Bộ NN-PTNT đề nghị các tỉnh vào cuộc tháo gỡ ách tắc cho ngành nông sản trọng điểm
Cách nào để biến hàng trăm triệu tấn "rác" nông nghiệp thành tiền? / TP Hồ Chí Minh: Hàng quán chưa mở lại do thiếu nguyên liệu là chưa chính xác
Báo cáo tại Hội nghị thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/9/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) cho biết, nhìn chung sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm 2021 cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là trong khâu lưu thông, vận chuyển sản phẩm nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp để chuẩn bị cho vụ sản xuất tiếp theo, đảm bảo cung ứng đủ cho tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022 và một phần cho xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Đối với xuất khẩu nông sản, nhìn chung, 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 32,13 tỷ USD nhờ những nỗ lực, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ ngành. Đặc biệt là sự nỗ lực, chủ động vượt khó của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng xu hướng phục hồi các hoạt động, dịch vụ, tiêu dùng từ các thị trường trọng điểm (Hoa Kỳ, EU) do tỷ lệ tiêm vaccine cao. Tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu nông sản cả năm 2021 khoảng 44 tỷ USD như kế hoạch đặt ra là một thách thức rất lớn nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các ngành hàng nông nghiệp trọng điểm đều gặp khó khăn
Trong báo cáo sáng 13/9, Bộ NN-PTNT cũng nêu ra một số khó khăn của một số ngành hàng nông nghiệp trọng điểm. Cụ thể:
Đối với ngành trồng trọt, tình hình thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được các Bộ ngành, địa phương tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn mua, vận chuyển, chế biến, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn như tồn đọng lúa gạo do các doanh nghiệp khó khăn trong chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ, dẫn đến tiêu thụ chậm, giá lúa giảm. Giãn cách xã hội tác động tiêu cực tới ngành hàng cây ăn quả như giảm sức mua, tiêu thụ nội địa, xuất khẩu khó khăn, một số vùng thương lái ngừng thu mua do không tiếp cận được vùng sản xuất, phương tiện vận chuyển thiếu, chi phí cao, thị trường Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, các thị trường khác thiếu tàu vận chuyển, container... dẫn đến giá trái cây thấp, một số nơi có tình trạnh thừa ế không tiêu thụ được.
Trong lĩnh vực trồng trọt nhiều hộ nông dân khu vực phía Nam, vùng thực hiện giãn cách xã hội thiếu tiền vốn để mua giống, vật tư, thuê nhân công, máy móc phục vụ sản xuất, người dân không mặn mà sản xuất các vụ tiếp theo hoặc không đủ tiền đầu tư cho tái sản xuất dẫn đến kế hoạch sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 không đảm bảo, rất có thể dẫn đến thiếu hụt lương thực, thực phẩm nếu không có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp.
Đối với ngành chăn nuôi, khâu giết mổ, chế biến hoặc sơ chế chịu sự quản lý chặt về điều kiện sản xuất, gây tắc nghẽn hoạt động sản xuất kinh doanh; phát sinh các chi phí chăn nuôi khi không xuất chuồng được; giá thức ăn chăn nuôi (chiếm 65-70% giá thành sản phẩm) và thuốc thú y ngày một tăng cao. Mức độ tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm (ngoại trừ mặt hàng trứng gia cầm) gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm giảm nhiều (khối khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, khách sạn, nhà hàng không hoạt động; một số nhà máy giết mổ, chế biến có người bị mắc COVID-19 phải đóng cửa...) đặc biệt là Hà Nội và TPHCM. Mức độ tiêu thụ thực phẩm giảm mạnh từ 30 - 40%, có loại giảm tới 70% như gà công nghiệp. Trang trại và hộ chăn nuôi hạn chế tái đàn vì giá tiêu thu sản phấp thấp, giá đầu vào tăng, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong nước về thực phẩm vào các tháng cuối năm. Một số sản phẩm giống không được lưu thông, như gia súc ở 14 tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long không cho vận chuyển, sẽ rất khó khăn cho việc phối giống để tái đàn trong giai đoạn sắp tới.
Đối với ngành thủy sản, vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có 30% doanh nghiệp chế biến thủy sản phía Nam hoạt động với công suất trung bình giảm còn 30-35%; nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến, xuất khẩu chỉ đạt 40-50% so với nguồn nguyên liệu bên ngoài. Hiện tại, có 15 nhà máy thức ăn cho thủy sản, 120 nhà máy chế biến thủy sản có ca F0 phải dừng hoạt động.
Dự báo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất những tháng cuối năm thiếu hụt 20-30% do giảm khai thác, thả giống, nhập khẩu; vật tư phục vụ chế biến thu hẹp, giảm công suất nguồn cung đến 50%.
Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gẫy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ.
Đối với ngành chế biến gỗ, hiện nay, ngành chế biến gỗ có trên 5.700 doanh nghiệp chế biến, trong đó có khoảng 2.100 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Theo báo cáo nhanh của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đến thời điểm này đã có hơn 50% doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương) phải ngừng và giảm sản xuất do phải giãn cách, thiếu hụt lao động, chi phí sản xuất tăng (chi phí xét nghiệm vắc xin, chi phí logistic, chi phí duy trì “3 tại chỗ” ).
Nhiều loại trái cây ở miền Nam đến vụ thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được. Ảnh minh họa: Internet
Đề nghị các tỉnh, thành tìm cách tháo gỡ ách tắc, tìm đầu ra cho nông sản
Trước tình hình trên, Bộ NN-PTNN đã đưa ra một loạt kiến nghị, trong đó kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Cụ thể, về sản xuất nông nghiệp: Duy trì theo dõi, dự báo và lập kế hoạch sản xuất, tiêu thụ nhằm đảm bảo tăng trưởng ổn định, điều tiết được cung cầu hàng hóa nông sản phục vụ tại chỗ và cung cấp cho các tỉnh thành. Rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo (giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư) để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho 100% nhân sự hoạt động trong thu hái, đóng gói, cơ sở chế biến nông sản.
Về lưu thông: Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết triệt để ách tắc trong vận chuyển vật tư, thiết bị đầu vào để sản xuất nông nghiệp và sản phẩm đầu ra của các cơ sở sản xuất, chế biến tại các tỉnh/thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tạo điều kiện cho lực lượng dịch vụ vận chuyển và người lao động trong các cơ sở sản xuất và nhà máy sản xuất chế biến lương thực, thực phẩm thiết yếu, người lao động tại các cơ sở chăn nuôi, chế biến giết mổ, sản xuất thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... được tiếp cận và tiêm vaccine phòng COVID-19 sớm nhất có thể để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn giản hóa các thủ tục để hàng hóa nông sản được lưu thông thuận lợi trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ cho chủ xe, lái xe, phương tiện giao thông để giảm chi phí vận chuyển tạo điều kiện cho tiêu thụ nông sản được thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện đưa các xe vận chuyển nông sản theo luồng xanh để thuận lợi cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp.
Về tiêu thụ nông sản: Đề nghị tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, bà con nông dân thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý chặt chẽ đối với lái xe, người đi cùng phương tiện từ vùng trồng, vùng sản xuất, cơ sở chế biến chở hàng tiêu thụ, xuất khẩu tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Tích cực thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 8/2/2021 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương. Quy hoạch và thu hút đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics nông sản, kho lạnh nhằm phân loại, bảo quản, sơ chế, nâng cao giá trị và giữ được chất lượng nông sản, thủy sản, trái cây tươi trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Về xuất khẩu nông sản: Các địa phương biên giới có cửa khẩu đất liền chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, hướng dẫn địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về kho bãi, bảo quản hàng hóa nông sản, dịch vụ vận tải, hậu cần thương mại tại cửa khẩu. Thành lập kho ngoại quan, kho bảo quản, dịch vụ thương mại điện tử tại các cửa khẩu thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ hàng hóa nông sản xuất khẩu. Chủ động cập nhật kịp thời với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng về tình hình hoạt động biên mậu, chính sách thương mại nông sản áp dụng của các địa phương biên giới của Trung Quốc. Phối hợp thông tin kịp thời cho các địa phương có vùng trồng, giảm tải phân luồng tránh ùn tắc xe vận chuyển nông sản. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo thông quan xuất khẩu nông sản trong mọi tình huống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo