Chính sách

Đề xuất các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện mở đường, dẫn dắt DN thuộc các thành phần kinh tế khác

DNVN - Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/2/2020 của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng Đề án "Phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới".

Dự thảo chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc Đại học chuyên ngành Quản lý thị trường / Tổng cục Thuế yêu cầu chấn chỉnh ngay công tác thu tiền sử dụng đất ở một số địa phương

Tại cuộc trao đổi về dự thảo Đề án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 10/3 tại Hà Nội, ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày một số nội dung cơ bản của dự thảo Đề án, trong đó nhấn mạnh tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Đề xuất một số tập đoàn, tổng công ty tham gia Đề án

Về tiêu chí lựa chọn ngành, lĩnh vực: dự thảo Đề án đưa ra 4 tiêu chí. Đó là: Có tính chất mở đường (theo nghĩa là hướng đến các ngành, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước), dẫn dắt (theo nghĩa là hướng đến các ngành hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, thúc đẩy đổi mới sáng tạo gắn với sự tham gia của doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác) hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững; Hướng tới làm chủ công nghệ và có đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; Có vai trò cần thiết trong quá trình phát triển, định hướng công nghiệp, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Cần thiết duy trì vai trò của Nhà nước; không cạnh tranh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển.
Trong khi đó, về lựa chọn doanh nghiệp, dự thảo Đề án đưa ra 5 tiêu chí, gồm: Có tiềm lực về tài chính, đạt yêu cầu về quy mô xét trên tiêu chí tổng tài sản (dự kiến trên 20.000 tỷ đồng) hoặc có kết quả tài chính ổn định (ROE cao hơn mức 6%);
Có khả năng mở rộng, chi phối thị trường hoặc/và tăng được thị phần (mức chiếm thị phần từ 30% trở lên) và cần đảm bảo các quy định pháp luật hiện hành về cạnh tranh. Đồng thời, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Ông Lê Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Có hệ thống quản trị tốt trên cơ sở áp dụng các Nguyên tắc quản trị doanh nghiệp nhà nước của OECD; có năng lực hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ cao, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế. Hoạt động trong những ngành, lĩnh vực có tính chất mở đường, dẫn dắt (cụ thể như: sản phẩm của DNNN là đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế khác; cung cấp kết cấu hạ tầng; tạo động lực phát triển trên nền tảng KHCN, đi đầu trong tăng cường quốc phòng Việt Nam, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ chủ quyền…), phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
Do Nhà nước nắm giữ 100% vốn hoặc có cổ phần chi phối, trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng hóa sở hữu trong thời gian tới, Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Theo thông tin từ ông Lê Mạnh Hùng, trong số các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, dự thảo Đề án lựa chọn 4 lĩnh vực: công nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, cảng biển và logistics, tài chính - ngân hàng.
Với 4 lĩnh vực này, ông Lê Mạnh Hùng cho biết, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất một số tập đoàn, tổng công ty cụ thể tham gia Đề án gồm: Lựa chọn Viettel và VNPT hoặc MobiFone cho lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao; lựa chọn EVN và PVN cho lĩnh vực năng lượng tái tạo; lựa chọn Tổng công ty Tân Cảng cho lĩnh vực cảng biển và logistics; lựa chọn Vietcombank cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Đề xuất cơ chế, chính sách đối với các DNNN được lựa chọn tham gia Đề án

Về đề xuất cơ chế, chính sách chung:Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra 4 đề xuất. Một là, nghiên cứu, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu, tạo điều kiện cho DNNN được hoạt động bình đẳng, chủ động và cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, trong đó xem xét sửa đổi Luật 69 và các văn bản hướng dẫn thực hiện với các định hướng đột phá, tạo sự chủ động cho các DNNN.
Hai là, trao quyền hoặc giao nhiệm vụ cho một số DNNN để phát triển các hạ tầng nền tảng để có thể ứng dụng kinh tế chia sẻ, đẩy mạnh phát triển công nghệ số trong tương lai với một số chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ số (sandbox). Tăng cường đầu tư KHCN thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ.
Ba là, xác định rõ một cơ quan có nhiệm vụ quản lý chung đối với hệ thống DNNN (như đưa ra các quy hoạch, định hướng chiến lược về DNNN gắn với định hướng phát triển DNNN; ban hành và sửa đổi các quy định pháp lý đối với DNNN, nắm chung về tình hình sản xuất kinh doanh và thực hiện kiểm tra, giám sát).
Bốn là , đầu tư hình thành một số DNNN hoặc tham gia phát triển các doanh nghiệp có công nghệ mới, có khả năng chiếm lĩnh thị trường và vươn ra thế giới (như: công nghệ môi trường, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ gen, công nghệ vật liệu, công nghiệp an ninh an toàn mạng...) thông qua việc sử dụng nguồn lực của SCIC hoặc cùng phối hợp với các DNNN lớn.

Về cơ chế, chính sách đối với các DNNN được lựa chọn tham gia Đề án:
Đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao:
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển dịch vụ số (như có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thanh toán không tiền mặt, thương mại điện tử...).
Rà soát, đánh giá cơ chế, chính sách về Quỹ Khoa học và Công nghệ của doanh nghiệp để phù hợp với thực tiễn để phát triển hạ tầng công nghệ số phục vụ việc hình thành hệ sinh thái số (thiếu hướng dẫn về việc xác định giá thành của bí quyết công nghệ; thiếu quy định về quản lý rủi ro trong sử dụng Quỹ phát triển KHCN; chưa định nghĩa khái niệm về sản phẩm, công nghệ mới).
Nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng cho Viettel với cơ chế sau: Từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp (trích 40% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp QPAN để hình thành Quỹ đặt tại doanh nghiệp). Doanh nghiệp sử dụng Quỹ để phục vụ các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng (sử dụng công nghệ cao, vật liệu mới, thuê chuyên gia, phục vụ xuất khẩu...).

Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo:
Nghiên cứu các xu thế phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo (như năng lượng hóa học hydrogen, LNG).
Tiếp tục công tác đầu tư phát triển lưới truyền tải điện, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chí quy hoạch để đảm bảo các nguồn điện được xây dựng đồng bộ với lưới điện truyền tải, tránh xảy ra tình trạng nghẽn mạch trên lưới truyền tải điện.
Đối với lĩnh vực cảng biển và logistics:
Ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ việc kết nối các cụm cảng nhằm tạo thành chuỗi mạng lưới cung cấp dịch vụ cảng biển.
Ưu tiên tập trung nguồn lực của doanh nghiệp thực hiện ngay các Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics…
Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng:
Các tổ chức ngân hàng thương mại nhà nước đã có Đề án tái cơ cấu riêng, các Quyết định của Ngân hàng nhà nước về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số và các Đề án thí điểm trong một số lĩnh vực mới (như cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng). Do vậy, đề xuất của Đề án hướng tới việc nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư (investment banking), hình thành quỹ đầu tư trong đó có đầu tư mạo hiểm.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm