Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,2%
Khánh Hòa sẽ thí điểm đón khách du lịch quốc tế có “hộ chiếu vaccine” / TP Hồ Chí Minh: Chấn chỉnh tình trạng "vét" hàng siêu thị đưa ra ngoài bán giá cao
Sáng 15/7, Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 6,2%. |
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM, bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến hết quý II, đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn đối với nền kinh tế.
Rút kinh nghiệm từ ba đợt dịch trước, Chính phủ đã tiếp cận điều hành trong đợt dịch thứ tư và đã có sự linh hoạt cần thiết để vừa phòng chống dịch COVID-19, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Chính phủ tiếp tục kiên định với các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Điều này giúp tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%.
Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, song bà Minh lo ngại, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn. Dù kinh tế Việt Nam đã có quý đầu tiên mở rộng trong chu kỳ tăng trưởng và tiếp tục nằm trong nhóm duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức cao trong khu vực châu Á.
Theo đó, báo cáo cập nhật kết quả dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 theo hai kịch bản. Trong kịch bản 1, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ khác ở chỗ dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức cao hơn.
Theo đó, kết quả dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 5,9% theo kịch bản 1, và 6,2% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4% trong kịch bản 1 và tăng 18,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 4,2 tỷ USD và 5,4 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2021 lần lượt đạt 2,6% và 2,8%.
Theo bà Minh, triển vọng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số và chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA mới và bảo đảm cơ hội cho lao động nữ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo