Giá vàng nhảy múa, NHNN nói do tâm lý
Hà Nội: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại / Dự kiến hơn 260.000 lượt khách đến Đà Nẵng dịp Noel, Tết Dương lịch
Người dân thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng
Thời gian qua, giá vàng trong nước biến động rất mạnh, có thời điểm đã lên đến 83 triệu đồng mỗi lượng, cao hơn thế giới gần 20 triệu đồng. Đặc biệt các doanh nghiệp đã kéo giãn khoảng cách giữa mua và bán lên tới 4 - 5 triệu đồng và đẩy rủi ro về phía người mua.
Trao đổi với báo chí liên quan đến thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cho biết, thời gian qua do căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, kinh tế toàn cầu có dấu hiệu tăng chậm khiến giá vàng quốc tế biến động mạnh theo hướng tăng là chủ đạo.
Trên thị trường trong nước, mặc dù nhu cầu vàng miếng SJC đã giảm so với giai đoạn trước khi Nghị định 24 ban hành, nhưng tâm lý thị trường vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Do vậy, ông Đào Xuân Tuấn cho rằng nguyên nhân chính khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng trong thời gian qua là do yếu tố tâm lý trước đà biến động tăng của giá vàng thế giới.
Ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Sau khi tăng cao, giá vàng miếng SJC có chiều hướng giảm dần từ chiều ngày 28/12, trên thị trường khách hàng đang có xu hướng bán vàng miếng SJC.
"Vàng là tài sản có giá trị cao và giá vàng thường biến động mạnh và khó lường, vừa qua lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đã có thông điệp cảnh báo người dân nên thận trọng trong giao dịch đầu tư vàng", ông Đào Xuân Tuấn, vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.
Sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường
Ảnh minh họa.
Ông Đào Xuân Tuấn cũng khẳng định Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, sẵn sàng có giải pháp can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định 24 là quản lý thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ban ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động kinh doanh vàng.
"Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường", Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Ông Đào Xuân Tuấn cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tổng kết, đánh giá việc triển khai Nghị định 24, trong đó sẽ đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp.
Từ khi Nghị định 24 ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước chỉ thuê Công ty gia công vàng miếng khi có nhu cầu, và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 1/2024, cơ quan này sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng có hiệu lực từ tháng 5/2012, thị trường không có nguồn cung vàng nguyên liệu.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước quản lý và sản xuất độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, song Nhà nước cũng không sản xuất thêm vàng miếng SJC. Trong khi đó, người dân luôn muốn nắm giữ vàng miếng SJC khiến giá của loại vàng này ngày càng tăng và cao hơn giá vàng thế giới hàng chục triệu đồng/lượng.
Ngày 28/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ban hành Công điện số 1426 về các giải pháp quản lý thị trường vàng. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương có các giải pháp nhằm bình ổn thị trường vàng; ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
End of content
Không có tin nào tiếp theo