Thị trường

Cơ hội lớn từ đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL

DNVN - Nằm trong chuỗi sự kiện Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023, sáng 13/12, Bộ NN&PTNT tổ chức hội thảo quốc tế "Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam: Trách nhiệm và bền vững".

Hậu Giang: Tổ chức “Con đường lúa gạo Việt Nam” tại festival quốc tế / Hậu Giang: Phát động dự án trồng 1 triệu tấn lúa chất lượng cao


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội thảo.

10 điểm nghẽn, 4 giải pháp

Tại hội thảo, phân tích về chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển bền vững, PGS.TS Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, có 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững.

Trong đó có những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” là các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc.

Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ.

 

Điểm nghẽn nữa là tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Điều này thể hiện rõ rệt nhất trong khâu ký kết hợp đồng, thu mua sản phẩm lúa. Hệ lụy của vấn đề này đã thường xuyên dẫn đến tình trạng bội tín, bẻ kèo giữa các bên tham gia liên kết.

Mỗi khi thị trường tốt lên, phía người nông dân có xu hướng bán lúa với lượng ít hơn như trong hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp. Ngược lại, mỗi khi thị trường xấu đi, nông dân có xu hướng bán với lượng lúa nhiều hơn, hoặc doanh nghiệp quay mặt lại với nông dân, điều này tạo nên tính không bền vững trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nêu giải pháp tháo gỡ rào cản điểm nghẽn để phát triển lúa gạo bền vững

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời nêu giải pháp tháo gỡ rào cản điểm nghẽn để phát triển lúa gạo bền vững.

 

Điểm nghẽn tiếp theo chính là năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường của cá nhân, tổ chức nông dân còn rất hạn chế, qui mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, gây khó khăn trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững.

Ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu.

Việc chưa có những chính sách chế tài nghiêm minh đối với những trường hợp sản xuất trái với quy hoạch ngành, kinh doanh vật tư và hàng hóa giả, kém chất lượng, kinh doanh vi phạm bản quyền nhãn hiệu, bao bì của tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh khác đã và đang làm ảnh hưởng đến quyền lợi, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị, làm cho chuỗi giá trị trở nên kém bền vững.

Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Phú Son, để giải quyết 10 điểm nghẽn trên, cần triển khai thực hiện 4 giải pháp phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững, đó là: đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng bền vững và tăng trưởng xanh.

Nghiên cứu và phát triển các mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Cắt giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo. Xây dựng dự án nghiên cứu phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam.

Đề cập vấn đề phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam bền vững, minh bạch và trách nhiệm dựa trên ba yếu tố kinh tế - xã hội – môi trường, ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước gấp 3 lần so với hiện nay.

Hiện nay giá lúa đang giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí là lớn nhất trong tất cả các ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên một ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000 - 3.500 USD, chưa kể đầu tư đó không phải bỏ vốn, từ đó có thể khẳng định ở quy mô nông sản xuất lúa hoàn toàn có lời.

Sản lượng, chất lượng lúa gạo Việt Nam càng ngày càng tăng, tuy nhiên để phát triển lúa gạo bền vững, theo ông Nhân, cần tháo gỡ một số rào cản về liên kết sản xuất, rào cản về tín dụng, rào cản về môi trường pháp luật và rào cản về cơ giới hóa đồng bộ để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế.

 

Từ đó, Tập đoàn Lộc Trời kiến nghị, cần tổ chức liên kết sản xuất chặt chẽ, gắn quy hoạch diện tích trồng lúa với các nhà máy chế biến để đảm bảo sự ổn định trong chuỗi canh tác và chế biến lúa gạo.

Các nhà máy cung cấp giống và vật tư nông nghiệp cho nông dân theo tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ. Mỗi nhà máy sẽ đăng ký sản xuất cho một nhóm thị trường có chất lượng tương đồng để có thể tạo ra sự ổn định trong cung cấp lúa gạo…

Trong mối quan hệ liên kết sản xuất với nông dân, hợp tác xã, yêu cầu các bên cần tuân thủ pháp luật, tôn trọng các điều khoản đã cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng, và thực thi hợp đồng trên cơ sở các quy định của hợp đồng và pháp luật dân sự.

Khi có tranh chấp xảy ra thì các cơ quan quản lý hỗ trợ phân xử theo đúng các cam kết của các bên tham gia. Đảm bảo duy trì được mối liên kết sản xuất bền chặt và đúng pháp luật. Cần có qui định xử phạt đối với gạo có dư lượng hóa chất cao hơn qui định….

TS. Cao Thăng Bình, Chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, Việt Nam hiện đang có vai trò, vị trí cao trong thị trường lúa gạo, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Năm 2023, có khả năng Việt Nam xuất khẩu đạt 8 triệu tấn gạo, giá trị xuất khẩu cũng được tăng lên.

 

Khi các nước xuất khẩu có xu hướng giảm lượng, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu đã tạo cơ hội cho gạo của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo của Việt Nam cũng đang tồn tại nhiều thách thức như năng suất gần như đã kịch trần, khó có thể tăng thêm và nông dân thường sử dụng nguyên liệu đầu vào rất nhiều, nhất là phân bón để đạt được năng suất cao.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách ưu tiên để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, như Nghị quyết 120 và mới đây nhất là Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Đồng thời, huy động các nguồn lực tài chính đầu tư, hỗ trợ cho phát triển ngành hàng lúa gạo, trong đó có cả thị trường các bon trong tương lai. Từ đó, tạo cơ hội cho phát triển sản xuất, đưa công nghệ vào đồng ruộng, nông nghiệp chính xác, công nghệ số, cảm biến giúp tối ưu sử dụng tài nguyên, tăng hiệu quả, giảm thất thoát sau thu hoạch.

Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm