Thị trường

Giá heo hơi ngày 13/11/2022: Biến động 1.000 - 5.000 đồng/kg

Tuần qua, giá heo hơi trên cả 3 miền biến động từ 1.000 - 5.000 đồng/kg, hiện được thu mua trong khoảng 51.000 - 58.000 đồng/kg.

Đà Nẵng: Thu hồi sản phẩm Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh do không bảo đảm an toàn thực phẩm / Giá vàng ngày 12/11/2022: Vàng tiếp tục tăng phiên cuối tuần

Giá heo hơi tại miền Bắc

Cụ thể, tại Hà Nội, Thái Bình giá heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg.

Các địa phương nhưPhú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Tuyên Quang, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Nam Định giá heo hơi được thu mua với mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.

Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 55.000 - 58.000 đồng/kg.

Giá heo hơi ngày 13/11/2022: Biến động 1.000 - 5.000 đồng/kg

Giá heo hơi ngày 13/11/2022: Biến động 1.000 - 5.000 đồng/kg. Ảnh: Vissan

Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên

Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận giá heo hơi được thu mua với mức 55.000 - 56.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Đắk Lắk, Ninh Thuận, Lâm Đồng giá heo hơi ở mức 53.000 - 54.000 đồng/kg.

Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 53.000 - 56.000 đồng/kg.

Giá heo hơi tại miền Nam

Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giá heo hơi ở mức cao nhất toàn miền 57.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu giá heo hơi đạt mức 54.000 - 56.000 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng giá heo hơi ở mức 51.000 - 53.000 đồng/kg.

Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 51.000 - 57.000 đồng/kg.

Nhiều ông lớn đua nhau kinh doanh thịt heo

Thị trường thịt heo hiện đang có sự tham gia của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina và doanh nghiệp trong nước như Vissan, Dabaco, Masan Meatlife, 3F Việt Nam, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai… Điểm đáng chú ý, các doanh nghiệp ngoại có xu hướng tập trung vào khâu chăn nuôi, cung cấp heo thịt cho các hệ thống giết mổ, bán lẻ thịt heo trong khi các doanh nghiệp nội có xu hướng tổ chức cả quy trình từ chăn nuôi - giết mổ - bán lẻ. Sản phẩm thịt từ các doanh nghiệp bán lẻ trên thị trường chủ yếu là thịt mát, đối trọng với thịt nóng bán tại các chợ truyền thống.

Ông Quách Thế Phong - Giám đốc Bộ phận tư vấn, Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Stratery3 Việt Nam - nhận định: Phân khúc thịt heo có thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng do hiện chỉ chiếm thị phần khoảng 10%. Đây là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng.

Theo ông Quách Thế Phong, thị trường thịt heo lâu nay có các thông điệp na ná nhau như: chuỗi khép kín, 3F (Farm - Feed - Food), thịt an toàn, thịt theo tiêu chuẩn châu Âu… Mới đây, sự xuất hiện của thông điệp “heo ăn chuối”, “heo ăn chay”… đã tạo ra ấn tượng mới lạ với người tiêu dùng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, giá thịt heo có thương hiệu (thịt mát) hiện cao hơn từ 10 - 50% so với thịt nóng. Các dòng sản phẩm có yếu tố tiếp thị mới như “heo ăn chuối”, “heo ăn chay” có giá bán cao hơn hẳn. Tại cửa hàng BapiFood (Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), các sản phẩm thịt “heo ăn chuối” đang được khuyến mãi giảm giá 10% nhưng lượng khách mua chưa nhiều.

“Cơ hội ở thị trường thịt heo còn rộng nhưng để đi đường dài, các doanh nghiệp phải tính toán để có mức giá sản phẩm phải cạnh trạnh, nhất là trong tình hình hiện nay. Dự đoán, tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 không bằng năm 2022 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Do đó, phần lớn người dân sẽ tiết giảm chi tiêu. Trong khi, thịt heo có thương hiệu thường có giá rất cao, có loại cao gấp 1,5-2 lần so với thịt heo thường nên để thuyết phục người tiêu dùng mua là không đơn giản. Các doanh nghiệp cần tính toán để có giá bán vừa phải, cao hơn giá thịt heo thường khoảng 20% thay vì 50% như hiện nay” - ông Quách Thế Phong phân tích.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, mặc dù thu hút sự chú ý của người tiêu dùng nhờ tên thương hiệu đặc biệt, nhưng sản phẩm “heo ăn chuối” của Hoàng Anh Gia Lai không có nhiều khác biệt so với những sản phẩm thịt sạch đang bán trên thị trường.

Giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD (năm 2021) với sự tham gia của nhiều công ty lớn, trong đó Công ty CP Việt Nam (công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan) là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần ước tính khoảng 17 - 18%. Bên cạnh đó là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Hiện sản phẩm Meat Deli đang chiếm khoảng 2 - 3% thị phần… Sản phẩm thịt thương hiệu của BAF ra mắt năm 2021 hiện đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - cũng cho rằng chuyện heo ăn chuối, heo ăn chay hay heo ăn thảo mộc, heo ăn trùn quế… không mới. Heo là động vật ăn tạp nên đơn vị chăn nuôi luôn tận dụng thế mạnh của mình có gì, trồng gì thì cho heo ăn thức nấy để hạ giá thành. Thực tế, 90% heo đưa ra thị trường hiện nay là heo ăn chay vì thức ăn từ đạm thực vật (bột bắp, bã đậu nành…) rẻ hơn nhiều so với đạm động vật. “Cách đây 25 năm, chuối ở Gia Kiệm (Đồng Nai) rất rẻ, nhiều hộ chăn nuôi đã cho heo ăn chuối. Tuy nhiên, trong chuối chủ yếu hàm lượng đường nhiều tạo năng lượng chứ không có nhiều dưỡng chất. Các đơn vị quảng cáo heo ăn chuối, heo ăn chay thực chất chỉ là một trong những cách truyền thông để bán hàng” - ông Nguyễn Trí Công phân tích.

Theo ông Nguyễn Trí Công, hiện nay hầu hết các nước phát triển trên thế giới đều sử dụng thịt mát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng. NTD Việt Nam cũng dần theo xu hướng này. Giới trẻ, khách hàng ở phân khúc trung cao cấp đang ngày càng hạn chế ăn thịt nóng. Thịt nóng sẽ dần được thay thế bởi thịt mát khi nhu cầu của người tiêu dùng về thịt an toàn, chất lượng ngày càng cao hơn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm