Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm: Cần có phản biện chính sách từ phía doanh nghiệp, ngành hàng
DNVN - Góp ý cho dự thảo "Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam", đại diện VASEP cho rằng, trong phần giải pháp cần có thêm sự tham gia của các hiệp hội, ngành hàng liên quan ở góc độ phản biện chính sách theo khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Nhiều rào cản khiến doanh nghiệp gặp khó trong thúc đẩy năng suất lao động / Tràn ngập quảng cáo "bẩn", Facebook và Google đang thách thức pháp luật?
Năm 2021, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng “Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” (Đề án) để trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023.
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương, với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Đại sứ quán Vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam, tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, rà soát, hội thảo tham vấn để xây dựng dự thảo Đề án.
Hiện tại khái niệm "kinh doanh có trách nhiệm" vẫn chưa được biết đến rộng rãi tại Việt Nam. Trong phạm vi đề án, kinh doanh có trách nhiệm được hiểu là việc thực hành các hoạt động kinh doanh trên cơ sở tuân thủ pháp luật và thực hiện các biện pháp đánh giá rủi ro đối với các yếu tố con người, xã hội và môi trường. Đồng thời giải quyết các nguy cơ tiềm ẩn bằng việc phòng ngừa, giảm thiểu hoặc tiến hành biện pháp khắc phục thích hợp khi xảy ra vi phạm các tiêu chuẩn...
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP.
Tại hội thảo tham vấn “Dự thảo Chương trình hành động quốc gia về các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” sáng 13/12 tại Hà Nội, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, với 20 năm hội nhập, cộng đồng doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam đã được làm quen với hướng tiếp cận là kinh doanh có trách nhiệm.
Các nhãn hàng và nước nhập khẩu bên kia đều có bộ đánh giá xem nhà máy thủy sản Việt Nam có đáp ứng được các điều kiện đó để xuất khẩu hàng hay không. Và thậm chí một số chứng nhận như ASC, BAP là những bộ chứng nhận cao hơn pháp luật nhưng các nhà nhập khẩu, các buyer luôn sử dụng nó để làm điều kiện có ký hợp đồng với DN hay không.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng, những DN nào đang xuất khẩu nhiều thì ít nhất đã được làm quen với câu chuyện thực hành kinh doanh có trách nhiệm với phía đối tác. Thực sự sẽ rất khó khăn nếu các DN không có sự chuẩn bị về mặt năng lực để đáp ứng", ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.
Với bản dự thảo "Đề án ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp soạn thảo, Phó Tổng thư ký VASEP đánh giá rất cao việc Ban soạn thảo đã liệt kê về khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hướng đến việc kinh doanh có trách nhiệm với những trụ cột quan trọng về lao động, môi trường, đầu tư, người tiêu dùng... Đồng thời gắn với thực tiễn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam và cuối cùng là giải pháp.
Tuy nhiên, trong phần giải pháp của dự thảo, theo đánh giá của ông Nguyễn Hoài Nam là chưa sâu và các modul trong đó khá giống nhau. Hầu hết các nội dung tập trung vào đề xuất sửa đổi, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong khi đó lại thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng DN và các ngành hàng.
"Gần 20 nội dung trong phần giải pháp đều tập trung cho vấn đề sửa đổi, bổ sung những VBQPPL đã có. Bản dự thảo này sẽ được trình lên Thủ tướng xem xét. Do đó, việc không có sự tham gia của cộng đồng DN và ngành hàng trong dự thảo sẽ là thiếu sót bởi chủ thể chính trong hoạt động kinh doanh có điều kiện là cộng đồng DN. Tôi cho rằng cần có thêm sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng có liên quan ở góc độ phản biện chính sách đúng theo khuôn khổ pháp luật Việt Nam hiện có. Khi đó đề án mới có ý nghĩa thiết thực", Phó Tổng thư ký VASEP góp ý.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Ban soạn thảo cần lưu tâm nhiều hơn đến lao động và môi trường bởi đây chính là xu hướng của thế giới, không chỉ liên quan đến Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà còn thể hiện cả trong các FTA...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo