Thị trường

FE Credit liên tục dính tai tiếng vì đòi nợ kiểu xã hội đen

DNVN - 8 năm qua, dịch vụ FE Credit liên tiếp dính tai tiếng vì dịch vụ cho vay tiền nặng lãi, và kiểu hành xử khi đòi nợ không khác gì xã hội đen. Đau lòng nhất là mới đây một người dân đã tự tử vì không chịu được áp lực khi bị đòi nợ kiểu bất lương của FE Credit.

Mập mờ tư vấn, nhiều khách hàng mất tiền ‘oan’ khi vay tiêu dùng / EVN Finance ra mắt thương hiệu cho vay tiêu dùng Easy Credit

Tháng 6/2020, FE Credit lại trở thành tâm điểm của xã hội, làm nóng nghị trường, khiến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã phải chỉ đạo thanh tra, kiểm tra hoạt động thu hồi nợ của công ty này sau sự việc đau lòng của anh Lê Thành Tâm, một người tự tử vì không chịu được áp lực khi bị đòi nợ kiểu bất lương của FE Credit.

Tự tử vì món nợ với FE Credit

Mấy ngày qua, báo chí đồng loạt đưa tin, khoảng 4 giờ sáng ngày 21/6/2020, một người đàn ông đi xe máy đến giữa cầu Phú Long (thuộc địa phận phường Lái Thiêu, TP. Thuận An, Bình Dương), để lại xe, đôi dép, ví tiền rồi gieo mình xuống sông Sài Gòn tự vẫn. Theo cơ quan điều tra, nạn nhân là anh Lê Thành Tâm, sinh năm 1978, sống ở quận Gò Vấp. Anh Tâm, có vợ và hai con nhỏ, không có nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì làm nấy, từ nhổ đinh, khuân vác, phụ việc ở các quán ăn…. Cơ quan điều tra cũng tìm thấy hợp đồng vay nợ trị giá 40 triệu đồng anh Tâm ký với FE Credit trong ví của anh.

Gia đình anh Tâm cho biết họ không biết gì về khoản nợ của anh cho đến ngày 19/6/2020, chỉ hai ngày trước khi sự việc thương tâm nói trên xảy ra. Theo chị Trang Đài, vợ anh Tâm, chiều ngày 19/6, một nhóm khoảng chục người, thái độ hung hãn, đến nhà tìm anh Tâm nhằm thúc ép anh trả khoản nợ 168 triệu cả gốc và lãi. Chị cho biết, sau khi tóm được anh Tâm lúc vừa đi làm về và vào được nhà, nhóm người này liên tục lớn tiếng chửi bới, động tay động chân và đe dọa đánh chết anh nếu không trả tiền trước ngày 22/6. Theo lời con trai anh Tâm, nhóm này liên tục tát vào mặt, xách tai, chửi bới anh trong khi nạn nhân chỉ biết cúi đầu, khóc và chịu đòn.

Sau hơn hai tiếng chửi bới, đánh đấm mà không thể lấy được tiền, nhóm này đã ép vợ chồng anh Tâm theo họ đến nơi khác. Theo chị Trang Đài, điểm đến là một công ty đòi nợ thuê. Tại đây, nhóm người này tiếp tục uy hiếp vợ chồng anh, ép vợ chồng anh viết giấy nợ 105 triệu đồng, giảm 63 triệu so với khoản nợ 168 triệu cả gốc và lãi và phải cam kết trả đủ vào ngày 22/6/2020. Khoảng 21 giờ cùng ngày, sau khi ký giấy nợ, vợ chồng anh Tâm mới được cho về cùng tờ giấy ghi địa chỉ giao tiền: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng, 144 Cộng Hòa, F12, Q Tân Bình (Tòa nhà FE), 0902.566.0XX (Thành). Tuy nhiên, một ngày trước khi đến hạn trả nợ cho FE Credit, có lẽ do quá sợ hãi vì các sự việc xảy ra hai ngày trước, vì sợ sự đe dọa của nhóm côn đồ kia, sợ gia đình sẽ bị họ tổn hại, anh Tâm đã nhảy sông tự tử, hi vọng sự ra đi của mình có thể giúp kết thúc món nợ với FE Credit.

Sự việc đau lòng của gia đình anh Tâm đã khiến dư luận hết sức bất bình. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền, khi phản ảnh lại sự việc đau lòng của gia đình anh Tâm tại Quốc hội, đã coi “FE Credit là ví dụ điển hình cho chúng ta thấy rõ hơn hiện thực chẳng mấy tốt đẹp của các dịch vụ cho vay”. Bà Hiền đặt câu hỏi: Tại sao các dịch vụ cho vay nặng lãi lại có thể tiếp cận người dân dễ dàng bằng việc quảng cáo thông qua các thuê bao điện thoại, các ứng dụng trên điện thoại như vậy?

“Dịch vụ với lời hứa hẹn thì đầy nhân ái mà lãi suất thì như cứa cổ người vay”, bà nhận xét. Bà Hiền cũng cho rằng “không thể chậm trễ được nữa và đủ cơ sở pháp lý để khởi tố nhóm đòi nợ thuê nói trên theo quy định của Luật Hình sự 2015. Bà cũng đề nghị “cơ quan có thẩm quyền tra soát và siết chặt, tiến tới khai tử dịch vụ đòi nợ trước khi Luật đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực, bởi vì trước những biến tướng ngày càng nghiêm trọng của dịch vụ cho vay nặng lãi”. Bà cũng kêu gọi “người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp cận với những dịch vụ cho vay nặng lãi một cách quá dễ dàng như hiện nay”. Trước đó, trong phiên họp chiều 17/6/2020, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) với 92,34% tán thành. Theo Luật Đầu tư sửa đổi, dịch vụ đòi nợ bị cấm kinh doanh và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Ngày 26/6/2020, trước sự bức xúc của dư luận và phản ảnh của báo chí về vụ việc anh Tâm phải tự tử do bị đòi nợ kiểu xã hội đen, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết, ông đã chỉ đạo Vụ, Cục liên quan thanh tra, kiểm tra làm rõ vụ việc và báo cáo Thống đốc để có biện pháp xử lý. Đại diện của Ngân hàng nhà nước cũng cho biết “sẽ không dung túng cho các hành vi cho vay và thu hồi nợ sai trái”.

Về phía FE Credit, cho đến ngày 28/6/2020, công ty này vẫn đang im lặng trước sự việc.

FE Credit liên tục dính tai tiếng vì đòi nợ kiểu xã hội đen.

FE Credit liên tục dính tai tiếng vì đòi nợ kiểu xã hội đen.

Quấy rối, đe dọa khách hàng để đòi nợ

Vụ việc đau lòng của anh Tâm chỉ là giọt nước tràn ly, thực tế sau gần 8 năm hoạt động, Công ty tài chính FE Credit đang tạo ra không ít tai tiếng do cung cách đòi nợ của mình. Cách đây hơn hai năm (tháng 5/2018), công ty trở thành tâm điểm chú ý của dư luận do liên quan tới vụ mỹ phẩm Deaura bị tố lừa đảo khách hàng. Nhiều khách hàng vay mua trả góp mỹ phẩm Deaura đã tố cáo FE Credit quấy rối và đe dọa khách hàng để đòi nợ.

Vào thời điểm đó, báo chí còn phát hiện FE Credit có hành vi quấy rối, đòi nợ cả những người không vay tiền nhưng có liên quan đến người vay tiền. Nguyên nhân của hiện tượng này là do khi cho vay tiền, FE Credit yêu cầu người đi vay phải cung cấp ba số điện thoại “tham chiếu, có liên quan tới người đi vay”. Về lý thuyết, số điện thoại tham chiếu chỉ được sử dụng để hỏi thông tin về người nợ tiền khi FE Credit không thể liên lạc được với họ. Tuy nhiên, trên thực tế, khi cần “đòi nợ”, với lý do “không gọi được người nợ tiền”, FE Credit liên tục quấy rối người không vay nợ và đòi nợ những người này. Họ chỉ buông tha cho chủ nhân của các số điện thoại tham chiếu khi người nợ tiền đến gỡ số điện thoại. Rõ ràng, đây là cách làm rất vô trách nhiệm và không thể chấp nhận được của FE Credit, từ việc không thông báo cho bên thứ ba biết số điện thoại của họ được sử dụng trong hợp đồng vay nợ cho đến việc coi họ như một thứ “thế chấp” của con nợ để đòi nợ.

Ngoài ra, báo chí cũng phản ảnh việc một số khách hàng sau khi mua sim, cũng bị FECredit gọi điện đến đòi nợ chỉ vì chủ cũ (của sim) vay tiền của công ty này. Nhìn chung, cách đòi nợ của công ty này rất đa dạng, từ thuyết phục, giải thích cho đến dọa nạt. Cách đòi nợ phổ biến nhất là gọi điện quấy rối liên tục từ 5 – 10 cuộc gọi/ngày, bất kể giờ giấc.

 

Năm 2018, sau khi Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ công thương) cho biết liên tục nhận được khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hoạt động thu hồi nợ của FE Credit, Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) đã lên kế hoạch thanh tra công ty này. Về phía FE Credit, liên quan đến hoạt động thu nợ và mỹ phẩm Deaura, công ty này đã có văn bản phản hồi ngày 14/5/2018, thừa nhận “một vài nhân viên thu hồi nợ qua điện thoại đã có thái độ không phù hợp” và cho biết sẽ xử lý nghiêm theo quy định. FECredit cũng cam kết điều chỉnh, thắt chặt quy trình cho vay, thu nợ, giải quyết khiếu nại và xem xét các vấn đề mà khách hàng đã phản ảnh.

Không rõ FE Credit đã điều chỉnh như thế nào và quá trình thanh tra và xử lý của NHNN được thực hiện ra sao nhưng, những lùm xùm về hoạt động thu nợ của FE Credit vẫn tiếp tục được người tiêu dùng phản ảnh trên báo chí và các trang mạng xã hội trong năm 2019.

Hàn Phi (tổng hợp)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo