Chờ sức phục hồi kinh tế khi ‘sống chung’ với đại dịch
VN-Index giảm 8 điểm trước áp lực bán mạnh / Cần Thơ: Người dân nuôi lươn, cá tra gặp khó do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Ngày 8/9, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam phối hợp cùng các thành viên của Nhóm hợp tác công tư ngành dệt may và da giày đã tiến hành khảo sát định kỳ lần 2 về tác động của đại dịch đối với hai ngành công nghiệp này.
Lo nguồn lực cạn kiệt
Mục tiêu của cuộc khảo sát lần này là tìm hiểu các hướng điều chỉnh của doanh nghiệp (DN) để "sống chung" và vượt qua đại dịch. Kết quả khảo sát sẽ được sử dụng để xây dựng giải pháp hồi phục sản xuất và khuyến nghị chính sách đối với Nhà nước nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phục hồi và tăng trưởng của hai ngành.
Nếumở cửa trở lại để "sống chung" với đại dịch, các DN cần được hỗ trợ nhiều về chính sách khi mà các nguồn lực của họ đã cạn kiệt. |
Còn tại “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh, thông tin mới nhất cho thấy lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu chiến lược phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9. Cụ thể sẽ phân theo các giai đoạn từ ngày 15/9 đến ngày 31/12 và năm 2022, gồm 3 phần: Đáng giá tình hình, mục tiêu và giải pháp, đề xuất các chính sách thuộc thẩm quyền của trung ương, thành phố.
Theo Hiệp hội DN TP Hồ Chí Minh (HUBA), kinh tế TP Hồ Chí Minh có độ mở cao nhất cả nước, sự phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minhkhông thể tách rời mối quan hệ với các tỉnh khu vực và quan hệ kinh tế quốc tế. Do vậy, kinh tế TP Hồ Chí Minh sau ngày 15/9 phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch bệnh của thành phố này và các tỉnh, thành phía Nam.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA, cho rằng thách thức lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực để phục hồi, do phụ thuộc khá lớn vào nguồn lao động nhập cư mà họ đã di chuyển khỏi thành phố trong thời gian qua.
Theo dự báo, nhiều DN phải đối mặt với nguy cơ không thể phục hồi sản xuất do các nguồn lực đã cạn kiệt, phải đối mặt xử lý các khoản nợ, tài chính, đứt gãy dòng tiền sản xuất vì hậu quả của đại dịch tác động.
Không những vậy, sự đứt gãy thị trường, nguồn nguyên liệu, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng... đã chồng chất thêm khó khăn cho DN. Đặc biệt, vấn đề rất đáng lo ngại là khủng hoảng thiếu lao động cho sự phục hồi kinh tế sẽ kìm hãm sức bật sau đại dịch của kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Về phía DN, theo HUBA, trong lúc này phải chăm sóc và giữ được sự ổn định nguồn nhân lực, gia tăng các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn thông qua trực tuyến để gắn kết và nâng cao năng lực trình độ nguồn nhân lực sau khi sản xuất phục hồi. Phải tính toán kế hoạch để dưỡng và duy trì các nguồn lực sẵn sàng cho bước phục hồi nhanh.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, Ts. Phạm Công Hiệp, Trưởng nhóm nghiên cứu Logistics và Chuỗi cung ứng thuộc Đại học RMIT, cho rằng việc mở cửa lại nên cân nhắc kỹ về điều kiện kinh tế vốn phụ thuộc vào khả năng sản xuất và trang thiết bị của DN trong điều kiện hạn chế dịch bệnh khắt khe.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Cho dù mở cửa hoạt động lại, theo ông Hiệp, DN ở hầu hết các lĩnh vực sẽ phải thay đổi phương thức hoạt động như thực hiện giãn cách vật lý giữa người lao động và khách hàng, trang bị tấm che ngăn cách, giảm số lượng khách trong cùng không gian, giảm thiểu giao tiếp trực tiếp, và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
“Như vậy, số lượng lao động trong các khu công nghiệp, nhà xưởng sẽ phải giảm khá lớn, lượng hành khách trên máy bay, xe khách, nhà hàng cũng phải giảm tương tự, trong khi chi phí vận hành, nhà xưởng không giảm tương xứng, dẫn đến tăng chi phí hoạt động trong DN”, ông Hiệp lưu ý.
Để mở cửa trở lại nền kinh tế, vị chuyên gia của RMIT nhấn mạnh cần ưu tiên những ngành nghề thiết yếu. Tiếp theo là các ngành sản xuất, khu công nghiệp đầu tàu về tạo công ăn việc làm và hoạt động kinh tế, cần được ưu tiên nhằm không gây gián đoạn nghiêm trọng thêm, khi người lao động bỏ về quê, thì việc quay trở lại làm việc sẽ mất nhiều thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, khi mở cửa trở lại để "sống chung" với đại dịch, các DN cần được hỗ trợ về chính sách thuế, tín dụng, thuê nhà xưởng, chi phí logistics, hỗ trợ chi phí xét nghiệm cho công nhân và người lao động.
Chẳng hạn như với chính sách về tín dụng, hôm 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức ban hành Thông tư 14 sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại Thông tư mới cũng kéo dài đến ngày 30/6/2022.
Song song đó, Ts. Phạm Công Hiệp cho rằng việc đáp ứng yêu cầu chặt chẽ trong sản xuất về phòng chống dịch lâu dài rất cần những hỗ trợ thiết thực của Chính phủ để giúp DN có thể tái khởi động sản xuất, góp phần bình ổn nền kinh tế sau gần 3 tháng gián đoạn nghiêm trọng.
Đặc biệt là cần sự phối hợp đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch ở tất cả các tỉnh, thành phố là rất quan trọng trong việc đảm bảo lưu thông hàng hóa và sản xuất.
Điển hình như gần đây, xe vận chuyển hàng hóa vào một số tỉnh, thành phải sang tải, đổi xe, đổi tài xế gây phát sinh chi phí, thời gian và bất ổn trong việc lên kế hoạch sản xuất và thời gian giao hàng. Vấn đề này đang chỉ rõ các thành phố lớn sẽ không thể hoạt động bình thường nếu các tỉnh, thành lân cận không phối hợp các nỗ lực mở cửa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo