Thị trường

Covid-19: Xuất khẩu chè "đóng băng", nông dân quay lưng với cây chè

DNVN - Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành chè Việt Nam gần như “đóng băng”. Trong khi đó tại thị trường trong nước, giá chè cũng có xu hướng biến động giảm, khiến doanh nghiệp và người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, nhiều người dân đã quay lưng với cây chè.

Lâm Đồng: Xuất khẩu hoa sụt giảm, rau - củ - quả “lên ngôi” do Covid-19 / CEO Vietponics Nguyễn Đức Huy: Hộp rau gia đình, giao hàng tận nơi đủ gồng gánh qua đại dịch Covid-19

Xuất khẩu chè “đóng băng” do Covid-19
Theo Hiệp hội Chè Việt Nam, tính đến cuối tháng 3/2020, dịch Covid-19 đã bùng phát và lan rộng tại nhiều thị trường quan trọng của ngành chè Việt Nam, làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Các thị trường lớn như Đài Loan, Trung Quốc và Nga gần như “đóng băng”. Trong khi đó các thị trường khác không ký được các hợp đồng mới; các hợp đồng đã ký trước đây được yêu cầu giảm giá sâu, hoãn thời gian giao nhận hàng hoặc hủy hợp đồng.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 3/2020, giá chè cũng có xu hướng biến động giảm. Cụ thể, tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giảm 10.000 đồng/kg xuống còn 220.000 đồng/kg, chè xanh búp khô giảm 5.000 đồng/kg còn 100.000 đồng/kg, chè xanh búp khô (đã sơ chế loại 1) giảm 10.000 đồng /kg còn 130.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè cành ở mức 9.500 đồng/kg.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu chè gần như đóng băng, khiến ngành chè Việt Nam đã khó lại càng thêm khó (Ảnh: K.P)

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xuất khẩu chè gần như đóng băng, khiến ngành chè Việt Nam đã khó lại càng thêm khó (Ảnh: K.P)

Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng xuất khẩu chè tháng 3/2020 ước đạt 9 nghìn tấn với giá trị đạt 12 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm 2020 đạt 26 nghìn tấn và 37 triệu USD, giảm 2,5% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, Pakistan, Nga, Đài Loan, Indonesia và Mỹ là 5 thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 74,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè cả nước. Giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đạt 1.481 USD/tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang Trung Quốc giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2020 do hạn chế trong việc thông quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kỳ nghỉ Tết kéo dài của nước này.
Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 364 tấn, tương đương 427 nghìn USD, giảm 54,1% về lượng và giảm 87,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần của nước này trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,7% (xếp vị trí thứ 10), giảm từ mức 11,4% (xếp vị trí thứ 3) trong cùng kỳ năm 2019.
“Thủ phủ chè” Lâm Đồng gặp khó
Lâm Đồng vốn là địa phương có diện tích chè lớn nhất cả nước và là một trong những loại cây trồng thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều tác động của điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ, ngành chè Lâm Đồng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, diện tích chè sụt giảm nghiêm trọng.
Canh tác chè gặp nhiều khó khăn nên không còn nhiều người dân mặn mà với cây chè (Ảnh: K.P)

Canh tác chè gặp nhiều khó khăn nên không còn nhiều người dân mặn mà với cây chè (Ảnh: K.P)

Theo thống kê, hiện Lâm Đồng chỉ còn khoảng 12.300ha chè, sản lượng đạt khoảng 150 ngàn tấn, sụt giảm 50% về cả năng suất và sản lượng so với năm 2016. Nguyên nhân là do cây chè phải đối mặt với tình trạng giá cả bấp bênh, sâu bệnh hại, chi phí công lao động cao và chịu sự cạnh tranh với những loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn.
Huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc, hai địa phương chiếm 70% diện tích trồng chè của cả tỉnh Lâm Đồng, nhưng chỉ sau vài năm, diện tích đã giảm hẳn gần một nửa. Theo ngành chức năng địa phương, từ năm 2014 tới nay, việc trồng dâu, bơ, sầu riêng cho giá trị kinh tế cao gấp 3 tới 8 lần trồng chè nên câu chuyện người dân tiếp tục phá bỏ chè để chuyển đổi sang cây trồng khác hiện rất khó kiểm soát.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng xuất khẩu chè của Lâm Đồng đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ tính riêng tháng 2/2020, sản lượng chè xuất khẩu của Lâm Đồng chỉ đạt 289 tấn và đạt giá trị 0,7 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và 67,4% về giá trị so với cùng kỳ.
Bà Lê Thị Hương, một người đã trồng chè lâu năm ở xã Lộc Nga (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) cho biết, gần nửa thế kỷ, chè là cây trồng chủ lực của gia đình bà. Thế nhưng 2 năm nay, bà đành phải ngậm ngùi từ giã cây chè, chuyển sang trồng cây ăn trái.
“Trồng chè chi phí thì cao, mấy năm nay giá bán lại thấp nên không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân ở mảnh đất được mệnh danh là “thủ phủ chè” này, phải chuyển đổi cây trồng để có kiếm kế sinh nhai”, người phụ nữ miền Trung nhiều năm gắn bó với cây chè chia sẻ.
Từng “sống chết” với cây chè lâu năm, nhưng một lãnh đạo Hiệp hội Chè Việt Nam, đồng thời là chủ một doanh nghiệp chè tại TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) phải thừa nhận, hiện nay bà con không còn thiết tha với cây chè nữa. Nông dân làm chè vất vả nhưng thu nhập phập phù, năm được năm mất. Mấy năm nay, thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, công lao động và giá cả vật tư tăng cao, làm chè chẳng có lãi.
Một số doanh nghiệp có nội lực, có tâm huyết với ngành chè đã quyết định đầu tư để chuyển sang chế biến chè chất lượng cao, chè Olong (Ảnh: K.P)

Một số doanh nghiệp có nội lực, có tâm huyết với ngành chè đã quyết định đầu tư để chuyển sang chế biến chè chất lượng cao, chè Olong (Ảnh: K.P)

Nhiều doanh nghiệp chế biến chè đã khó về nguyên liệu, lại khó về đầu ra. Vì vậy, so với năm 2016, hiện nay, có đến 30% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè ở Lâm Đồng ngừng hoạt động.
Một số doanh nghiệp có nội lực, có tâm huyết với ngành, cố gắng cầm cự, đầu tư trang thiết bị, nâng cao kỹ thuật, chuyển sang sản xuất chè chất lượng cao, chè Olong… Hiện nay trên thị trường chè Olong vẫn duy trì ổn định với mức giá bán từ 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/kg.
Các doanh nghiệp cho hay, chè Olong với những giá trị dinh dưỡng nên người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường trong nước ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, để có được thị trường xuất khẩu, cần nhiều chiến lược tiếp cận.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết, chè luôn được xác định là cây trồng thế mạnh của tỉnh, là loại nông sản nổi tiếng góp phần khẳng định thương hiệu nông sản địa phương. Ngành nông nghiệp cũng đã lường trước những khó khăn của ngành chè và có phương án cụ thể, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và xúc tiến tìm đầu ra.
“Hiện ngành chức năng tỉnh đã và đang triển khai xúc tiến các doanh nghiệp, mở rộng liên kết, từng bước hình thành vùng nguyên liệu nhằm ổn định về số lượng. Đặc biệt tập trung sản xuất chè chất lượng cao, được cấp giấy chứng nhận. Khuyến khích các doanh nghiệp chè đổi mới, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật phù hợp. Từng bước cơ giới hóa để tạo các sản phẩm về chè phong phú đa dạng”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, cho biết thêm.
Tâm An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm