Thị trường

Doanh nghiệp ứng phó với biến động thị trường lúa gạo

Năm 2024, thị trường lúa gạo trong nước và thế giới biến động liên tục, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt trong triển khai thực hiện kế hoạch thu mua, xuất khẩu gạo.

Hà Nội: Thêm nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất vào cuối tháng 3 / Giá nông sản ngày 22/3/2024: Giá cà phê Việt Nam giảm nhẹ, hồ tiêu bật tăng

Doanh nghiệp dồn sức mua lúa, gạo dự trữ

Trong hơn 1 tháng qua, thị trường lúa gạo trong nước đã ghi nhận biến động liên tiếp về giá lúa. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp thì việc tăng giảm giá lúa như hiện nay là hoàn toàn bình thường, đúng theo quy luật cung - cầu của thị trường. Giá lúa vụ Đông Xuân mặc dù có giảm so với nửa cuối năm 2023, nhưng vẫn ở mức cao và bảo đảm lợi nhuận cho nông dân.

lua-gao
Giá xuất khẩu gạo Việt Nam đang ở mức dưới 600 USD/tấn. Ảnh minh họa

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam ghi nhận ngày hôm nay (21/3) duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm hiện ở mức 597 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 568 USD/tấn, gạo 100% tấm ở mức 481 USD/tấn.

Thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu gạo luôn theo dõi sát diễn biến thị trường lúa gạo trong nước để tập trung mua vào phục vụ các đơn hàng xuất khẩu sắp tới. Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (Long An) Nguyễn Tuấn Khoa chia sẻ: “hiện doanh nghiệp đang dồn sức mua lúa gạo hàng hóa để dự trữ, chờ thời điểm giá cao để bán ra. Lúa vụ Đông Xuân có chất lượng rất cao, nếu doanh nghiệp làm tốt công tác bảo quản sau thu hoạch thì có thể trữ tầm 3 - 4 tháng trước khi đưa ra xuất khẩu”.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, khoảng thời gian này doanh nghiệp cũng có những thuận lợi về vốn vay và tài chính khi lãi suất cho vay giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực đẩy mạnh thu mua lúa.

Mặc dù giá gạo xuất khẩu vẫn trong xu hướng giảm, song các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nên mua vào để tranh thủ giá tốt. Theo lý giải của các chuyên gia, cân đối cung cầu gạo toàn cầu năm 2024 cho thấy, người bán vẫn nắm thế chủ động, bởi hiện tại cầu vẫn nhiều hơn cung.

thu-mua
Thu mua lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc… Trong đó Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn; Indonesia khoảng 3,6 triệu tấn.

 

Đối với nhà xuất khẩu, Ấn Độ hiện tiếp tục hạn chế xuất khẩu gạo, còn Thái Lan gần đây dự báo rằng sẽ giảm sản lượng xuất khẩu trong năm nay vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Liên kết để nông dân, doanh nghiệp cùng có lãi

Nhiều chuyên gia nhận định, giá lúa, gạo lên xuống tiếp tục tái diễn, cùng với đó là nhiều yếu tố khách quan của thị trường như giá cước tàu biển tăng 300% so với cuối năm 2023 do căng thẳng khu vực Biển Đỏ, tỷ giá biến động… đã và đang tác động trực tiếp tới việc kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam. Bối cảnh này đặt cả doanh nghiệp và người trồng lúa phải tính toán để làm sao cùng có lãi, bởi khi tham gia xuất khẩu thì tất cả đều phải tuân theo quy luật của thị trường.

Các chuyên gia cho rằng, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo theo chuỗi giá trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tình thế hiện nay. Điều quan trọng hơn là trong chuỗi sản xuất lúa gạo không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng phải có lãi.

Do đó, nông dân cần tăng quy mô nông hộ, tập trung, tích tụ đất lúa, liên kết hợp tác sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và hình thành các hợp tác xã. Đồng thời cũng cần liên kết hợp tác với doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị, bao gồm liên kết ngang giữa các nông dân, hợp tác xã và liên kết dọc giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.

 

Khuyến nghị giải pháp, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, để liên kết thành công, Nhà nước và các địa phương cần tạo điều kiện về chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn. Việc này vừa giúp doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho nông dân, vừa tạo cơ hội cải tiến nhà máy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, góp phần tăng lợi nhuận.

Về vấn đề này, Chính phủ đã có Đề án phát triển bền vững 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Song để triển khai thực hiện đề án hiệu quả, các tỉnh cần khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng trước để triển khai sản xuất với nông dân.

“Cần thành lập hoặc củng cố các hợp tác xã. Các hợp tác xã được tập huấn trồng lúa theo quy trình nào, giống nào để nông dân làm theo. Hợp tác xã sẽ sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp để có đầu ra ổn định. Như vậy các doanh nghiệp sẽ dần dần không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là đường dài bền vững để gạo Việt đi xa.” – GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tính đến ngày 22/1/2024, cả nước có 161 thương nhân được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, giảm 49 thương nhân so với thời điểm tháng 8/2023 là 210 thương nhân.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm