Giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020: Sẽ hướng tới cả doanh nghiệp vừa
DNVN - Sau nhiều ý kiến của đại biểu về tiêu chí xác định đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan sẽ tiếp thu theo hướng mở rộng đối tượng tới cả doanh nghiệp vừa, tuy nhiên cũng phải chọn các tiêu chí để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh rủi ro trong quản lý.
Từ ngày 15/10/2019: DNNVV có thể được gia hạn nợ nhiều lần / Một số chính sách hỗ trợ DNNVV vẫn chưa đi vào cuộc sống: Vướng ở đâu?
Sáng 16/6/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự thảo Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới và trong nước. Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ là các đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế, Chính phủ trình Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Chính phủ cho rằng, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc trên thế giới; dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực của Việt Nam, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, để các doanh nghiệp có quy mô nhỏ có thêm nguồn lực tài chính duy trì và khôi phục sản xuất kinh doanh,vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh, góp phần đạt mục tiêu cao nhất có thể về tăng trưởng kinh tế của năm 2020 thì cần thiết phải có giải pháp kịp thời trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu băn khoăn về đối tượng giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020.
Cho rằng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay đang bị tác động tiêu cực rất lớn của đại dịch COVID-19, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) hoàn toàn đồng ý với đối tượng áp dụng trong Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
ĐB Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VINASME, doanh nghiệp vừa chiếm 4% trên tổng số 760.000 doanh nghiệp cả nước. Đây là doanh nghiệp nòng cốt, có giá trị, tạo rất nhiều việc làm, kết nối rất mạnh trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa DNNVV. DNNVV như một hạt nhân trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, kể cả đối với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp vừa ở đây là doanh nghiệp rất là quan trọng mà nó có 4% như vậy là chưa đến 30.000 doanh nghiệp, và cần phải đưa 4% DN vừa này vào đối tượng được thụ hưởng.
Tán thành ý kiến của Đại biểu Nguyễn Văn Thân, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, ông rất đồng tình việc ra nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tên gọi của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phần nào nói lên sự cần thiết của nó trong suốt cả quá trình tồn tại. Trong khi đại dịch COVID không doanh nghiệp nào là không chịu thiệt hại. Tuy nhiên, sức đề kháng của các doanh nghiệp lớn tốt hơn so với các DNNVV.
Với góc nhìn tương tự, ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) phát biểu rằng, cần thiết phải mở rộng đối tượng ra cả doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo phân tích của ông Phùng Văn Hùng, số lượng DNNVV chiếm tới 97%, đóng góp trên 45% GDP và trên 51% lao động, đóng vai trò hết sức quan trọng cho nền kinh tế.
ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) phát biểu trước Quốc hội sáng 16/6/2020. (Ảnh: Quochoi.vn)
Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết là doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam yếu và thiếu toàn diện, thiếu về nguồn lực tài chính, thiếu về khoa học, công nghệ, yếu về năng lực quản lý nhưng khả năng tiếp cận tín dụng của họ rất kém so với các doanh nghiệp lớn. Chính vì lý do đó mà chúng ta đã ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, nhưng đến nay gần 3 năm thực hiện hầu như các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng chưa được hưởng thụ các chính sách tốt của luật quy định", ông Phùng Văn Hùng nói.
Cũng theo đại biểu đoàn Cao Bằng, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư ở Việt Nam rất mong có công nghiệp hỗ trợ, nhưng họ không thể tìm được DNNVV của Việt Nam để tham gia vào và tất cả các linh kiện họ phải nhập từ chính quốc hoặc ở các nước khác.
"Chúng ta biết như vậy nhưng chúng ta không làm gì được để hỗ trợ cho các DNNVV phát triển. Đến bây giờ tất cả các DNNVV cũng “vật lộn” đơn lẻ, chưa tham gia được vào chuỗi cung ứng. Vậy tại sao chúng ta lại băn khoăn không hỗ trợ DNNVV lúc này?", ông Phùng Văn Hùng trăn trở.
Quan điểm của vị đại biểu này là nên mở ra cho cả DNNVV được giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020. Ông đề nghị Chính phủ xem xét sớm sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và một số luật khác liên quan để sớm đưa Luật Hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống, DNNVV mới có điều kiện phát triển được.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định,khu vực DNNVV quan trọng bởi nó rất dễ nhạy cảm, rất dễ bị đóng cửa nhưng khôi phục cũng rất nhanh và mở rộng quy mô cũng rất là nhanh.
"Cho nên kích vào đây là muốn phục hồi kinh tế thì kích vào khu vực này là hiệu quả nhất, bởi vì họ mở rộng rất là nhanh, họ khôi phục rất là nhanh. Cho nên nếu xét về quan điểm hiệu quả thì kích vào khu vực DNNVV cũng rất có hiệu quả", ông Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm.
Qua nhiều ý kiến thảo luận của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về cơ bản cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu ý kiến các đại biểu và sẽ báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng sớm có ý kiến tiếp thu để báo cáo lại Quốc hội theo hướng mở rộng đối tượng đến doanh nghiệp vừa. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Tài chính cũng phải chọn các tiêu chí làm sao để khi tổ chức thực hiện và quản lý thuận lợi, tránh rủi ro trong quản lý.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo