Thị trường

Cần cơ chế đột phá để thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới

DNVN - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong ngành công thương chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo trầm lắng do hạn chế nguồn cung / Thủ tướng Chính phủ: Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững

Xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương sáng ngày 20/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023 được nhận định là đỉnh điểm khó khăn, xuất nhập khẩu trầm lắng, kéo theosản xuất công nghiệp khó khăn.

Tuy nhiên, ngành công thương đã nỗ lực từng bước vượt qua thách thức, đạt những kết quả tương đối khả quan. Trong đó, giá trị gia tăng ngành công nghiệp ước cả năm tăng 2,98%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh...

Với việc tích cực tranh thủ cơ hội từ sự phục hồi của các thị trường lớn, truyền thống, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 328,5 tỷ USD.


Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo Bộ Công Thương chủ trì hội nghịtổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành công thương.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể”, Thứ trưởng đánh giá.

Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (tăng 8-9%)…

Còn nhiều tồn tại

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý III trở lại đây. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.

Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng.

Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thúc đẩy các mô hình kinh doanh mới

Triển khai nhiệm vụ năm tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành khẩn trương tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, cơ chế chính sách có vai trò quan trọng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ động đề xuất với cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp tập trung giải quyết các “điểm nghẽn” và tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, nhất là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngoài ra, cần tăng cường thực thi hiệu quả các giải pháp kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đáp ứng yêu cầu tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…

Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm