Thị trường

'Vựa nông sản' miền Tây trước 'bài toán' hạn, mặn

80.600ha đất trồng cây ăn trái ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thể bị ảnh hưởng nếu hạn, mặn kéo dài đến hết tháng 3 này. Giải pháp nào để “vựa nông sản” của cả nước thích ứng với biến đổi khí hậu vẫn là bài toán nan giải.

Vì đâu xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn tăng bất chấp Covid-19? / HDBank gia tăng trải nghiệm cho khách hàng với ví TrueMoney

Tính đến những ngày đầu tháng 3 đã có 5 tỉnh ở miền Tây Nam Bộ là Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn.

Lo cho cây ăn trái

Nhưng thiệt hại do hạn, mặn mới là điều đáng bàn ở “vựa nông sản” Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đơn cử như tại Bến Tre, khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt, dự kiến hơn 5.000ha lúa vụ 3 sẽ bị mất trắng và khoảng 20.000ha cây ăn trái đang “báo động đỏ”.

Các nhà vườn ở ĐBSCL lo bị ảnh hưởng hạn, mặn

Các nhà vườn ở ĐBSCL lo bị ảnh hưởng hạn, mặn

Một HTX bưởi da xanh ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết khoảng một nửa diện tích trong 50ha của HTX đang đứng trước nguy cơ bị chết vì nước mặn tràn vào. Với những cây bị chết, thành viên HTX sẽ phải mua cây giống để trồng lại, cần đợi ít nhất là 3 năm mới có thu hoạch.

Có những thông tin cho rằng nhờ thực hiện nhiều giải pháp nên diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn ở ĐBSCL chỉ khoảng 23.000ha (trong đó, thiệt hại từ trên 70% là khoảng 3.500ha, cùng kỳ năm 2015-2016 thiệt hại là 150.000ha), còn các loại cây ăn trái về cơ bản vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nông nghiệp khẳng định, nếu hạn, mặn kéo dài đến hết tháng 3/2020 thì diện tích có khả năng bị ảnh hưởng là hơn 80.600ha (tương đương 23% tổng diện tích cây ăn trái của toàn vùng là 370.000ha) của một số huyện thuộc 8 tỉnh ven biển ở ĐBSCL.

Vấn đề đặt ra là trước tình hình hạn, mặn ở ĐBSCL vốn đã đề cập khá nhiều trong vài năm trở lại đây, giải pháp nào để thích ứng đối với lĩnh vực nông lâm thuỷ sản của vùng - vốn chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước?

 

Theo thống kê, ĐBSCL chiếm khoảng 80% giá trị xuất khẩu gạo và gần 60% giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Riêng diện tích trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL hiện chiếm khoảng 58% diện tích ở miền Nam.

PGS.Ts Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, từng đưa ra một so sánh là 13 tỉnh ở Thái Lan cũng bị hạn mặn như ĐBSCL nhưng không lấy điều đó làm lớn chuyện, mà học cách sống chung với nó.

Điều quan trọng, theo ông Tuấn, là cần tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng với hạn, mặn; nhất là cần rà soát lại các quy hoạch phát triển xem có thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để điều chỉnh cho phù hợp.

Còn theo Ts. Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, những năm gần đây, ở ĐBSCL nhiều diện tích đất sản xuất bị mất do thiếu quy hoạch và đô thị hóa. Từ năm 2008 đã giảm còn khoảng 1,85 triệu ha và sẽ còn giảm nhiều hơn do ảnh hưởng đô thị hóa. Điều quan trọng hơn, theo dự đoán tác động biến đổi khí hậu, đến năm 2050 có khoảng 31% đất của vùng bị ảnh hưởng.

Thích ứng “không hối tiếc”

 

Theo ông Bảnh, trong quá trình tái cơ cấu trong sản xuất, ngành nông nghiệp có chủ trương giảm diện tích trồng lúa ở vùng ĐBSCL. Tuy vậy, trồng cây gì lại là một vấn đề, từ khâu giống, canh tác, cơ giới hóa cho đến xử lý sau thu hoạch, quan trọng là thị trường, thu nhập…

Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL trong bối cảnh hạn, mặn cần phải quan tâm liên kết vùng, tùy đất đai thổ nhưỡng từng vùng sinh thái, chứ không phải nơi nào trồng lúa nước được thì dễ dàng trồng những loại cây khác, giá thành sản xuất và tiêu thụ ở đâu là vấn đề lớn.

Theo giới chuyên gia, tầm nhìn dài hạn và bức xúc trước mắt cho một ĐBSCL phát triển an toàn, trù phú và bền vững trước tác động xấu của thiên tai và nhân tai đang đòi hỏi phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp cũng như tăng cường liên kết vùng.

Cũng cần nhắc lại những lưu ý của Ngân hàng Thế giới (WB) về ngành nông nghiệp Việt Nam trước ảnh hưởng đáng kể bởi biến đổi khí hậu do mực nước biển dâng, xâm nhập mặn. Đó là nếu không có những giải pháp thích ứng đồng bộ thì những thay đổi này sẽ làm tăng rủi ro và ảnh hưởng đến sản lượng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Vì thế, WB cho rằng Nhà nước cần gấp rút nâng cao năng lực của ngành nông nghiệp để đối phó với cả những thách thức trước mắt do biến đổi khí hậu mang lại (như xâm nhập mặn, nhiệt độ tăng, khan hiếm nước vào mùa khô, tăng cường rủi ro ngập lụt và thời tiết bất lợi tăng...) và tình trạng bất trắc, khó lường của biến đổi khí hậu (liên quan đến lượng mưa, sâu bệnh, dịch hại).

 

Trên thực tế, những bất trắc đi liền với hạn, mặn ở ĐBSCL cho thấy cần phải tăng cường kết hợp ít nhất 3 mô hình bổ trợ lẫn nhau trong khâu quy hoạch thích ứng và các chiến lược khác về nông nghiệp thông minh với khí hậu.

Đó là ĐBSCL cần áp dụng quản lý thích ứng, nâng cao năng lực học tập, đổi mới sáng tạo trong các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân, ưu tiên chiến lược thích ứng “không hối tiếc”.Đặc biệt là nên đầu tư cho nghiên cứu, khuyến nông nhằm lai tạo, phổ biến các giống cây trồng, vật nuôi mới có khả năng thích ứng với điều kiện như tình trạng hạn, mặn hiện giờ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm