Đẩy nhanh thanh toán điện tử, cần đảm bảo an toàn cho người dùng
Đó là thông tin được ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử trên toàn quốc” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 16/10, tại Hà Nội.
Các mảng giao dịch không có sự đồng đều
Tại buổi tọa đàm, ông Hải cho biết, 6 tháng qua, số lượng giao dịch thanh toán điện tử tăng 30%, giá trị giao dịch tăng 18% và thanh toán qua internet tăng 238%.
Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra hầu hết các mảng giao dịch hiện không có sự đồng đều. Theo thống kê cho thấy, vẫn còn rất nhiều mảng thanh toán không dùng tiền mặt đến nay vẫn khá yếu và phổ biến theo hình thức COD. Đây là hình thức truyền thống, khi giao hàng thì người nhận sẽ trả tiền và điều này đã tạo ra rào cản cho thương mại điện tử.
Đồng quan điểm trên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho hay, mặc dù năm 2019, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử số 1 thế giới nhưng tiền mặt vẫn chiếm lĩnh tại hầu hết các giao dịch. Chính vì vậy, dù được gọi là thanh toán thương mại điện tử nhưng vẫn có tới trên 90% là tiền mặt.
Theo ông Kiên, thời gian qua, việc phát triển hàng trăm công ty công nghệ tài chính (Fintech) và hàng chục công ty thanh toán trên thị trường chứng tỏ tiềm năng phát triển của thương mại điện tử rất lớn. Tuy nhiên, số lượng và giá trị giao dịch mới đang dừng lại ở loại hình đơn giản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, tiền điện, nước…
Còn theo ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), đến thời điểm này vẫn chưa ai dám khẳng định đâu là lĩnh vực phát triển nhất để phát triển thương mại điện tử. Hiện tại, đã có 154 công ty Fintech và 22 công ty về Blokchain, tiền mã hóa. Số lượng doanh nghiệp trên chưa nhiều, trong khi những ngành còn dư địa rất lớn và mới như chuyển tiền, cho vay ngang hàng, huy động vốn từ các cộng đồng lớn qua mạng internet hay ngân hàng điện tử, ngân hàng mã hóa vẫn còn nhiều tiềm năng.
“Sở dĩ vậy bởi một phần thiếu khung pháp lý, cơ chế của cơ quan quản lý, ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành như: Công thương, Thông tin và Truyền thông, bởi không ai dám chắc đây là mảng lợi thế nhất trong thương mại điện tử” - ông Tuấn nói.
Thanh toán bằng tài khoản viễn thông, xu hướng chung của thế giới
Phân tích về tính pháp lý trong thanh toán điện tử, ông Hải khẳng định, tất cả chính sách phải từ nhu cầu cuộc sống, bởi hiện tại rất nhiều ý kiến cho rằng có thể thanh toán qua tài khoản viễn thông. Để giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt chuyển sang điện tử, đây là điều rất quan trọng bởi bên cạnh việc tuyên truyền giúp người dân đến gần hơn với việc trải nghiệm lợi ích, thì thanh toán điện tử phải đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho chính người dùng.
Theo ông Kiên, dùng thanh toán bằng tài khoản viễn thông - Mobile Money chính là xu hướng triển khai chung của thế giới. Đối với Việt Nam, tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ rất lớn, điều này cũng phù hợp cho một quốc gia mà phần trăm dân số có tài khoản ngân hàng còn chiếm tỷ lệ tương đối thấp.
Cũng bằng phương thức này, ông Kiên cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh hơn nữa việc thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, việc sử dụng tài khoản viễn thông hướng đến thanh toán các giá trị giao dịch rất nhỏ, như cốc trà đá, cốc cà phê… nếu được Chính phủ phê duyệt đề án Mobile Money, thị trường này sẽ khá bùng nổ bởi những tiện lợi nó mang lại.
Trước những lo ngại về rủi ro từ phương thức thanh toán bằng tài khoản viễn thông, ông Kiên khẳng định, với kinh nghiệm gần 10 năm, công ty luôn làm chủ công nghệ và có các giải pháp để bảo vệ an toàn cho người dùng.
“Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp không còn cách nào khác phải trải qua bước “giáo dục khách hàng”, tạo hấp dẫn trải nghiệm cho họ bằng những ưu đãi, khuyến mại để tạo thói quen sử dụng. Sau khi có thói quen rồi sẽ đưa cho họ những trải nghiệm cao hơn. Đó là việc mất rất nhiều thời gian chứ không phải bảo họ cứ dùng đi là được”- ông Kiên cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo