Doanh nghiệp Việt Séc lao đao vì bị ép án
(DNVN) - Cty CP công nghệ Việt Séc (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong những doanh nghiệp tiên phong đưa công nghệ vật liệu mới PPC sản xuất tàu thuyền. Một vụ án tai nạn giao thông kéo dài hơn 5 năm nay đã khiến cho Việc Séc lâm vào đình đốn.
Sản xuất của Việt Séc đình đốn suốt 5 năm qua
Cty CP công nghệ Việt Séc (Bà Rịa – Vũng Tàu) là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong đưa công nghệ vật liệu mới PPC (Polypropylen – Poslystone Copolyme) sản xuất tàu thuyền. Thế nhưng, một vụ án tai nạn giao thông kéo dài hơn 5 năm nay đã khiến cho DN đình đốn sản xuất, người lao động mất việc làm.
Vi phạm thẩm quyền điều tra
Ngày 2/8/2013, tại vùng biển Cần Giờ (TPHCM) đã xẩy ra một vụ chìm tàu PPC làm chết 9 người chết. Đây là một trong hai chiếc tàu tuần tra được Cty CP công nghệ Việt Séc ( Cty Việt Séc) đóng mới và cung cấp cho Bộ đội biên phòng Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT).
Con tàu này đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân, Bộ Tư lệnh Hải quân đăng kiểm ngày 16/7/2013 và cấp “Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật” với ký hiệu ghi trong giấy đăng kiểm là BP 12-04-02 (tàu H29).
Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM, trước khi vụ tai nạn xảy ra, sáng 1/8/2013 ông Vũ Văn Đảo – Giám đốc Cty Việt Séc đã chỉ đạo ông Tạ Thanh Sơn “hỏi mượn” 2 tàu BP 12-04-02 và BP 12-04-01 của Biên phòng cửa khẩu cảng BRVT. “Sau đó, Sơn đã điện thoại cho ông Tấn (Thuyền trưởng của Biên phòng cửa khẩu cảng BRVT) hỏi mượn tàu và báo cáo lại cho Đảo biết” (trích cáo trạng).
Công ty Việc Séc đóng mới nhiều tàu thuyền vật liệu PPC cung cấp cho bộ đội biên phòng
Ngay sau khi tai nạn nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân dẫn đến tai nạn là do tàu chở quá số người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động…
Hành vi của người lái tàu được xác định “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Tuy nhiên, người lái tàu đã chết trong tai nạn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) đã không khởi tố về hành vi này. Trong khi đó, nhà sản xuất tàu thuyền bằng vật liệu PPC- Cty Việc Séc lại bị khởi tố, truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn”.(?!)
Cũng ngay từ đầu vụ án, các cơ quan tố tụng TPHCM đã xác định phương tiện gây tai nạn là tài sản của quân đội. Các yêu cầu điều tra thuộc thẩm quyền điều tra của Bộ Quốc phòng. Cơ quan điều tra của Công an TPHCM (CQĐT) không có thẩm quyền, không có khả năng điều tra làm rõ (Biên bản họp liên ngành ngày 29/4/2014). Cũng tại biên bản này, các cơ quan tố tụng TPHCM thống nhất chuyển vụ án cho CQĐT Bộ Quốc phòng tiếp tục điều tra xử lý.
Tuy nhiên, sau khi cơ quan tố tụng Quân chủng Hải quân quyết định không khởi tố vụ án, do nguyên nhân tai nạn không liên quan đến việc đăng kiểm cũng như chất lượng con tàu BP 12-04-02, CQĐT Công an TPHCM đã “tự” tiếp tục điều tra.
Điều này dẫn đến việc “vật chứng”duy nhất thu được trong vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” là “một chiếc áo phao cứu sinh đã qua sử dụng”, chứ không phải là con tàu “không đảm bảo an toàn”.(?!)
Yêu cầu của tòa án vẫn bỏ ngỏ...
Ngày 12/9/2014, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM ban hành Kết luận điều tra số 372-25/KLĐT-PC44-Đ3-vụ án “Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”. Ngày 17/10/2014 Viện KSND TPHCM ra cáo trạng (lần thứ nhất) số 474/CT-VKS-P1A.
Tuy nhiên, khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Tòa án nhân dân TPHCM thì tòa đã 2 lần trả lại hồ sơ cho Viện KSND TPHCM.
Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung lần 2 ngày 17/7/2015, tòa án yêu cầu: “Cáo trạng truy tố các bị can về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” thì cần phải trưng cầu giám định và có kết luận giám định tàu ký hiệu BP 12-04-02 không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng... Quý viện phải nêu rõ việc không công nhận kết quả của Phòng Đăng kiểm Hải quân Bộ tư lệnh Hải quân đăng kiểm và cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật ngày 16/7/2013”.
Tàu vật liệu PPC qua thời gian đã chứng minh đảm bảo chất lượng
Điều thấy rõ là, tại bản Kết luận điều tra bổ sung ngày 30/8/2018 của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM lẫn cáo trạng (lần 2) số 396/CT-VKS-P2 ngày 28/9/2018 của Viện KSND TPHCM đều vẫn thừa nhận giá trị pháp lý của “Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật” do Phòng Đăngkiểm hải quân cấp cho tàu BP 12-04-02.
Đồng thời, các kết luận giám định đều thể hiện tàu BP 12-0-02 đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng.
Trang 9 Kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan CSĐT Công an TPHCM viết rõ: “Kết quả điều tra ban đầu của Bộ GTVT, kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT và kết quả các lần giám định, giải thích giám định tư pháp của Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng, đã xác định: Tàu BP 12-04-02 là phương tiện thủy nội địa; hồ sơ thiết kế, hồ sơ đăng kiểm tại Phòng Đăng kiểm Hải quân và Hợp đồng mua bán thể hiện tàu BP 12-04-02 không có công dụng vận tải hành khách, khả năng chở có 12 người, không có khả năng hoạt động trên biển. Nguyên nhân vụ tai nạn là tàu BP 12-04-02 chở quá số người cho phép, sử dụng sai mục đích và đi vào vùng biển Cần Giờ là vùng không được phép hoạt động”.
Theo các chuyên gia pháp lý đã theo dõi sát sao kỳ án này: Hành vi chở quá số người cho phép, sử dụng phương tiện sai mục đích, đi vào vùng không được phép hoạt động... là cấu thành của tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” theo Điều 212 Bộ luật hình sự 1999.
Việc truy tố các ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” theo Điều 214 Bộ luật hình sự 1999 (tương ứng với Điều 274 Bộ luật hình sự 2015) là không có căn cứ”.
Vậy câu hỏi đặt ra là khi những yêu cầu để có thể “xem xét” vụ án của TAND TPHCM còn bỏ ngỏ, thì tòa án sẽ xét xử như thế nào?.
Đỗ Văn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo