Số hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ để chống lại khủng hoảng do Covid-19
Năm 2030, Việt Nam cần ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số để phát triển kinh tế số / Khánh Hoà: 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử vào năm 2025
Đóng góp 30 tỷ USD vào GDP Việt Nam trong 2024
Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng góp thêm từ 2,6 - 3,1 nghìn USD vào GDP của khu vực trong năm 2024. Báo cáo của Cisco nhấn mạnh, GDP của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến tăng trưởng từ 10,6 đến 14,6 nghìn tỷ USD và quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể chiếm tới 25%.
Quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng góp thêm từ 2,6 - 3,1 nghìn USD vào GDP của khu vực trong năm 2024. (Ảnh minh họa: Internet)
Có tới 16% doanh nghiệp trong nhóm đang trong giai đoạn trưởng thành số hóa, tức là có chiến lược ứng dụng công nghệ số hoặc chiến lược số hóa tích hợp và tập trung đổi mới liên tục. Năm 2019 con số này chỉ là 11%. Hơn một nửa số doanh nghiệp bắt đầu nỗ lực chuyển đổi số nhưng còn rời rạc, nhỏ lẻ. Chỉ có 31% doanh nghiệp vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và hầu như không có bất kỳ nỗ lực nào để chuyển đổi kỹ thuật số.
“Số hóa không còn là một lựa chọn mà trở thành vấn đề sống còn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại dịch Covid-19 buộc các doanh nghiệp chuyển sang ưu tiên số hóa, trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các công nghệ nhằm đảm bảo tính liên tục và khả năng phục hồi của hoạt động kinh doanh”, ông Daniel-Zoe Jimenez, Phó Chủ tịch, Giám đốc nghiên cứu chuyển đổi số và doanh nghiệp vừa và nhỏ của IDC chia sẻ.
Trong khi đó, tại Việt Nam, đa phần các doanh nghiệp vẫn thờ ơ với công nghệ. Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam cho hay, có tới hơn 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường và không nỗ lực chuyển đổi số. Hầu hết chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đứng sau Philippines và Indonesia về chuyển đổi số.
Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế tư nhân và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khối doanh nghiệp này chiếm hơn 95% tổng số doanh nghiệp và đóng góp khoảng 47% vào GDP cả nước.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhưng cũng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Chuyển đổi số hóa của các doanh nghiệp Việt sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình phục hồi và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước sau đại dịch. Lãnh đạo Cisco Việt Nam cho biết các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đóng góp tới 30 tỷ USD vào GDP trong 4 năm tới nếu thúc đẩy nhanh quá trình số hóa.
Theo Cisco, năm 2020, có 72% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số để đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, đánh dấu bước nhảy vọt so với con số 32% của năm ngoái. Ngoài ra, 72% số doanh nghiệp nhận ra sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải bắt kịp tốc độ, 46% cho biết thực hiện chuyển đổi do yêu cầu từ khách hàng.
Tuy nhiên, việc thiếu tầm nhìn, tư duy về số hóa và những thách thức trong văn hóa công ty là trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Kế đó là thiếu các công nghệ thiết yếu, sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng và dữ liệu hoạt động.
Vì sao doanh nghiệp vừa và nhỏ “thờ ơ” với chuyển đổi số?
Dù rất muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi mô hình kinh doanh, giảm bớt chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, song nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi làm việc với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ.
Thực tế, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế về tư duy, kiến thức về chuyển đổi số do chưa được đào tạo bài bản. Các khái niệm “nền kinh tế số”, “chuyển đổi số” được nhắc tới rất nhiều song không phải ai cũng hiểu biết thực sự để đưa vào ứng dụng. Đây là lý do vì sao các chuyên gia và công ty công nghệ cần hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp nắm bắt về chuyển đổi số theo hướng cầm tay chỉ việc.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin (VINASA), tỷ lệ các doanh nghiệp đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số chiếm khoảng 15%. 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn về vốn, nên thường coi chuyển đổi số là "sân chơi" của những ông lớn.
Sở dĩ có tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ thờ ơ với chuyển đổi số vì họ chưa hình dung được lợi ích của chuyển đổi số. Không rõ chi phí thế nào, cần mua sắm cái gì và lợi ích thu lại so với số tiền đầu tư khó tính toán cụ thể. Cuối cùng, chính doanh nghiệp cũng không biết bắt đầu thế nào, từ đâu.
Một chuyên gia tài chính phân tích rằng, nền tảng kỹ thuật số dựa trên 3 cấu phần: Một là hạ tầng cơ sở kỹ thuật số, bao gồm máy điện toán, Internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nhanh chóng. Hai là cơ chế, quy trình để vận hành các cơ sở đó. Ba là mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, một trong đó là thương mại điện tử. Với 3 cấu phần này, doanh nghiệp cần nắm bắt được hiện tại Việt Nam đang ở mức độ nào của quy mô hạ tầng cơ sở, thế chế đã hoàn thiện ở mức nào và mô hình kinh doanh ở đâu để có thể định vị, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư và chuyển đổi. Các nhà quản trị doanh nghiệp phải quyết tâm thoát khỏi mô hình kinh doanh truyền thống, chuyển sang mô hình kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, từ đó mới có chiến lược đầu tư cụ thể vào công nghệ và nguồn nhân lực.
Dưới một cách nhìn khác, để tiến hành số hóa, doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức, lấy dữ liệu làm nền tảng, thay đổi cơ bản cách vận hành doanh nghiệp. Cần tập trung phân tích dữ liệu để tăng năng suất, quản trị hiệu quả, gia tăng trải nghiệm khách hàng nhằm cải thiện năng lực hành động và phản ứng kịp thời để tồn tại và phát triển.
Cần một "cú hích" từ chính sách
Đánh giá về tình hình số hóa của doanh nghiệp, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng các doanh nghiệp đều ủng hộ mạnh mẽ mục tiêu của Chính phủ trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển Internet và nền kinh tế số tại Việt Nam, đồng thời đảm bảo an ninh dữ liệu và bảo vệ người dùng.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, cho rằng, nhu cầu sử dụng thiết bị, máy móc hiện đại của người dân ngày càng tăng, đó chính là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số. Các doanh nghiệp cần chớp thời cơ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số đang đưa đến để tạo đà bứt phá, hướng đến phát triển bền vững.
Theo các chuyên gia, muốn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ ở bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và những doanh nghiệp lớn. Cụ thể, Chính phủ hay các doanh nghiệp lớn cần xây dựng cơ chế tư vấn, hỗ trợ để giúp doanh nghiệp nhỏ tìm hiểu, đưa ra lời khuyên miễn phí để công nghệ đi vào sản xuất. Việt Nam nên tổ chức những cuộc thi hàng năm để tìm ra những nhà sản xuất tốt nhất, công nghệ, nhân lực giỏi nhất. Đây là cách để mọi người hiểu rằng công nghệ số đang hiện diện, những kỹ sư trẻ có cơ hội tốt để nâng cao kinh nghiệm trong sản xuất. Không thể bỏ qua sự phát triển nguồn nhân lực.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến câu chuyện chính sách. Cách mạng 4.0 tác động đáng kể làm chuyển dịch nền kinh tế số trên toàn cầu. Nếu Việt Nam điều chỉnh chính sách phù hợp sẽ giúp tăng cường tác động của kinh tế số, tạo ra nhiều việc làm. Những sáng kiến, dự án lớn được đưa ra cần đảm bảo Chính phủ sử dụng những công nghệ, hạ tầng hiện đại nhất.
Một vấn đề quan trọng nữa là phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Chuyển đổi số là một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh hiệu quả, nhưng để làm được điều đó Nhà nước cần tạo ra khung khổ cho doanh nghiệp tự do lựa chọn bằng việc cải cách thể chế. Thể chế tốt phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và môi trường chính sách ổn định, có tính cạnh tranh cao để doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo