Giải thích nghịch lý thị trường lao động tăng nhưng doanh nghiệp kêu thiếu công nhân
DNVN - Mặc dù Tổng Cục Thống kê đánh giá thị trường lao động quý II và 6 tháng đầu năm nay ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) vẫn than phiền tình trạng thiếu nhân công.
Vietjet đã sẵn sàng chào đón du khách trở lại thành phố biển lớn nhất “xứ sở kim chi” Busan / Lo ngại chuyện chỉ mới "nghe nói" tăng lương là giá nhiều mặt hàng đã tăng
Lao động tăng nhanh
Tại họp báo sáng 6/7 thông tin tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2022, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động.
Theo đó, lực lượng lao động tăng nhanh. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2022 là 51,6 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong nửa đầu năm nay đạt 51,4 triệu đồng, cao hơn 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng Cục Thống kê, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ trong quý II năm 2022.
Trong quý II/2022, số người có việc làm phi chính thức là 21,4 triệu người, tăng 54,5 nghìn người so với quý trước và tăng 499 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước là 55,9%, giảm 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15 - 24 tuổi là 7,63%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với 1 quý liền trước. Tỷ lệ này trong nửa đầu năm nay là 2,39%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp kêu thiếu lao động
Trả lời câu hỏi của báo chí "Vì sao Tổng Cục Thống kê đánh giá thị trường lao động đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2022 nhưng các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) vẫn phản ánh thiếu nhân công?", bà Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết: Theo định nghĩa quốc tế, những người thiếu việc làm là những người có thời gian làm việc dưới 35 giờ mỗi tuần và có mong muốn sẵn sàng làm thêm việc.
Thực tế, ở Việt Nam, tình trạng thiếu việc làm chủ yếu xảy ra ở khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực nông thôn. Thời gian dành cho công việc của họ ít hơn những người làm việc ở DN, nhà máy, khu vực dịch vụ, xây dựng…
Tỷ lệ thiếu việc làm toàn ngành kinh tế là 2,48%. Tuy nhiên, lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đứng đầu với tỷ lệ là 3,9%; khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ là 1,1%; và khu vực dịch vụ là 1,55%.
So với tình trạng DN khan hiếm lao động, chỉ tiêu thiếu việc làm chỉ đánh giá về mặt số giờ làm việc, và đối tượng thiếu việc làm ở đây không phải là những lao động trong DN, mà là đối tượng ở khu vực nông, lâm, thủy sản.
Trên toàn bộ nền kinh tế, bài toán đặt ra không phải là giải quyết tình trạng thiếu người làm cho DN mà phải giải quyết việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông, lâm, thủy sản sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Câu chuyện này đòi hỏi các DN phải có chính sách thu hút lao động từ khu vực nông, lâm, thủy sản sang khu vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ cũng như đào tạo lao động.
Giải thích thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng: Tình trạng thiếu việc làm tập trung ở khu vực lao động giản đơn và lao động phổ thông. Trong khi đó, việc DN thiếu lao động tập trung ở các DN công nghệ cao và DN công nghệ thông tin.
Để giải quyết mâu thuẫn hiện nay, cần phải có kế hoạch đào tạo lao động có tay nghề cao để đáp ứng yêu cầu của các DN công nghệ cao và DN CNTT. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay cũng cần công nhân, lao động có trình độ cao, thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
"Lao động trong ngành nông nghiệp hay các ngành khác cần được đào tạo để đáp ứng với sự chuyển đổi đó, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp, qua đó phát triển nền nông nghiệp bền vững và chất lượng cao", ông Tiến chia sẻ.
DN nên kết hợp với các trung tâm đào tạo và các tỉnh để thực hiện công tác đào tạo. Việc DN chủ động đào tạo lao động sẽ nhanh mang lại kết quả. Điều quan trọng nhất là sự phối hợp giữa DN với các cơ quan chức năng để tạo được nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu có chất lượng cao trong tương lai.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo