Tin tức - Sự kiện

Không làm cáp treo Sơn Đoòng, nếu bộ ngành, UNESCO không đồng ý

Đại diện khoảng 30 cơ quan thông tấn báo chí đã có mặt tại Quảng Bình dự cuộc họp báo về dự án cáp treo Sơn Đoòng - một dự án đang được dư luận hết sức quan tâm.

 Miệng hố sụt trong hang Sơn Đoòng, nơi dự kiến có cáp treo đưa du khách vào đây - Ảnh: Ryan Deboodt

Trước sự quan tâm của dư luận trong những ngày qua về dự án làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB), chiều 4-11 UBND tỉnh Quảng Bình đã họp báo và chính thức công bố về dự án cáp treo này.
 
Ông Nguyễn Hữu Hoài - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, chủ trì buổi họp báo - nhấn mạnh: “Với tiềm năng về di sản thiên nhiên thế giới như PN-KB, tỉnh Quảng Bình không chấp nhận cứ nghèo mãi được. Việc phát triển du lịch, trong đó có cáp treo vào hang Sơn Đoòng, là một hướng đi đúng để góp phần đưa Quảng Bình thoát nghèo và vươn lên trở thành một tỉnh giàu”. 
 
Cũng theo ông Hoài, chính vì lẽ đó nên tháng 4-2014 tỉnh Quảng Bình đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư.
 
Tại đó, tỉnh đã đặt vấn đề làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng với Tập đoàn Sun Group. Và từ đó đến nay, đơn vị này đã tiến hành chín đợt khảo sát, với sự thamgia của nhiều chuyên gia về cáp treo và địa chất, địa mạo của Thụy Sĩ, Úc, Đức, Áo...
 
“Việc lập dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng sẽ dựa trên nguyên tắc bảo tồn di sản thiên nhiên thế giới, đồng thời du khách vẫn được thưởng thức cái đẹp độc đáo của PN-KB” - ông Hoài khẳng định.
 
Nhiều câu hỏi từ phóng viên của hơn 30 cơ quan báo chí dự họp cho thấy cáp treo đã trở thành một vấn đề rất nhạy cảm khi xuất hiện trong vùng di sản thiên nhiên thế giới, và hang Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới.
 
  Dự án cáp treo Sơn Đoòng đã nóng lên bằng cuộc họp báo chiều 4-11 - Ảnh: Quốc Nam
 
* Tuổi Trẻ: Theo ý kiến của chuyên gia Viện Địa chất và địa vật lý biển (Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN) thì hang Sơn Đoòng nằm trên hai đứt gãy địa chất, mọi hoạt động gây chấn động lớn ở xung quanh đều có khả năng làm hang sụp đổ. Tỉnh đã tính đến vấn đề này chưa?
 
- Ông Nguyễn Hữu Hoài: Đúng là Vườn quốc gia PN-KB đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới cũng nhờ các tiêu chí địa chất, địa mạo.
 
Nếu đụng chạm vào hoặc làm hủy hoại sẽ ảnh hưởng đến di sản. Nhưng cáp treo sẽ được làm nếu không ảnh hưởng đến hang động và hệ thống cáp treo chỉ đi trên hang động mà thôi.
 
* Nông Nghiệp VN: Vườn quốc gia PN-KB là rừng đặc dụng, đồng thời là di sản thiên nhiên thế giới. Việc bảo tồn di sản và rừng đặc dụng sẽ được thực hiện như thế nào khi làm cáp treo?
 
- Ông Đặng Minh Trường (tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group): Có vấn đề đặt ra là rác thải do du khách đi lên cabin cáp treo khi tham quan.
 
Vấn đề này chúng tôi đã tính toán và sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại nhất để thu gom, sau đó dùng máy nén chặt và vận chuyển bằng cáp treo đưa về nơi xử lý.
 
Như vậy không ảnh hưởng gì đến môi trường. Nếu không bảo tồn được di sản thì không khác gì chúng tôi tự chặt vào chân mình.
 
- Ông Lê Thanh Tịnh (giám đốc Vườn quốc gia PN-KB): Theo khảo sát, tuyến cáp treo sẽ được thi công bằng công nghệ cáp công vụ, vận chuyển vật liệu đi trên ngọn cây hoặc theo các lối mòn nên rất ít cây cối trong rừng phải chặt để lấy mặt bằng dựng trụ cáp hoặc mở đường công vụ. Khi khảo sát đã chọn các vị trí ít bị ảnh hưởng nhất về chặt hạ cây rừng.
 
Về vấn đề này, ông Peter Vogelmann - giám đốc thị trường Đông Nam Á của Công ty Doppelmayr Seilbahnen GmbH (Áo), đại diện đơn vị tư vấn và khảo sát dự án cáp treo vào hang Sơn Đoòng (do Tập đoàn Sun Group thuê) - đã thuyết minh về các phương án cáp treo và cho rằng “sẽ không ảnh hưởng đến môi trường và di sản”.
 
Cáp treo sẽ không đi trực tiếp vào hang động, mà giữ một khoảng cách an toàn đến hang Sơn Đoòng, sẽ hạn chế số lượng trụ cáp ít nhất, gần cửa hang sử dụng nhà ga nhỏ nhất, ít phải xây dựng nhất.
 
Hàng loạt đại diện các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Sài Gòn Giải Phóng, Nông Thôn Ngày Nay, TTXVN... đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc dự án có được tham vấn ý kiến của các cơ quan liên quan như Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Tổ chức UNESCO hay chưa? Nếu lập xong dự án mà không được các đơn vị này đồng ý thì sao?
 
Trả lời các thắc mắc này, ông Hoài khẳng định: “Nếu các bộ, ngành liên quan và UNESCO không đồng ý làm cáp treo thì tỉnh sẽ không làm! Việc này, UBND tỉnh Quảng Bình không thể quyết định làm hay không làm. UBND tỉnh và đơn vị lập dự án đã có thỏa thuận và cũng đã tính đến việc này rồi”.
 
 
 

 Quy trình ngược

 
Vào thời điểm tổ chức họp báo chính thức giới thiệu dự án cáp treo Sơn Đoòng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết bộ vẫn chưa hề nhận được văn bản nào của tỉnh Quảng Bình báo cáo chi tiết về dự án cáp treo này. Ngay cả cuộc họp báo công bố về dự án nói trên vừa diễn ra, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng không được biết.
 
Ông Toàn cũng cho rằng việc tỉnh Quảng Bình họp báo công bố dự án trong khi chưa có ý kiến của Bộ Xây dựng về việc bổ sung dự án này vào quy hoạch là quy trình ngược, và xét nguyên tắc về quy hoạch thì khi dự án chưa có trong quy hoạch nhưng vẫn công bố thực hiện thì việc đó là vô giá trị vì trái luật.
 
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản khẳng định hiện nay bộ chỉ mới đang thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia PN-KB đến năm 2025. Trong quá trình thẩm định, bộ nhận được văn bản của UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị bổ sung tuyến cáp treo từ động Phong Nha đến hang Sơn Đoòng vào trong đồ án quy hoạch. 
 
Theo ông Toàn, xét thấy việc xây dựng tuyến cáp treo tại khu vực này có thể ảnh hưởng tới việc bảo tồn di sản và vùng rừng đặc dụng, do đó Bộ Xây dựng đã gửi văn bản tới Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị các bộ này cho ý kiến đối với đề xuất của tỉnh Quảng Bình. Đến nay Bộ Xây dựng chưa nhận được phúc đáp của hai bộ nêu trên, đồng thời chưa hề có quan điểm chính thức đối với đề xuất bổ sung tuyến cáp treo vào đồ án quy hoạch của tỉnh Quảng Bình.
Theo Tuổi trẻ Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo