Chính sách

Phát triển Phú Yên theo không gian 1 vành đai, 2 hành lang, 3 khu vực trọng điểm

DNVN - Theo quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, Phú Yên bố trí không gian phát triển mới, theo nguyên tắc: “1 vành đai phụ trợ - 2 hành lang phát triển - 3 khu vực trọng điểm phát triển”.

Bí kíp ăn ngon, mặc đẹp và săn hình lung linh ở Phú Yên / Vẻ đẹp hoang sơ của ruộng bậc thang ở Tuy An, Phú Yên

Ngày 31/12, UBND tỉnh Phú Yên cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Phú Yên phát triển kinh tế dựa trên lợi thế biển với các trụ cột như công nghiệp, du lịch dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vận tải biển và logistics.

Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, cải thiện mạnh môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Hoàn thành đầu tư khung hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển, sân bay hiện đại. Đường cao tốc kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng. Phấn đấu từ năm 2035 tỉnh Phú Yên tự cân đối được ngân sách Nhà nước, trở thành một trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ. Có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng.

Theo quy hoạch, Phú Yên bố trí không gian phát triển mới, phù hợp với các định hướng, mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc: “1 vành đai phụ trợ - 2 hành lang phát triển - 3 khu vực trọng điểm phát triển”.

Cụ thể, 1 vành đai phụ trợ (gắn với trục Quốc lộ 19C) là vùng phát triển song song dọc theo tuyến giao thông quốc lộ 19C, kết nối với tỉnh Bình Định và tỉnh Đắk Lắk, là vùng có tiềm năng phát triển lớn về văn hóa, lịch sử và an ninh quốc phòng.

2 hành lang động lực phát triển gồm hành lang ven biển Bắc - Nam (gắn với trục Quốc lộ 1, cao tốc Bắc Nam, đường ven biển của tỉnh) là khu vực có tiềm năng phát triển lớn nhất về đô thị, công nghiệp, du lịch và nuôi trồng thủy hải sản, tập trung du lịch ở phía Bắc, công nghiệp ở phía Nam, TP Tuy Hòa là trung tâm phát triển tổng hợp của hành lang.

Hành lang Đông - Tây (gắn với trục Quốc lộ 25 và Quốc lộ 29): phát triển nông lâm nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, hình thành vùng chuyên canh lớn; bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ logistics…

3 khu vực trọng điểm phát triển bao gồm: khu vực trọng điểm phía Bắc, khu vực trọng điểm phía Nam và khu vực trọng điểm phía Tây.

Khu vực trọng điểm phía Bắc phát triển du lịch, kinh tế biển. Trong đó, thị xã Sông Cầu là trung tâm kết nối đến các vùng phía Bắc và phía Tây của tỉnh, là trung tâm dịch vụ và du lịch phía Bắc Phú Yên, kết nối với TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tạo cơ hội liên kết phát triển du lịch và các dịch vụ khác. Khu vực này tập trung đầu tư phát triển khu du lịch vịnh Xuân Đài hướng tới phân khúc du lịch cao cấp, nghỉ dưỡng, chuyên biệt.

Khu vực trọng điểm phía Nam phát triển công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, hóa dược, các ngành năng lượng sạch, sản xuất sản phẩm gắn với công nghệ số, công nghiệp chế biến chế tạo, cảng biển, du lịch. Trong đó, khu vực Đông Hòa là trung tâm công nghiệp, cửa ngõ kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng, khu vực Tây Nguyên, cả nước và quốc tế. TP Tuy Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh Phú Yên.

Khu vực trọng điểm phía Tây phát triển thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, các vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến và phát triển du lịch. Phát triển thị trấn Củng Sơn và Hai Riêng trở thành đầu mối giao thương với các tỉnh khu vực Tây Nguyên.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm