Thị trường

Bình Dương: Nhiều mặt hàng chủ lực xuất khẩu tăng trưởng cao

Với sự hỗ trợ của ngành Công Thương Bình Dương, trong 11 tháng năm 2019, kinh tế Bình Dương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đặc biệt có nhiều mặt hàng chủ lực của Bình Dương có giá trị xuất khẩu tăng cao như: gỗ, giày dép, dệt may, linh kiện điện tử, gốm sứ….

Xuất khẩu cá ngừ: Kim ngạch giảm, thị trường tăng / Xuất khẩu 11 tháng năm 2019: Doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng

Xuất siêu đạt gần 7 tỷ USD

Thời gian qua, Bình Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa và liên tục xuất siêu nhiều năm liền.

Bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - cho biết, việc triển khai các nhóm giải pháp của Chính phủ, Bộ Công Thương nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng tiếp tục phát huy hiệu quả. Đồng thời, việc xóa bỏ rào cản thuế quan theo lộ trình của Hiệp định CPTPP kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của Việt Nam XK. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Bình Dương trong 11 tháng năm 2019 tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.

binh duong nhieu mat hang chu luc xuat khau tang truong cao

Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và liên tục xuất siêu nhiều năm liền

Cụ thể: so với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch XK của Bình Dương trong năm 2019 ước tăng 15,6%, đạt 27 tỷ 766 triệu USD, đạt 100% so với kế hoạch năm 2019 và kim ngạch nhập khẩu ước tăng 10,6%, đạt 20 tỷ 795 triệu USD; Xuất siêu ước đạt gần 7 tỷ USD.

Sản phẩm hàng hóa của Bình Dương đến nay đã XK qua gần 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số mặt hàng XK chủ lực của tỉnh có mức tăng khá như: Giày dép ước đạt 3,1 tỷ USD tăng 16,5% so cùng kỳ; hàng dệt may ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 15,5% so cùng kỳ…

Đặc biệt, trong các ngành hàng chủ lực, ngành gỗ vẫn là ngành hàng có kim ngạch XK dẫn đầu với hơn 3,26 tỷ USD, tăng 16% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 11,6% tổng kim ngạch XK của tỉnh Bình Dương. Kết quả này cho thấy việc đa dạng hóa thị trường XK, tận dụng các cơ hội trong hội nhập đã được các DN trong nước thực hiện tốt.

Các hiệp hội ngành hàng Bình Dương cho biết, hiện thị trường hàng hóa XK chính là Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt. Theo ông Berend Van Wel, Tổng giám đốc - Công ty Friesland Campina Việt Nam (Bình Dương), từ đầu năm 2019 đến nay, hoạt động XK của công ty ổn định và tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018. Thời gian tới, công ty tiếp tục đổi mới, cải tiến chất lượng và mẫu mã sản phẩm và đẩy mạnh XK.

Theo ghi nhận, để đạt được kết quả nói trên, ngoài việc lớn mạnh về quy mô cấu trúc DN, các ngành hàng của Bình Dương còn đẩy mạnh đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất tiên tiến của các nước trên thế giới, từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng, đáp ứng tốt đơn hàng của đối tác.

 

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hỗ trợ DN xuất khẩu

Để hỗ trợ nào cho doanh nghiệp tiếp cận và tận dụng lợi thế từ các các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)… bà Nguyễn Thanh Hà cho biết, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1156/QĐ-UBND tháng 5/2019 về việc phê duyệt nội dung Chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 của tỉnh Bình Dương.

binh duong nhieu mat hang chu luc xuat khau tang truong cao

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương tiếp tục tăng trưởng cao

Bên cạnh đó, nhằm tận dụng và khai thác hiệu quả những lợi thế từ Hiệp định CPTPP, Sở Công Thương đã tham mưu UBND Bình Dương ban hành Quyết định số 1229/QĐ-UBND ngày 14/5/2019 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đã cụ thể hóa các nhiệm vụ và phân công cho các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ 5 nhiệm vụ như: tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến thông tin về các hiệp định; hoàn thiện pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…

Song song đó, Ngành Công Thương Bình Dương cũng tích cực tham mưu cho tỉnh thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics để hỗ trợ XK; thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, xuất nhập khẩu và thu - hoàn thuế của DN…

 

Đặc biệt, Sở Công Thương đang xây dựng Đề án nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ, tri thức trong các sản phẩm XK chủ lực (cơ khí, điện tử, dệt may, gốm sứ) và dịch vụ (logistics và đào tạo nguồn nhân lực). Khi Đề án được phê duyệt sẽ giúp các DN của Bình Dương nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng công nghệ tri thức, giúp đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xừ của các hiệp định. Qua đó tận dụng được các ưu đãi về thuế, giúp gia tăng kim ngạch XK cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa XK.

Việc ký kết thành công các Hiệp định FTA thế hệ mới được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các DN Bình Dương XK mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày, gốm sứ, nông sản... trong thời gian tới, khi EU xóa bỏ phần lớn các dòng thuế NK.

Năm 2020, Sở Công Thương Bình Dương sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra:

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,55% so cùng kỳ; Giá trị gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 15,8% so cùng kỳ; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,9% so cùng kỳ; Kim ngạch XK tăng 15% so cùng kỳ 2019.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm