Chính sách

Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 100% với bia: Doanh nghiệp 'sốc'

DNVN - Với đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 100% vào năm 2030 của Bộ Tài chính, giới chuyên gia băn khoăn, lo ngại mức tăng này gây hệ lụy lên nền kinh tế; trong khi doanh nghiệp trong ngành nói đây là mức tăng quá sốc, chưa có tiền lệ, sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định của toàn ngành cũng như tình hình thu ngân sách...

VCCI: Hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia trái phiếu riêng lẻ có thể gây đứt gãy thị trường / Sửa Luật Đầu tư công: Không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế 'xin-cho'

Dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi đang được thảo luận tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, trong đó có đề xuất tăng thuế với bia.

Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Phương án 1, tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 70%, 75%, 80%, 85%, 90% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030. Phương án 2, tăng thuế suất từ mức hiện hành 65% lên 80%, 85%, 90%, 95%, 100% theo từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 - 2030.

Trong khi đó, tại văn bản số 128 ngày 22/8, Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát (VBA) đề xuất giữ nguyên mức 65% vào năm 2026, năm 2027-2028 tăng lên 70%, năm 2029-2030 tăng lên 75%, và từ năm 2031 tăng lên 80%.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đề xuất của Bộ Tài chính thiếu cơ sở đánh giá toàn diện, chưa xem xét đầy đủ tác động liên ngành, cũng như không tính đến thực trạng doanh nghiệp và thị trường. Bà cho rằng, các luận cứ chủ yếu dựa trên cảm nhận của cơ quan soạn thảo và thời điểm áp dụng chưa phù hợp với bối cảnh thực tế.

Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia cho biết, tăng thuế TTĐB đối với bia theo các phương án của Bộ Tài chính sẽ gây ra những tác động đáng kể đến ngành bia, nền kinh tế, thu nhập của người lao động và ngân sách nhà nước.


TS Nguyễn Minh Thảo, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Về tác động đến GDP, theo chuyên gia cũng rất đáng lo ngại. Phương án 1 làm giảm hơn 14.000 tỷ đồng, tương ứng 0,035% GDP; phương án 2 giảm 32.300 tỷ đồng, tương ứng 0,08% GDP; còn phương án 3 giảm 8.590 tỷ đồng, tương ứng 0,017% GDP. Như vậy, nếu GDP giảm 0,08%, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đề ra sẽ không thể đạt được.

Cũng ở góc độ chuyên gia, bà Đinh Thị Quỳnh Vân - Chủ tịch của PwC Việt Nam dẫn số liệu tổng hợp từ báo cáo và ước tính của ngành bia cho biết, tổng sản lượng tiêu thụ thị trường bia năm 2022 là 3.8 tỷ lít; tăng lên 4,1 tỷ lít vào năm 2023. Năm 2024, dự báo sản lượng tiêu thụ bia giảm do tác động của suy giảm kinh tế chung.

Dự tính, giá bán lẻ mặt hàng bia vào năm 2030 do ảnh hưởng của thuế TTĐB (giả thiết các chi phí khác và lợi nhuận không thay đổi) sẽ tăng trung bình khoảng 20-30% so với giá bán lẻ năm 2024 ở cả 3 phân khúc giá cao, giá trung bình và giá bình dân.

Theo dữ liệu thị trường giai đoạn 2018-2022, khi thuế suất ổn định, giá sản phẩm các phân khúc đều tăng, sản lượng tiêu thụ trung bình cũng tăng (khi loại trừ ảnh hưởng đột ngột, bất thường của COVID-19 và Nghị định 100). Đồng thời, tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm ở phân khúc cao cấp có xu hướng tăng, trong khi tỷ trọng tiêu thụ ở phân khúc bình dân và phổ thông có xu hướng giảm.

Phân tích kịch bản có thể xảy ra khi thuế TTĐB tăng mạnh, bà Vân cho rằng, đến năm 2030, tổng lượng tiêu thụ và doanh thu toàn ngành giảm mạnh. Sản lượng tiêu thụ giảm tự nhiên -1%/ năm, mức tăng giá tự nhiên 1%/năm, độ co giãn của cầu khi giá tăng (PE) 0,5%, Nhà sản xuất tăng giá để bù đắp 50% chi phí thuế TTĐB tăng thêm. Thu ngân sách Nhà nước tăng nhưng không bền vững.

Từ phân tích này, theo Chủ tịch của PwC Việt Nam, cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh. Giãn tiến độ tăng thuế, tránh tăng sốc gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và ngành. Cùng đó, cần cân nhắc thay đổi mô hình thuế để phù hợp với kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế.

Ở góc độ doanh nghiệp, dẫn phản ánh của các doanh nghiệp ngành bia, ông Nguyễn Thanh Phúc - Giám đốc Đối ngoại Heineken Việt Nam cho biết, đây là mức tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển bền vững của toàn ngành bia cũng tình hình thu ngân sách tại các địa phương; thậm chí không đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đề ra.


Các doanh nghiệp ngành bia cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính là mức tăng quá sốc, chưa từng có tiền lệ, sẽ tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển bền vững của toàn ngành bia

"Tôi cho rằng, việc tăng thuế cần bảo đảm nguyên tắc giữ vững ổn định, hài hòa, nuôi dưỡng nguồn thu và phù hợp với các kịch bản kinh tế. Đồng thời, hướng đến xây dựng một môi trường đầu tư và chính sách công có tính dự đoán được để củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài", ông Phúc đề xuất.

Cũng theo ông Phúc, công tác xây dựng chính sách cần phải bảo đảm đánh giá tác động thực chất, thực hiện cơ chế tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp. Hiện tại, ngay cả phương án mà ngành đang đề nghị với Chính phủ và Quốc hội, được đánh giá là hài hòa nhất, ít tác động tiêu cực nhất thì giá trị gia tăng của ngành bia vẫn giảm đến 38.329 tỷ đồng, và kéo theo nhiều hệ lụy khác về kinh tế - xã hội.

Việc tăng thuế tác động đến động lực thị trường. Trong đó, tác động đến chuỗi giá trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kiềm hãm động lực phát triển của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến an sinh xã hội, làm gia tăng tủi ro của thương mại bất hợp pháp.

Heineken Việt Nam cùng các doanh nghiệp bia khác và Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam kiến nghị giữ nguyên mức thuế TTĐB trong một năm kể từ năm 2026 khi luật sửa đổi bắt đầu hiệu lực, tức lần tăng thuế đầu tiên sẽ vào năm 2027. Sau đó, để người tiêu dùng dần thích nghi với mức giá mới do việc tăng thuế TTĐB, sau mỗi 2 năm tăng thuế một lần và mỗi lần tăng 5%, đến năm 2031 tăng tối đa đến 80% và duy trì ổn định.

"Thay vì tập trung tăng thuế, hãy đẩy mạnh triển khai bộ giải pháp tổng thể bằng cách thay đổi hành vi của người tiêu dùng theo hướng tích cực thông qua các chương trình tuyên truyền và nâng cao nhận thức về việc sử dụng thức uống có cồn an toàn và có trách nhiệm", ông Phúc gợi ý.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm