Anh gia nhập CPTPP: Cơ hội ưu đãi thuế quan cho doanh nghiệp Việt Nam
DNVN - Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, không có nguy cơ quá lớn với doanh nghiệp (DN) Việt Nam về gia tăng cạnh tranh khi Anh gia nhập CPTPP. Ngược lại, ở góc độ nào đó việc Anh gia nhập CPTPP còn tạo điều kiện cho các DN Việt Nam trong việc tận dụng nhiều hơn ưu đãi thuế quan.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng liên tiếp, gạo Thái Lan giảm khá sâu / Thủ tướng chỉ đạo khẩn về việc doanh nghiệp xuất khẩu điều có nguy cơ bị lừa đảo
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, việc Anh nộp đơn gia nhập CPTPP cũng đồng nghĩa với việc mở cửa thị trường cho tất cả 11 quốc gia thành viên CPTPP.
Hiện Vương quốc Anh đang thực hiện các bước đi cụ thể để đàm phán cho việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi được sự đồng ý của các nước thành viên CPTPP về việc đàm phán gia nhập hiệp định này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI cho biết, việc Anh tham gia vào CPTPP được dự đoán từ trước. Đối với hiệp định này, ngay từ khi đàm phán khi nhìn vào các điều khoản, có thể thấy CPTPP được thiết kế theo tính mở nhằm chào đón các thành viên, qua đó tạo ra khu vực tự do thương mại chung rộng lớn nhất có thể. Từ đó chia sẻ giá trị và cam kết tự do hóa của các thành viên sẵn sàng cho việc mở cửa cũng như sẵn sàng cho các tiêu chuẩn của CPTPP.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, không có nguy cơ quá lớn về việc gia tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt khi Anh gia nhập CPTPP.
"Ngay sau khi rời khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu (EU), Anh đã quan tâm ngay đến việc tìm hiểu các thông tin liên quan đến CPTPP, xem xét lợi ích và tác động đối với việc gia nhập hiệp định này. Do đó, chúng tôi không ngạc nhiên khi Anh tham gia CPTPP", bà Trang chia sẻ.
Bà Trang thông tin, hiện VCCI đang đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam nêu ý kiến trong đàm phán mở cửa với Anh trong CPTPP.
Về lý thuyết, khi có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh có FTA với Anh thì rõ ràng cạnh tranh của Việt Nam trong thị trường Anh với những đối thủ này sẽ khó khăn hơn. Nhưng cũng cần nhìn nhận lại, đối với CPTPP không có nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trên thị trường Anh với những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.
Chẳng hạn như Mexico có cạnh tranh với Việt Nam nhưng không phải ở mức quá gay gắt. Còn những nước hiện đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trong những khía cạnh Việt Nam có lợi thế tại thị trường Anh thì họ chưa là thành viên của CPTPP. Những thành viên trong ASEAN chẳng hạn như Singapore, Malaysia hay Bruney sẽ không có cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.
"Cho nên từ góc độ nhìn cụ thể những đối thủ trong CPTPP, chúng tôi không nhìn thấy nguy cơ quá lớn về việc gia tăng cạnh tranh cho DN Việt Nam khi Anh gia nhập CPTPP. Ngược lại, ở góc độ nào đó việc Anh gia nhập CPTPP còn tạo điều kiện cho các DN Việt Nam trong việc tận dụng nhiều hơn ưu đãi thuế quan, bởi CPTPP là một khối rộng lớn", bà Trang nêu.
Ví dụ về quy tắc xuất xứ, đâu đó sẽ dễ dàng hơn là chỉ có Việt Nam và Anh trong UKVFTA. Về cơ bản, việc Anh gia nhập CPTPP sẽ là cơ hội lớn cho DN Việt Nam, tạo thêm cho Việt Nam cơ hội gia tăng quan hệ thương mại hai chiều giữa Việt Nam và UK. Thay vì chỉ có 1 con đường hiện nay là UKVFTA, chúng ta có thêm nhiều con đường để các DN lựa chọn cho phù hợp nhất.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo