Thị trường

Cẩn trọng khi can thiệp thị trường vàng

DNVN - Can thiệp thị trường vàng cần thiết đến mức nào là một bài toán không đơn giản trong việc cân đong giữa nhiều biến số quan trọng như nguồn dự trữ ngoại hối, tỷ giá, lãi suất…

Thị trường vàng một năm “đầy kịch tính” / Thị trường vàng bớt nhiệt, đồng USD giảm sau quyết định của Fed

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá vàng tháng 2 tăng 2,01% so với tháng trước; tăng 4,6% so với tháng 12/2023; tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng hơn 16%.

Chỉ số giá USD tháng 2 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng hơn 0,9% so với tháng 12/2023; tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3,8%.

Trong mấy ngày qua, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều tăng mạnh, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tại thời điểm sáng ngày 7/3, giá vàng miếng SJC 9999 bán ra ghi nhận ở mức 81 triệu đồng/lượng còn giá vàng nhẫn SJC 9999 bán ra cũng đã lên tới 68 triệu đồng/lượng.

Trong mấy ngày qua, giá vàng miếng và vàng nhẫn đều tăng mạnh, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Một trong những lý do khiến giá vàng trong nước liên tiếp cán các mốc kỷ lục mới có phần ảnh hưởng từ giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới sau nhịp tăng mạnh đầu tuần trước đã tiếp tục nóng thêm trong những ngày gần đây và đến sáng ngày 7/3 theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới đã đạt mốc lên 2.145 USD/ounce.

Vàng tăng do một số dự báo về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện lộ trình giảm lãi suất trong thời gian tới dẫn tới dòng tiền có thể chuyển dịch sang đầu tư vàng. Mặc dù giá vàng thế giới đã tăng khá mạnh, nhưng thực tế giá vàng trong nước vẫn luôn cao hơn giá vàng thế giới.

Cụ thể, với mức giá thế giới 2.145 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá của VND/USD, thì giá vàng thế giới tương đương khoảng gần 63 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng nhẫn trong nước sáng 7/3 được bán ra cao hơn khoảng 5 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, còn giá vàng miếng cao hơn khoảng 18 triệu đồng/lượng.

Tình trạng giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới từng là vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức 74 phiên đấu thầu vàng, qua đó cung ứng ra thị trường 1.785.200 lượng vàng, tương đương hơn 68,6 tấn vàng.

Lượng cung vàng này vào thị trường đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, góp phần ổn định thị trường vàng. Không những thế, ngân sách Nhà nước cũng thu được một lượng tiền lớn từ hoạt động đấu thấu vàng thời kỳ đó.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tài chính, đấu thầu vàng cũng chưa thực sự là một giải pháp tối ưu bởi những ảnh hưởng phụ của nó có thể xảy ra. Để có vàng đấu thầu, NHNN phải chi ngoại tệ nhập khẩu vàng nguyên liệu, sau đó dập thành vàng miếng đưa ra đấu thầu. Điều này đồng nghĩa một lượng ngoại tệ không nhỏ trong quỹ dự trữ ngoại hối sẽ phải chi ra để phục vụ cho việc nhập khẩu vàng.

Không ít chuyên gia cảnh báo, việc chi ngoại tệ nhập khẩu vàng rất có thể gây ra các ảnh hưởng liên quan khác. Ví dụ như tỷ giá có thể tăng, kéo theo lãi suất cũng bị ảnh hưởng theo. Việc can thiệp thị trường vàng cần thiết đến mức nào là một bài toán không đơn giản trong việc cân đong giữa nhiều biến số quan trọng như nguồn dự trữ ngoại hối, tỷ giá, lãi suất.

Nếu cho phép tổ chức thị trường này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển về việc coi vàng như sản phẩm tài chính có thể dẫn tới hành vi đầu cơ nào. Từ đó, nhận diện, đưa ra các giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro, vận hành thị trường vàng hiệu quả.

Bàn về giải pháp ứng xử với tình trạng sốt giá vàng, ông Huỳnh Trung Khánh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGAT), cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc phát hành chứng chỉ chứng nhận vàng đã thông dụng ở một số nước.

Thay vì giữ vàng vật chất thì chứng chỉ chứng nhận vàng sẽ giúp người dân chỉ cần giữ vàng giấy đó và có thể trao đổi trên sàn giao dịch. Điều này cũng tạo tiền đề cho việc hình thành sàn giao dịch vàng hiện đại trong tương lai. NHNN sẽ trả phí cho việc huy động này.

Theo GS,TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, việc người dân lựa chọn tích trữ vàng với mục tiêu vừa để đầu cơ, vừa làm phương tiện trú ẩn dẫn tới một khối lượng vàng lớn "nằm chết" trong dân. Do đó, cần sớm triển khai các biện pháp huy động vàng trong dân.

Sự huy động này sẽ biến vàng thành tiền để phục vụ nền kinh tế. Các cơ quan chức năng phải có chính sách gửi vàng như gửi tiết kiệm thì mới huy động được.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm