quá sợ. Thấy họ đánh công nhân dữ quá.
 
Một góc bãi vàng ở Phước Thành.
 
Con gái cũng không chừa. Em không đếm được, bãi có khoảng 2, 3 trăm người, cả trăm đứa con gái. Chúng nó làm việc trên mặt đất, đứng máy xay đá, nấu ăn... Con trai chui hầm. Chúng em làm việc 2 ca. Ca ngày từ 5h45 đến 11h30.
 
Nghỉ ăn trưa, 12h40 lại làm việc, đến 5h30 mới nghỉ. Ca đêm cũng áp dụng giờ làm việc tương tự. Đã chui xuống hầm thì ngày hay đêm đều giống nhau. Bọn em chui sâu 300-400m dưới lòng đất hẹp. Không bảo hộ lao động, ngay đôi ủng mà cũng kẻ có người không.
 
Thiếu ánh sáng, hệ thống thổi không khí không đủ chống ngạt. Ai bị ngạt, ngất xỉu thì đưa lên. Ai không chấp hành thì bị đánh, có khi đến hộc máu mồm. Đứa đau ốm thì được phát 2 viên thuốc - không rõ thuốc gì. Bữa ăn ngon nhất là có cá khô, còn lại là muối và rau rừng...”. 
 
Chúng tôi hỏi vì sao các em lại chấp nhận một công việc nặng nhọc như vậy mà không có hợp đồng lao động, không có thoả thuận nào? 
 
Vụ đáp: “Anh trai em tên Nhất, đã làm vàng ở Phước Sơn cả chục năm rồi. Giờ đã làm “tướng”, giám sát quân tại các hầm mỏ.
 
Tết ông ấy về quê tuyển quân, hứa sẽ trả 2 triệu đồng/tháng. Nhưng khi đưa em vào bãi Muối thì bỏ đấy vì quản lý ở điểm khác. Làm ở đây em mới biết mình bị lừa. Họ hứa 6 tháng sẽ trả lương 1 lần, nhưng nhiều đứa làm việc cả năm chưa được trả. Họ chỉ cho ứng từng phần, rồi trừ lương vô tội vạ. Đứa nào chịu không nổi thì cắt rừng mà chạy trốn. Nếu bị bắt trở lại thì ít nhất là hộc máu, nhiều thì bị đánh đến nằm liệt cả tuần, rồi phải đi làm lại”.
 
Đào thoát
 
Chủ nhà - người đang cưu mang Vụ - cũng đề nghị chúng tôi giấu tên, địa chỉ. Ông nói: “Ở đây, phu vàng bị ngược đãi, bỏ trốn ra thị trấn là thường xuyên. Các em bị truy bắt, đánh đập... Thương các em, chúng tôi che chở, cho tiền hoặc tạo việc làm để các em kiếm tiền xe về quê, nhưng cũng ngại các ông chủ vàng trả thù”.
 
Còn Vụ thì đang lo lắng cho người đồng hương cùng cảnh ngộ. Vụ cho biết: “Chiều ngày 2.4, sau khi làm xong ca ngày, em và Bùi Văn Thiện (sinh năm 1996) nháy mắt nhau, ăn một bữa thật no, rồi chờ trời tối, chạy thẳng lên đồi, bỏ trốn. Bọn em cứ nhắm hướng ra thị trấn Khâm Đức mà đi.
 
Nghe tiếng xe máy hay người đi đường thì leo vội lên đồi, núp. Đói, khát thì vào nhà dân xin ăn. Đêm thì ngủ trong rừng. Hai ngày đêm mới đến gần thị trấn, trên người chỉ có độc nhất một bộ áo quần. Đang nháo nhác tìm đường, thì người của công ty phát hiện. Ba người đuổi theo em, hai người đuổi theo Thiện. Em may mắn được một chủ nhà cho chui vào phòng ngủ, trốn thoát. Còn Thiện không biết bây giờ ra sao...”.
 
Phu vàng ở bãi vàng Phước Thành.
 
Chuyện của Vụ cũng là chuyện chung của nhiều phu vàng khác. Họ cho biết bị nợ lương và thường xuyên bị đánh đập thậm tệ, nên chiều ngày 3.4, gần 100 lao động của Cty Phước Minh đã đồng loạt bỏ việc, băng rừng chạy trốn ra đường Hồ Chí Minh - đoạn Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
 
Đoàn người tả tơi, kẻ chân không, người cởi trần, không hành lý, không tiền, trong khi trước mắt họ là quãng đường xa ngót 600km mới về đến quê nhà ở Thanh Chương, Nghệ An. Vậy mà, khi ra đến thị trấn Khâm Đức, đoàn phu vàng đã vừa đi vừa hô vang: “Tự do, tự do muôn năm!”.
 
Tuy nhiên, khoảnh khắc "tự do" của họ thật ngắn ngủi. Đến chiều tối cùng ngày, nhân viên của Cty Phước Minh đã chặn đón họ trên đường Hồ Chí Minh, đưa về trụ sở ở khối 1, thị trấn Khâm Đức. Cuộc thương lượng diễn ra phía trong hai lớp rào sắt.
 
Khoảng 2-3 giờ sáng 4.4.2014 vụ việc đã được giải quyết dứt điểm: Có 15 phu vàng kiên quyết bỏ việc được công ty thuê ôtô, đưa về tận quê; hơn 60 phu vàng khác chấp nhận quay lại làm việc với công ty.
 
Bưng bít
 
Khi báo chí tiếp cận hiện trường thì mọi việc gần như đã được giải quyết "êm thấm". Các cơ quan chức năng của huyện Phước Sơn đều từ chối tiếp xúc báo giới và gần như có câu nói chung: "Mời các anh đến gặp Chánh văn phòng UBND huyện - người phát ngôn của chính quyền".
 
Tình hình ngược đãi người lao động xảy ra trên địa bàn đang hồi "dầu sôi lửa bỏng", vậy mà cả Chủ tịch UBND huyện Phạm Thế Quyền và Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực khoáng sản Nguyễn Mạnh Hà đều tắt điện thoại di động. Giám đốc Cty TNHH Phước Minh Ngô Văn Quang trả lời chúng tôi qua điện thoại, phủ nhận có tình trạng ngược đãi lao động.
 
Ông chỉ nhận có 78 công nhân đồng loạt bỏ trốn chiều 3.4, và trước đó, thỉnh thoảng có những nhóm công nhân từ 2-5 người trốn khỏi công ty. Tuy nhiên, theo ông, nguyên nhân là do xúi giục, rủ rê giữa các phu vàng hoặc do các chủ bãi vàng khai thác trái phép lôi kéo, dụ dỗ.
 
"Người phát ngôn" của chính quyền, Chánh văn phòng UBND huyện Phước Sơn - ông Hoàng Hoa - đã tiếp báo chí. Tuy nhiên, các câu trả lời của ông là chung chung. Rằng chúng tôi chưa có thông tin cụ thể, chúng tôi đã chỉ đạo các ngành liên quan vào cuộc điều tra, trước mắt chúng tôi ghi nhận phản ánh từ phu vàng, người dân, tiếp tục theo dõi diễn biến của tình hình để có biện pháp điều tra, xử lý triệt để...(!).
 
Ông Hoa cho hay, hiện Phước Sơn có 12 DN khai thác vàng gốc, trong đó 6 DN có giấy phép đến 2017, số còn lại đã hết phép khai thác. Cuối tháng 3.2014, UBND huyện đã có làm việc với các DN khai thác vàng, yêu cầu hết phép phải dừng khai thác.
 
Ông Hoa cho rằng, Luật Khoáng sản đã có hiệu lực, song các văn bản hướng dẫn thi hành luật, các nghị định, thông tư hiện vẫn chưa được phổ biến. Vì vậy, địa phương lúng túng trong phân cấp quản lý, giám sát khai khoáng trên địa bàn.
 
Đặc biệt, vào thời điểm nhiều doanh nghiệp hết phép khai thác vẫn tồn tại bên cạnh các DN còn phép đã phát sinh tình trạng làm chui. Mặt khác, với một địa bàn miền núi rộng lớn, cán bộ lại mỏng nên công tác quản lý khai thác khoáng sản không thể chặt chẽ được.
 
Theo ông Hoa, trung bình mỗi công ty khai thác vàng có khoảng 70-80 công nhân được đăng ký tạm trú, có ký hợp đồng, thoả ước lao động. Song thực tế quân số của họ bao nhiêu thì khó nắm được. Ngay số tiền thuế họ phải đóng bao nhiêu huyện cũng không biết cụ thể. Huyện chỉ thu khoảng 5 tỉ đồng/năm từ đóng góp, hỗ trợ của các DN khai thác vàng.
 
Ông Hoa thừa nhận các vụ bỏ trốn khỏi bãi vàng xảy ra thường xuyên trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chưa có DN khai thác vàng nào bị điều tra, xử lý. Vì vậy, một vài phu vàng đào thoát hay cả trăm người đồng loạt bỏ trốn như vụ việc vừa xảy ra đều có hồi kết giống nhau.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo