Thị trường

Không nên xem nặng ngôi vị quán quân

(DNHN) - Vừa qua, xuất khẩu gạo Việt Nam luôn nhận được những tín hiệu đáng mừng, những tưởng vị trí “quán quân” trong xuất khẩu gạo sẽ “nằm trong tầm tay”

Gạo không được giá như mong đợi

Việt Nam đã đứng trước cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo khi mà các đối thủ đáng gờm như Thái Lan - chính phủ nước này quyết định thu mua toàn bộ gạo trong nước; Ấn Độ đã tiếp tục trở thị trường xuất khẩu gạo nhưng logistics của họ vẫn đang cản trở việc xuất khẩu này.

Đây là những điểm thuận lợi cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, ba nước vốn là bạn hàng lớn của Việt Nam như Indonesia, Philippines và Bangladesh đã “bật đèn xanh” là sẽ nhập khẩu gạo của Việt Nam, bởi họ đang phải chịu những yếu tố bất lợi về thời tiết dẫn đến sản lượng gạo sụt giảm đáng kể.

Dường như cơ hội trở thành “quán quân” đã thuộc về Việt Nam thế nhưng thị trường gạo lại có những diễn biến bất ngờ khi thời gian gần đây giá gạo trên thế giới không tăng giá như nhiều người vẫn tưởng.

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, yếu tố chính tạo  áp lực thay đổi thị trường trong thời gian qua là chương trình can thiệp tăng giá gạo tại Thái Lan và yếu tố này đã xảy ra nhưng tình hình có vẻ không như mong đợi, giá đã không tăng cao giống dự báo của các chuyên gia.

Lý giải tình trạng Thái Lan không thiếu gạo kể cả xảy ra lũ lụt lớn như hiện nay,  theo bà Korbsook Lansuri – cựu chủ tịch Hiệp Hội xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết, tuy Thái Lan chịu ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt nhưng từ giờ cho đến cuối năm Thái Lan không hề thiếu gạo bởi có bốn triệu tấn đang có mà thương nhân nước này nắm giữ, một triệu tấn trong nhà kho của Chính phủ, chưa kể Thái Lan sẽ có nguồn bổ sung đáng kể từ vụ mùa hai tháng sắp tới.

Kế đến là việc Chính phủ Thái Lan đang thực hiện lời hứa là sẽ mua toàn bộ số gạo trong nước với giá cao (giá bán gạo của Thái Lan trung bình là 500USD/tấn, gạo chất lượng cao là 650USD/tấn. Nếu thực hiện chương trình này, sẽ đẩy giá gạo lên khoảng từ 700 – 800 USD/tấn), mà  trước đó giá gạo Thái Lan vốn là nước có giá gạo cao nhất trên thế giới. Việc đẩy giá gạo lên  cao quá như vậy sẽ có ảnh hưởng gì đến thị trường?.

Và việc Chính phủ Thái Lan có thành công trong việc mua trợ giá lúa gạo không khi bài học trợ giá chín triệu tấn của Chính phủ trước còn đấy. Vậy nên, dù đã có quyết định thu mua toàn bộ giá gạo thì điều này cũng không giúp đẩy giá gạo trên thế giới tăng, thị trường không có biến động lớn như nhiều chuyên gia dự đoán.

Cũng theo ông  Jeremy Ziwinger – Chủ tịch kiêm tổng giám đốc Rice Trader  cảnh báo rất có thể Ấn Độ đang là một trong những “cái bẫy” đối với các nước xuất khẩu gạo khác. Bởi giá lúa gạo của Ấn Độ đang rất cạnh tranh (giá gạo của Ấn Độ thấp hơn của Thái Lan 100USD/tấn) nên khi Ấn Độ tham gia thị trường sẽ là một trong những đối thủ đáng gờm cho các nước xuất khẩu khác.

Dự đoán này hoàn toàn đúng khi Ấn Độ xuất khẩu trở lại bình thường và có đủ khả năng để bù vào khoảng trống do Thái Lan để lại, đặc biệt là gạo cấp thấp và ngay cả gạo 5% tấm với tín hiệu trúng thầu Iraq.

Tuy chưa thể ồ ạt xuất khẩu nhưng từ tháng 8 khi Ấn Độ công bố xuất khẩu trở lại gạo thông thường, thì Ấn Độ cũng đã “chi phối” thị trường gạo đặc biệt là thị trường gạo cấp thấp, nhu cầu cần gạo Việt Nam tụt giảm, chỉ đáp ứng với thị trường gần và chủ yếu là hợp đồng tập trung với Indonesia và Malaysia, nhu cầu từ thị trường xa, đặc biêt là châu Phi gần như gián đoạn, do giá cao không cạnh tranh được với giá gạo Ấn Độ nhất là gạo cấp thấp.

Dự kiến đối thủ của Việt Nam trong thời gian tới là Ấn Độ và Pakistan ở phân khúc bình dân. Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn vì giá gạo Ấn Độ và Pakistan đang thấp hơn giá gạo Việt Nam rất nhiều, trên 100 USD/tấn. Còn phân khúc cao cấp Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua Thái Lan được. Đây thực sự là những khó khăn cho thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.
 
Vậy nên, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khó đạt được mục tiêu bởi theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) lượng hợp đồng đăng ký là 6,97 triệu tấn, mới xuất được 6,3 triệu tấn. Hai tháng cuối năm các doanh nghiệp phải xuất được 700.000 tấn, tuy nhiên theo dự đoán hợp đồng thương mại đến nay gần như không còn. Và dường như việc hoàn thành mốc xuất khẩu gạo 7 triệu tấn của nước ta trong năm 2011 có nguy cơ không thành hiện thực.

 

 


Đừng xuất khẩu bằng mọi giá

 

 

Tại Hội thảo “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần II đang diễn ra tại Sóc Trăng, nhiều đại biểu đã có ý kiến chung rằng Việt Nam không nên quá coi trọng ngôi vị trong xuất khẩu gạo trong khi đó sự phát triển bền vững của ngành cũng như lợi ích của người trồng lúa vẫn chưa được đảm bảo.

 

GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết, trong năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 6,7 triệu tấn gạo, chỉ đứng sau Thái Lan (8 triệu tấn), chiếm 50% thị trường gạo toàn cầu. Đây là con số đáng ghi nhận trong cuộc chiến giành thị phần lúa gạo. Nếu tính về tốc độ tăng sản lượng, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, tuy nhiên, giá trị thu về từ hạt gạo của Việt Nam còn thua xa Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực.

 

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam khẳng định, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ tập trung nhiều vào việc nâng cao chất lượng và tăng giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả xuất khẩu và đảm bảo lợi ích của người nông dân. Để đạt được mục tiêu đó, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường hỗ trợ nghiên cứu chuyên sâu về giống, bảo vệ mùa màng, xây dựng mối quan hệ gắn kết giữa nông dân và các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu.

 

Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, nhưng theo TS. Võ Hùng Dũng, giám đốc VCCI tại Cần Thơ, Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí nhất hay nhì trong danh sách xuất khẩu gạo thế giới mà nên dành sự quan tâm đến chính sách dài hạn của chiến lược phát triển, lợi ích lâu dài của nông dân. Cũng theo các chuyên gia thì vị trí “quán quân” này chưa chắc đã đem lại siêu lợi nhuận cũng như sự giàu có sung túc cho nông dân, bằng chứng là thời gian gần đây giá lúa gạo trong nước còn cao hơn thế giới nên người dân đã không còn mặn mà với xuất khẩu.

 

TS Dũng kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục theo dõi thị trường sau khi Thái Lan thực hiện chính sách thu mua gạo để có những chỉ dẫn kịp thời, không nên quá lạc quan với kịch bản “tăng giá gạo”. Các chuyên gia cũng kiến nghị Chính phủ cũng không nên áp thuế xuất khẩu gạo mà chỉ nên thành lập quỹ hỗ trợ nông dân thông qua việc thu phí xuất khẩu.

 

Quỹ này sẽ giúp đầu tư lại cho vùng trồng lúa nhằm cải thiện cuộc sống và phúc lợi của nông dân, cũng như hỗ trợ công tác nghiên cứu. Ngoài ra, việc thu phí cũng nhằm để ngăn chặn tình trạng tăng giá quá nóng mà lợi ích có thể nằm ở các nhóm đầu cơ, nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến biến động giá cả thị trường.

 

Bàn về chính sách thu hút đầu tư trong nông nghiệp, nhiều đại biểu đề nghị không nên quá chú trọng đến yếu tố tài nguyên, lao động nhiều, giá nhân công rẻ mà phải nâng cao không ngừng yếu tố tri thức trong quản lý và sản xuất, hướng mục tiêu đến giá trị gia tăng.

 

Từ đó, tăng thu nhập cho người trồng. Bên cạnh đó, việc đầu tư của tư nhân trong nông nghiệp cần phải được thúc đẩy và khuyến khích mạnh mẽ hơn, từng bước thực hiện theo hướng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất theo hướng tập trung nhằm tiếp cận dễ dàng với cơ khí hóa, công nghiệp hóa nông nghiệp.



Tùng Lan

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo