Thị trường

Ảnh hưởng bởi Covid, giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài chỉ đạt 13,1%

DNVN- Do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.

Phó thủ tướng sốt ruột với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công quá chậm / Bộ trưởng Bộ KH&ĐT ra công văn hỏa tốc thúc giải ngân vốn đầu tư công

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức sáng 25/6.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, tính đến 24/6, giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao. Công tác giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài từ năm 2019 chuyển sang năm 2020 đạt khoảng 7.198 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước có dấu hiệu tốt hơn (tăng 3,6 lần so với số 2.050 tỷ đồng cùng kỳ năm trước). Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đạt được vẫn còn rất thấp vì nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều dự án bị đình trệ triển khai, các chuyên gia nước ngoài cũng không thể vào Việt Nam để hỗ trợ triển khai dự án.
Một số cơ chế, chính sách mới được ban hành, như Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý vốn ODA và vốn vay ưu đãi có hiệu lực từ 25/5/2020, thay thế Nghị định 16/2016/NĐ-CP và Nghị định 132/2018/NĐ-CP). Cơ chế, chính sách mới có nhiều thay đổi. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án chưa cập nhật hết các cơ chế, chính sách mới.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là do công tác triển khai thực hiện dự án của các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 được giao rất sớm, từ đầu năm. Đến nay, một số bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hết, chưa nhập đủ vào hệ thống Tabmis. Tỷ lệ nhập dự toán trên Tabmis chi tiết theo dự án so với kế hoạch vốn được giao của các cơ quan đạt 85,2% (48.286 tỷ đồng). Trong đó, các bộm ngành đạt 82,5% (15.030 tỷ đồng); các địa phương đạt 86,4% (33.256 tỷ đồng).
Bên cạnh đó là những khó khăn do điều chỉnh chủ trương đầu tư, kể cả tổng mức đầu tư cũng như cơ cấu vốn, thời gian thực hiện; khó khăn liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư…
Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân vốn đầu tư công có nguồn nước ngoài, từ nay đến cuối năm còn rất nặng. Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2020 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng nặng nề, nếu giải ngân vốn đầu tư công tốt thì sẽ góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như thực hiện các nhiệm vụ ngân sách nhà nước. Vì vậy, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị này để tìm giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn nước ngoài.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có nguồn nước ngoài thời gian tới liên quan tới cơ chế, chính sách; phân bổ nguồn vốn đầu tư công; cách thức đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc triển khai dự án, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư đến triển khai thực hiện, giải ngân, thanh toán; biện pháp cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân vốn đầu tư công, phối kết hợp giữa cơ quan chủ quản, ban quản lý dự án, Bộ Tài chính và nhà tài trợ để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài…
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm