Cơ hội cho doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu bơ sữa sang Israel
DNVN - Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc Israel bãi bỏ một số hạn ngạch nhập khẩu và mở cửa thị trường đối với sản phẩm bơ sữa là cơ hội tốt để doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tiếp cận các nhà nhập khẩu Israel và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường này.
An Giang: Bắt lô hàng đồ gỗ không rõ nguồn gốc trị giá 700 triệu đồng / Xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vẫn "bứt phá" bất chấp khó khăn
Đầu tháng 12/2021, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Israel đã nhất trí bãi bỏ các hạn ngạch nhập khẩu đối với một loạt các sản phẩm bơ sữa, bao gồm sữa chua, pho mát có ít chất béo và các sản phẩm từ sữa. Hạn ngạch nhập khẩu đối với một số loại pho mát cứng đã được tăng lên.
Cụ thể, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Israel đã nới lỏng các hạn ngạch với hy vọng biện pháp này sẽ làm giảm giá cả các sản phẩm bơ sữa đối với người tiêu dùng Israel.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, động thái nói trên của Israel sẽ cho phép mở cửa thị trường để tự do nhập khẩu các sản phẩm này từ các nước Châu Âu. Theo đó giá cả đối với mỗi kg sữa chua tiêu dùng ở Israel trung bình sẽ giảm xuống còn 8,5 NIS/kg so với mức 17 NIS/kg trước đây.
Israel bãi bỏ các hạn ngạch nhập khẩu đối với một loạt các sản phẩm bơ sữa.
Trước đó 1 tuần, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Israel cũng đã đề xuất bãi bỏ kiểm soát giá cả đối với sản phẩm bơ sữa như là một phần nỗ lực để tăng cường sự cạnh tranh và góp phần làm giảm giá thực phẩm trên thị trường Israel. Việc nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu trong tuần này tiếp tục có ảnh hưởng mạnh tới 3 nhà sản xuất bơ sữa lớn nhất của Israel là công ty Tnuva, tập đoàn Strauss và công ty Tara.
Bộ Tài chính Israel ước tính, việc bãi bỏ hạn ngạch sẽ làm cho giá pho mát nhập khẩu giảm khoảng 25% so với mức giá được nhà nước kiểm soát hiện nay tại Israel và do đó, giá cả đối với người tiêu dùng sẽ giảm khoảng 10 NIS/kg, trong khi vẫn bảo hộ được nền nông nghiệp trong nước.
Bộ Tài chính tuyên bố, Israel đang thực hiện theo các khuyến nghị của OECD nhằm làm giảm giá bán của các sản phẩm bơ sữa, trong khi ngành nông nghiệp nội địa vẫn được bảo hộ.
Theo Bộ trưởng Tài chính Israel Avigdor Liberman, các sản phẩm bơ sữa ở thị trường Israel thường đắt hơn 79% so với mức giá trung bình cùng loại ở các nước OECD và việc mở cửa thị trường bơ sữa để có sự cạnh tranh lành mạnh là bước đi đầu tiên trong hàng loạt các biện pháp nhằm góp phần giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt đắt đỏ hiện nay ở Israel. Sau khi cắt giảm hạn ngạch, người tiêu dùng Israel có thể được sử dụng một loạt sản phẩm bơ sữa với giá rẻ hơn, trong khi ngành nông nghiệp trong nước vẫn được bảo hộ đầy đủ.
Bộ Công Thương cho rằng, việc Israel bãi bỏ hạn ngạch nhập khẩu và mở cửa thị trường bơ sữa là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tranh thủ tiếp cận các nhà nhập khẩu Israel và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này sang thị trường Israel trong thời gian tới.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo