Doanh nghiệp thực phẩm đồng loạt kiến nghị gỡ khó trong việc tăng vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
Sẵn sàng nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh và Bình Dương / Đà Nẵng: Người dân “ở yên một chỗ”, giá thực phẩm, điện nước, gas đều tăng
Doanh nghiệp đồng loạt "than" khó
Liên quan đến các quy định của Chính phủ về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ (Nghị đinh 09) đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong 5 năm qua.
Theo ông Kajiwara Junichi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam, việc triển khai theo đúng quy định của Nghị quyết 09 đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất dẫn đến công suất giảm, nhiều chi phí gia tăng, kết quả kinh doanh sản xuất bị ảnh hưởng nhiều.
Vị này cũng cho biết thêm, do phải thực hiện theo Nghị định 09, tổng chi phí sản xuất tăng thêm của Acecook đã lên tới gần 196 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng trong thời gian nói trên, Acecook phải bỏ ra thêm gần 3,7 tỷ đồng để mua muối bổ sung I-ốt (so với sử dụng muối thông thường) và gần 52 tỷ đồng để mua bột mì bổ sung sắt và kẽm (so với sử dụng bột mì thông thường).
Do chi phí đội lên quá cao, từ năm 2018, Acecook đã phải ngừng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nauy. Việc xuất khẩu thực phẩm chế biến của công ty sang một số thị trường khác cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan chia sẻ, các sản phẩm chế biến từ thịt thường dùng nhiệt độ cao. Do đó, dù Vissan đã sử dụng muối bổ sung I-ốt cho tất cả các sản phẩm chế biến, nhưng sau khi xử lý nhiệt, hầu như không còn I-ốt trong các sản phẩm này.
Ngoài ra, một số sản phẩm còn bị biến đổi màu sắc, mùi vị do sự tác động của I-ốt với các thành phần nguyên liệu ban đầu. Vì vậy, ông An cho rằng, việc sử dụng muối có bổ sung I-ốt vừa khiến cho chi phí mua muối của công ty phải tăng thêm 5%, mà lại không có hiệu quả với người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, việc sử dụng bột mì bổ sung sắt, kẽm gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, làm gia tăng mạnh về chi phí và giá thành sản phẩm.
Doanh nghiệp thực phẩm đồng loạt kiến nghị gỡ “khó” trong việc tăng vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Kiến nghị bỏ quy định bắt buộc tăng cường I-ốt
Theo 5 hiệp hội (Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam, Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc), một nội dung tại Nghị định 09/2016/NĐ-09 ngày 28/1/2016 (sau đây gọi tắt là Nghị định 09) đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Cụ thể, tại Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, điểm a khoản 1 Điều 6 quy định “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt” (áp dụng từ ngày 15/3/2017) và điểm b khoản 1 Điều 6 quy định “Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” (có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/3/2018).
Thời gian qua, các quy định này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm tăng nhiều chi phí và tăng vấn nạn cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN, không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro và thông lệ quốc tế cũng như dẫn đến nguy cơ tổn hại sức khỏe cho một bộ phận người Việt. Vì vậy, ngay sau khi Nghị định 09 ban hành, các hiệp hội đã liên tục có nhiều kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Y tế với mong muốn kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 19); trong đó, tại Điểm b, Khoản 15, Mục III, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/1/2016 của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm theo hướng: Bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường I-ốt” tại Điểm a (Khoản 1, Điều 6); bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm” tại Điểm b (Khoản 1, Điều 6). Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng.
Tuy nhiên, đến nay các hiệp hội và doanh nghiệp vẫn chưa thấy Nghị định 09 được sửa đổi nội dung quan trọng trên.
Không những thế, mới đây, ngày 14/9/2021, Bộ Y tế lại ban hành văn bản số 7658/BYT-PC gửi các hiệp hội, các doanh nghiệp thực phẩm và tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm Nghị định 09, thể hiện không thay đổi quan điểm về việc bắt buộc các doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải bổ sung vi chất.
Gần đây nhất, Bộ Y tế lại đang tiến hành xây dựng và lấy ý kiến góp ý Dự thảo Kế hoạch tăng cường thực thi Nghị định 09. Điều này khiến các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến thực phẩm băn khoăn, lo lắng, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang nỗ lực hồi phục sau đại dịch Covid-19.
5 hiệp hội khẳng định, các hiệp hội và doanh nghiệp chế biến thực phẩm hoàn toàn ủng hộ Chính phủ thực hiện các giải phảp để cải thiện sức khỏe và thể chất của người Việt Nam, đó cũng chính là nhiệm vụ, mục tiêu, lợi ích của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, việc bổ sung vi chất cần được thực hiện một cách phù hợp, trên nguyên tắc quản lý rủi ro, vừa đảm bảo sức khỏe cho người dân, giảm tỷ lệ bệnh và thể chất yếu do thừa hoặc thiếu vi chất, đồng thời không gây khó khăn cho các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm nói riêng, kinh tế nói chung.
Trên tinh thần đó, các hiệp hội thực phẩm đề nghị Thủ tướng, Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định 09 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 19/2018/NQ-CP đã ban hành. Chỉ bắt buộc muối dùng trong nấu ăn hàng ngày và các gia vị dạng rắn như hạt nêm, viên súp gia vị… phải bổ sung I-ốt và khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì yêu cầu bắt buộc, theo đúng tinh thần Nghị quyết 19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo