Chính sách

Chuỗi lao động đã đứt gãy, nan giải bài toán kéo công nhân trở lại thành phố

DNVN - Gần 1 triệu người trong độ tuổi lao động đã quyết định rời phố về quê. Chuỗi cung ứng lao động của các doanh nghiệp đã thực sự đứt gãy chứ không còn là nguy cơ. Giải pháp thu hút lao động ngược trở lại các khu công nghiệp và các TP lớn là vấn đề rất nan giải hiện nay khi người lao động đã có tâm lý lo ngại, nghi ngờ và lưỡng lự.

Dự thảo Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính: Nặng về kiểm kê, kiểm soát / Luật sư Trương Thanh Đức: Bắt các sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán là trái luật

Lao động ồ ạt rời phố về quê
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nguồn cung lao động cho thị trường trong quý III/2021 giảm sâu do lao động quay trở về quê dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn quốc cho thấy trong số 22.764 doanh nghiệp có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ, với 30,6%. Một số ngành báo cáo có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).
Đáng chú ý, số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 12/10 cho thấy, tính từ ngày 7/9 đến ngày 15/9, cả nước có 1,3 triệu người, trong đó 930.000 người từ 15 tuổi trở lên, rời các tỉnh, thành có dịch về quê. Trong số này, có khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP Hồ Chí Minh và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.

Lao động ồ ạt rời phố về quê. (Ảnh: Zingnews)
Trong số 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương có khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách; và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh hay còn đang đi học...
Lao động rời thành phố lớn, trung tâm công nghiệp về các vùng quê diễn ra liên tục từ tháng 7 đến nay. Tuy nhiên, số liệu thống kê lần này chưa tính đến dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách.
Chuỗi lao động đã đứt gãy
Tại Đối thoại trực tuyến “Chung chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may – da giày Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) bày tỏ lo ngại về nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động của các doanh nghiệp dệt may và da giày - hai ngành vốn sử dụng nhiều lao động.
"Tâm lý lo sợ lây nhiễm COVID-19 cùng với đời sống khó khăn, do không đi làm, không có thu nhập, đã khiến hàng triệu người lao động rời bỏ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... về quê và không ít trong số đó là công nhân dệt may, da giày. Chuỗi cung ứng dệt may, da giày lại một lần nữa có nguy cơ đứt gãy. Đây là bài toán khó cho các DN dệt may, da giày khi bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất theo chủ trương mới của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thay cho chủ trương “Không có COVID-19”", Tổng thư ký VITASS nhấn mạnh.
Trong khi đó, đánh giá và chuỗi cung ứng lao động tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho rằng, thực ra bức tranh về thị trường lao động quý III/2021 cơ bản đã thể hiện sự đứt gãy.
"Chuỗi cung ứng lao động của các DN đã đứt gãy rồi chứ không phải là nguy cơ đứt gãy nữa. Vì thiếu hụt lao động, lao động không làm việc được dù có nhu cầu, sự đứt gãy đã thể hiện trong báo cáo tình hình lao động - việc làm quý III vừa qua", bà Mai nhấn mạnh.
Kiệt quệ nhưng người lao động (NLĐ) vẫn kéo về quê
Lý giải việc lao động ồ ạt di chuyển từ các trung tâm công nghiệp về quê trong khi vừa mất thu nhập nhưng không ở lại kiếm tiền, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đưa ra 2 lý do.
Thứ nhất, NLĐ trở về quê thời gian vừa qua đa số là LĐ làm việc ở khu vực phi chính thức và chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn nên quyền lợi không đảm bảo khi bị thất nghiệp. Trong tình thế như vậy, họ buộc phải về quê.

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.
Thứ hai, tất cả các địa phương đều có chính sách đối với NLĐ. Theo đó, các tỉnh hỗ trợ cho các công nhân về quê an toàn. Khi về quê, NLĐ được các địa phương cho đi cách ly tập trung, không thu phí cách ly và xét nghiệm; đồng thời hứa tạo công ăn việc làm tại chỗ cho số công nhân này. Với chính sách tốt như vậy nên NLĐ ở khu vực phi chính thức và hợp đồng ngắn hạn bằng mọi giá họ về quê vì sự toàn và tương lai sinh kế của họ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Minh - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động nhấn mạnh đến khía cạnh tâm lý người lao động. Ông Minh cho rằng, đợt dịch COVID-19 thứ 4 kéo dài 3, 4 tháng, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ, khiến NLĐ, trong đó chủ yếu là lao động phi chính thức có tâm lý lo lắng, hoang mang khi mất việc quá lâu.
Các chính sách về phòng, chống dịch ở các địa phương, đặc biệt là trong vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn vừa rồi, không đồng nhất và kéo dài. NLĐ không nắm được thông tin về kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN. Từ khi nghỉ làm do dịch bùng phát, NLĐ không kết nối được với DN nên coi như là lao động tự do, là người mất việc. Thêm vào đó, NLĐ không biết kế hoạch giãn cách của chính quyền địa phương trong bao lâu. Họ cũng chưa biết tình hình chống dịch trong quý IV ra sao, dịch có thể quay trở lại hay không trong khi tài chính kiệt quệ, tiền tích lũy thì đã tiêu hết.
"Họ cũng chưa biết về quê có kiếm được việc làm không. Tuy nhiên, trong đại dịch, quê hương vẫn là điểm đến an toàn. Do đó, khi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam mở cửa họ quyết định về quê", ông Minh nêu.
Nan giải bài toán thu hút lao động
Theo ông Trương Văn Cẩm, NLĐ là vốn quý nhất của DN, nhất là đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và da giày. Việc giữ chân NLĐ, làm cho NLĐ gắn bó với DN là giải pháp căn cơ mà mỗi DN phải làm.
TS. Đỗ Quỳnh Chi, thuộc Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động (ERC) đánh giá, vấn đề người lao động về quê hiện nay cực kỳ nhức nhối, nhưng họ buộc phải về do đã gặp bất ổn về tâm lý, sức khoẻ vì dịch. Vì thế, cần hỗ trợ người lao động trong việc tiêm vaccine phòng COVID-19, chi phí xét nghiệm, phương tiện giúp họ quay trở lại làm việc…
Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho rằng, giải pháp làm sao thu hút NLĐ ngược trở lại các trung tâm công nghiệp và các TP lớn là vấn đề rất nan giải hiện nay bởi tâm lý của NLĐ là nghi ngờ, là lưỡng lự đối với chính sách của các cấp.
"Đơn cử chính sách phòng chống dịch của 63 tỉnh, thành rất khác nhau. NLĐ không thể lường trước được các chính sách như vậy và họ băn khoăn chính sách có ổn định hay không. Ngay cả các DN FDI cũng cần Chính phủ, chính quyền các địa phương có kế hoạch cụ thể trong phòng, chống dịch, chứ không thể giãn cách theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, rồi lại nhiều lần gia hạn 15 ngày tiếp... Do đó, tôi mạnh dạn khuyến nghị cần có các giải pháp đồng bộ, không thể mỗi địa phương áp dụng một chính sách riêng", ông Nam chia sẻ.
Ông Nam nhấn mạnh, chỉ có giải pháp đồng bộ, thống nhất từ cấp cao cho đến địa phương và sự ủng hộ, đồng tình của DN mới thu hút được lao động trở lại. Đặc biệt là các chính sách về giao thông, cung ứng hàng hóa phải đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới. NLĐ khi đó mới bớt đi nghi ngờ và lưỡng lự và quay trở lại làm việc.
Chia sẻ về việc triển khai thêm các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp để phục hồi sản xuất trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐ-TB-XH) cho hay, hiện Bộ LĐ-TB-XH đang có văn bản trình Chính phủ đề xuất cho phép nới lỏng và linh hoạt hơn trong việc huy động người lao động làm thêm giờ. Theo đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất không áp dụng trần làm thêm giờ theo tháng (theo quy định hiện hành là không quá 40 giờ/tháng) và không áp dụng trần làm thêm giờ theo năm (trước đây quy định là 300 giờ/năm) cho một số lĩnh vực ngành nghề, mà đề xuất áp dụng trần chung này cho tất cả lĩnh vực ngành nghề.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB-XH sẽ áp dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung cầu việc làm, phát triển thị trường dịch vụ việc làm công, nhằm kích hoạt thị trường lao động, có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, đề xuất giải pháp trước mắt cho những địa phương thiếu hụt lao động, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, phải sửa ngay quy định về giờ làm thêm để NLĐ có thêm thu nhập.
"Đây là nhu cầu có thật của NLĐ. NLĐ muốn làm thêm giờ vì làm thêm giờ được trả lương cao hơn gấp 2, gấp 3, từ đó cho họ thu nhập tốt hơn, bù đắp những tháng ngày họ không có việc làm".
Tuy nhiên, ông Nam nói thêm, làm thêm giờ khác với làm 48 tiếng/tuần theo luật. Quy định 48 giờ/tuần cần phải được hạ xuống để NLĐ có nhiều thời gian làm thêm giờ hơn. Không nên ngăn cấm số lượng làm thêm giờ, ít nhất cũng phải đưa lên 400 giờ/năm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm