Điều chỉnh chính sách hỗ trợ phù hợp 'trạng thái bình thường mới'
Đề nghị giữ nguyên sân bay Đà Nẵng là Cảng hàng không quốc tế, cửa ngõ quốc gia / Tràn ngập bỉm Trung Quốc chất lượng kém trên thị trường
Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp (DN) vượt qua COVID-19 ngày 18/3, bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến các DN trong cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng, trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề sản xuất, ở mọi quy mô DN.
Khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Theo bà Thủy, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã nhanh chóng, tích cực vào cuộc, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ rất kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho DN ổn định, duy trì, hồi phục và tiếp tục phát triển.
Xu hướng chuyển dịch sang công nghệ số của DN Việt Nam đang giảm. |
Tuy nhiên, việc tiếp cận và tận dụng hiệu quả các chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn đối với phần lớn DN. Mặc dù có nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính và tín dụng, song sự hỗ trợ đó vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của DN. DN vẫn phải chịu mức lãi suất cao, thời gian cơ cấu trả nợ ngắn, các gói vay mới có nhiều điều kiện khó tiếp cận.
Đồng thời, hoạt động xuất nhập cảnh và thương mại vẫn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của DN, cho chuyên gia, người lao động và các hoạt động giao thương khác.
Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên có dịch COVID-19, trong khi hệ thống các chính sách hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng lại được ban hành và có hiệu lực sau khi tỉnh Vĩnh Phúc hết dịch. Cho nên, các DN chịu ảnh hưởng khó tiếp cận chính sách hơn các DN ở các địa phương khác.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị, ngoài các biện pháp hỗ trợ từ ngân hàng, cần tiếp tục xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay từ 1,5-2% cho tất cả các gói cho vay, giảm phí đối với khách hàng là người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh. Điều kiện, thủ tục cho vay cần đơn giản hơn, tài sản thế chấp linh hoạt hơn.
Đối với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hiệp hội đề nghị tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với các DN chịu thiệt hại từ đại dịch COVID-19, chỉ thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên đánh giá, chính sách ban hành thì rất tốt nhưng thực thi hạn chế do điều kiện tiếp cận rất khó. Điều đó dẫn tớimột số DN sản xuất, du lịch... đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề từ dịch bệnh.
"Vốn được ví như dòng máu nuôi DN, nhưng gần như đã cạn kiệt. Do vậy, Chính phủ cần có cơ chế để DN tiếp cận các gói tín dụng đã ban hành để phục hồi trở lại sau đại dịch", ông Thời.
Kỳ vọng về gói cứu trợ lần 2
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, một số chính sách như gia hạn đóng thuế thu nhập DN, gia hạn đóng thuế giá trị gia tăng nhìn chung dễ tiếp cận hơn cả. Trong khi đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất.
"Chúng ta đã thấy một Chính phủ hành động quyết liệt và kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ DN trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 dù ngân sách Trung ương eo hẹp. Tuy vậy, các chính sách ban hành để đáp ứng với “trạng thái khẩn cấp” đã bộc lộ những bất cập và cần phải điều chỉnh đề phù hợp với “trạng thái bình thường mới”. Và chúng ta vui mừng khi Chính phủ đang tính “gói cứu trợ lần 2” hay còn gọi là “gói kích thích kinh tế lần 2”, ông Phòng chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, cộng đồng DN kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phổ biến rộng rãi hơn thông tin về các chính sách hỗ trợ, cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các tiêu chí, điều kiện tiếp cận cũng như đảm bảo công bằng giữa các đối tượng trong diện được hỗ trợ.
Nhiều DN mong muốn chính quyền các cấp đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi. Bởi, đây sẽ là hỗ trợ quan trọng cho sự phục hồi bền vững của các DN trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19.
"Gói kích thích kinh tế lần 2 liệu có đáp ứng được nhu cầu của các DN cũng như thuận lợi cho các địa phương triển khai hay không là ở các kiến nghị tổng hợp từ thực tế thực thi của các cấp chính quyền địa phương", ông Phòng nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Shawn W.Tan, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), có một góc nhìn mới về chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Ông cho biết, WB đang tiến hành khảo sát sự tác động của dịch COVID-19 tới cộng đồng DN lần thứ 3, dự kiến kết quả này sẽ được công bố vào cuối tháng 3.
Thông tin cho thấy, so với 2 lần khảo sát do WB tiến hành vào tháng 6 và tháng 10/2020 thì xu hướng chuyển dịch sang công nghệ số của DN Việt Nam lại giảm. Cụ thể, nếu như tháng 6/2020, rất nhiều DN Việt Nam háo hức chuyển đổi sang hoạt động trên nền tảng số với tỷ lệ 48%, thì con số này đang suy giảm, chỉ còn 11% DN.
"12% DN đầu tư vào giải pháp số nhưng chủ yếu là DN lớn. Đồng thời, DN áp dụng công nghệ số thường diễn ra ở công đoạn đơn giản như bán hàng nhưng không áp dụng số hóa ở công đoạn sau, phức tạp hơn", ông Shawn W.Tan nói.
Do vậy, chuyên gia WB khuyến nghị, chương trình đổi mới sáng tạo của Chính phủ cần giúp DN Việt Nam tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới nhiều hơn trong thời gian tới. Đây sẽ là giải pháp quan trọng để hỗ trợ DN chủ động vượt thách thức và tận dụng cơ hội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo